Nan giải bài toán xử lý rác thải cho các cụm công nghiệp ở Hà Tĩnh
Trong những năm gần đây tại Hà Tĩnh, nhiều công nghệ mới đã được nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng mang lại hiệu quả trong xử lý môi trường. Tuy nhiên, công tác ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) trong xử lý môi trường của các cụm công nghiệp còn nhiều tồn tại, chưa được giải quyết dứt điểm.
Xử lý rác thải ở một số cụm công nghiệp
Ở Thạch Hà, cụm công nghiệp Phù Việt do UBND huyện này quản lý, chưa được được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) nhưng vẫn mặc nhiên hoạt động trong nhiều năm qua. Đáng chú ý, để xử lý rác thải cụm này xây dựng một hồ chứa thu gom nước thải từ các đơn vị sản xuất trong khu công nghiệp, phân tầng chứa tại các ao lắng và khi đầy sẽ chảy theo đường ống ra môi trường.
Đây cũng là tình trạng khá phổ biến của hầu hết các cụm công nghiệp còn lại trên địa bàn Hà Tĩnh. Theo thống kê của Sở TN&MT Hà Tĩnh, trong 21 cụm công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn toàn tỉnh thì có 7 cụm chưa được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, 7 cụm chưa đầu tư hạ tầng công trình bảo vệ môi trường. Hầu hết các cụm công nghiệp đều do UBND huyện trực tiếp làm chủ đầu tư.
Ông Phạm Văn Đồng, Phó trưởng phòng TN&MT huyện Thạch Hà cho rằng: Việc quản lý cụm công nghiệp tại địa phương còn nhiều khó khăn, quá trình kiểm tra, giám sát, địa phương chỉ có thẩm quyền từ hệ thống nước thải phía ngoài vào đến hồ điều hòa, còn quá trình sản xuất bên trong sẽ phối hợp với Sở TN&MT khi có dấu hiệu bất thường.
Đối với cụm công nghiệp Bắc Cẩm Xuyên (huyện Cẩm Xuyên) cũng xảy ra tình trạng tương tự, các doanh nghiệp trong cụm này chủ yếu hoạt động về lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, bao bì, dược, thiết bị y tế, sản xuất bánh kẹo…, dù đã đi vào hoạt động khá lâu (hoạt động từ năm 2014) nhưng đến nay cụm này vẫn chưa có hệ thống thu gom xử lý nước thải theo quy định. Việc xả thải tại đây diễn ra hết sức tùy tiện, doanh nghiệp mạnh ai người nấy làm. Mỗi ngày, hàng trăm mét khối nước thải từ cụm công nghiệp này ngang nhiên chảy thẳng ra môi trường.
Con kênh dẫn nước chảy ra sông Ngàn Mọ (xã Cẩm Thành, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) từng là nơi sinh hoạt của người dân trong xã. Thế nhưng, từ khi cụm công nghiệp Bắc Cẩm Xuyên đi vào hoạt động thì không hiểu vì sao con kênh này ô nhiễm nghiêm trọng.
Có thể nói, nhận thức về trách nhiệm bảo vệ môi trường của các tổ chức cá nhân, doanh nghiệp trong khu công nghiệp chưa cao. Phần nhiều vẫn đang chú trọng lợi ích kinh tế, xem nhẹ công tác bảo vệ môi trường. Tình trạng nước thải có hay không được đổ thẳng ra môi trường hoặc xử lý không theo quy chuẩn diễn ra từ nhiều năm nay.
Lý giải về vấn đề này, Ông Phạm Hữu Tình - Trưởng phòng Môi trường, Sở TN&MT Hà Tĩnh cho biết: Sở đang yêu cầu các huyện, thị rà soát và phân loại các khu, cụm công nghiệp để tổng hợp và kiểm tra trong thời gian tới. Nếu khu cụm công nghiệp thuộc địa bàn huyện nào chưa làm đúng theo quy định của pháp luật thì sẽ xử lý vi phạm hành chính, đồng thời tiếp tục hướng dẫn để huyện sớm đầu tư kinh phí xây dựng hệ thống xử lý và vận hành đạt yêu cầu.
Để hoàn thiện hệ thống hạ tầng các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn, HĐND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Nghị quyết số 86/2018 về một số chính sách phát triển CN-TTCN đến năm 2025 và những năm tiếp theo, tỉnh sẽ ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các khu, cụm công nghiệp.
Những gì đã đạt được trong việc xử lý môi trường
Để xử lý chất thải sinh hoạt, tại 6 địa phương ở Hà Tĩnh, gồm các huyện: Lộc Hà, Thạch Hà, Nghi Xuân, Hương Sơn, Đức Thọ và thị xã Kỳ Anh Hà Tĩnh đã Ủ phân vi sinh, công nghệ đốt không sử dụng nhiên liệu, tuyên truyền phân loại rác, hướng dẫn người dân dùng những chế phẩm sinh học EM, L2100CHV, Sagi Bio-1, Hatimic, EMIC....chế biến phân bón từ rác thải hữu cơ.
Tại huyện Can Lộc, Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt của Công ty TNHH Thương mại và Xử lý môi trường Can Lộc với tổng mức đầu tư 45 tỷ đồng bằng công nghệ hiện đại đã giải quyết được bài toán vệ sinh môi trường cho địa phương.
Chất thải rắn công nghiệp và chất thải nguy hại phát sinh trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh trước đây hầu hết phải thuê đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển đến các tỉnh khác để xử lý tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường do chất thải tồn đọng không được thu gom kịp thời. Từ tháng 8/2016, Nhà máy chế biến chất thải công nghiệp Hà Tĩnh công suất 1.060 tấn/ngày với công nghệ tiên tiến đi vào hoạt động góp phần tích cực giải quyết khó khăn trong xử lý chất thải công nghiệp và chất thải nguy hại phát sinh trên địa bàn tỉnh.
Toàn tỉnh Hà Tĩnh có 6 bệnh viện tuyến tỉnh và 13 bệnh viện tuyến huyện, phát sinh lượng nước thải khoảng 800m3/ngày đêm. Cho đến nay, hầu hết các bệnh viện đã được đầu tư hệ thống xử lý nước thải sử dụng các công nghệ xử lý bằng sinh học như Aeroten, màng lọc sinh học AAO.
Đối với rác thải trong lĩnh vực chăn nuôi, số lượng trang trại chăn nuôi tăng đang đặt ra những vấn đề cấp bách về ô nhiễm môi trường, Hà Tĩnh hiện có hơn 300 cơ sở chăn nuôi tập trung theo quy hoạch được duyệt và hàng trăm nghìn cơ sở chăn nuôi quy mô nhỏ, một số công nghệ mới đã được nghiên cứu thử nghiệm và áp dụng tại một số trang trại, bước đầu cho thấy hiệu quả tích cực trong việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường do chất thải chăn nuôi. Điển hình như Công nghệ sinh học giá thể cố định MBBR kết hợp hóa lý để xử lý nước thải chăn nuôi sau Biogas được ứng dụng tại trang trại chăn nuôi lợn của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp Hoàng Phát (xã Kỳ Tây, huyện Kỳ Anh), hay việc ứng dụng phát triển Hệ thống tự động xử lý nước thải sau Biogas được thử nghiệm thành công tại trang trại chăn nuôi lợn ở xã Kỳ Đồng, huyện Kỳ Anh.
Xem thêm: Sắp có 3 cụm công nghiệp nghìn tỷ ở Hải Dương