Đại gia vừa đề nghị đầu tư 5 cụm công nghiệp hơn 4.100 tỷ đồng tại Hưng Yên là ai?

12:03 | 11/09/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Sở Công thương tỉnh Hưng Yên vừa báo cáo đề nghị UBND tỉnh xem xét, bổ sung 5 dự án cụm công nghiệp (tổng diện tích 375ha) vào quy hoạch cụm công nghiệp tỉnh đến năm 2020, định hướng tới 2030. Điều đang nói các dự án này điều liên quan nhiều đến đại gia Đặng Thành Tâm.

Cụ thể, 5 cụm công nghiệp (CCN) được đề nghị bổ sung vào quy hoạch gồm: Kim Động, Chính Nghĩa, Ân Thi, Đặng Lễ, Kim Thi. Tổng mức đầu tư của mỗi CCN là khoảng 828 tỷ đồng. Cơ cấu vốn gồm: Vốn tự có nhà đầu tư khoảng 168 tỷ đồng (chiếm khoảng 20% tổng vốn đầu tư dự án), còn lại vốn vay, vốn huy động từ các nguồn hợp pháp khác.

CCN Kim Động (diện tích khoảng 75ha tại địa bàn 2 huyện Kim Động và Ân Thi) thu hút các dự án theo các ngành nghề: Sản xuất công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ ngành điện tử, công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô (động cơ và chi tiết động cơ, hệ thống bôi trơn, hệ thống làm mát, hệ thống cung cấp nhiên liệu…), dự án sử dụng tiết kiệm năng lượng công nghệ sạch không gây ô nhiễm môi trường. Dự án chia ra 3 giai đoạn: Chuẩn bị đầu tư từ quý II/2021, thực hiện đầu tư từ quý IV/2021 đến quý IV/2024, quản lý khai thác dự án từ quý IV/2024. Trong đó tiến độ đầu tư hạ tầng từ quý IV/2021 đến quý IV/2024.

Các cụm CCN còn lại như Chính Nghĩa, Ân Thi, Đặng Lễ, Kim Thi đều có chỉ số diện tích, quy mô vốn lẫn tiến độ tương tự.

Theo thẩm định của cơ quan chức năng sở tại, nhà đầu tư là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đầu tư xây dựng các dự án xây dựng dân dụng, đô thị, khu công nghiệp, CCN và các ngành nghề kinh doanh khác.

Các dự án đều do Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư và phát triển Hưng Yên đăng ký làm chủ đầu tư. Công ty này đăng ký kinh doanh lần đầu vào tháng 2/2021, đặt trụ sở tại TP. Hưng Yên, vốn điều lệ 1.800 tỷ đồng.

Các cổ đông sáng lập gồm Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc – CTCP (nắm 60% vốn); Công ty Cổ phần Công nghệ viễn thông Sài Gòn (30%) và Công ty Cổ phần Khu công nghiệp Sài Gòn – Hải Phòng (10%), do ông Đặng Thành Tâm làm chủ tịch hội đồng quản trị.

Đại gia Đặng Thành Tâm là ai?

Ông Đặng Thành Tâm (SN 1964), sinh ra tại quê mẹ ở Hải Phòng và lớn lên tại TP.HCM. Sau đó, ông quay trở quê mẹ theo học và tốt nghiệp chuyên ngành Kỹ sư Hàng hải và học thêm về quản trị kinh doanh.

Ông là chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc của các công ty đã niêm yết trên các sở giao dịch chứng khoán Việt Nam: Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc, Công ty Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo, Công ty Công nghệ Viễn thông Sài Gòn.

Năm 2007, sau khi Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc và Công ty Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo niêm yết, ông Tâm đã nhanh chóng leo lên vị trí người giàu nhất Việt Nam.

Ông Đặng Thành Tâm.

Năm 2008, thêm một thành viên của Tập đoàn đầu tư Sài Gòn (Saigon Investment Group) lên sàn, đó là Công ty Công nghệ Viễn thông Sài Gòn (mã chứng khoán SGT), Đặng Thành Tâm có dịp công khai thêm nhiều cổ phiếu mà ông đang sở hữu.

Tuy nhiên do thị trường tuột dốc, khối lượng cổ phiếu khổng lồ của ông Tâm (45 triệu KBC, 7,4 triệu ITA và 13,86 triệu SGT) chỉ còn có giá trị tương đương 3.280 tỷ đồng. Giá trị tài sản giảm gần một nửa so với năm 2007, nên ông Tâm phải nhường vị trí số 1 cho Bầu Đức, và lui về hàng thứ 3.

Không chỉ tham gia điều hành kinh doanh, ông Đặng Thành Tâm tham dự tích cực vào hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế. Năm 2006, ông là thành viên hội đồng tư vấn kinh doanh APEC, thành viên tư vấn cao cấp chương trình hỗ trợ kỹ thuật hậu WTO của Chính phủ Việt Nam, chủ tịch diễn đàn doanh nghiệp Việt – Nhật.

Năm 2009, ông là chủ tịch câu lạc bộ CEO Việt Nam, chủ tịch câu lạc bộ Sao vàng Đất Việt. Từ năm 2010, ông là ủy viên ban chấp hành Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam. Năm 2011, ông là thành viên tư vấn Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF). Từ năm 2009, ông là phó chủ tịch liên đoàn Vovinam Việt Nam và Liên đoàn Vovinam quốc tế. Năm 2011, ông là chủ tịch hội đồng quản trị trường đại học dân lập Hùng Vương.

"Ông trùm" khu công nghiệp

Ông Đặng Thành Tâm còn được biết đến là "ông trùm" khu công nghiệp khi dồn hết tâm tư tập trung vào doanh nghiệp do mình sáng lập. Đến nay, Kinh Bắc trở thành một doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp và hiện có 11 công ty con với lĩnh vực kinh doanh chính: Đầu tư, xây dựng và kinh doanh bất động sản.

Tính đến 31/12/2020, quỹ đất khu công nghiệp (KCN) của KBC đã tạo lập là 4.713ha, chiếm gần 5% tổng số diện tích đất KCN của cả nước.

Đến nay, KBC đã có 4 KCN đầu tiên kể từ khi thành lập công ty năm 2002 có tổng diện tích là 1.013ha đã được lấp đầy 100% vào năm 2019, thu hút hơn 250 nhà đầu tư nước ngoài chủ yếu đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Trung Quốc…

Cụ thể, tại Bắc Ninh: Hai KCN Quế Võ có tổng diện tích 611ha, với 70 căn nhà xưởng xây sẵn có diện tích tiêu chuẩn là 5.160 m2/căn. Trong đó KCN Quế võ hiện hữu có diện tích 300ha đi vào hoạt động từ năm 2003, KCN Quế Võ mở rộng có diện tích 311 ha đi vào hoạt động từ năm 2006.

Tại Hải Phòng: KCN Tràng Duệ 1 có diện tích 187,8 ha, với 17 căn nhà xưởng xây sẵn có diện tích trung bình là 5.200 m2/căn đi vào hoạt động từ năm 2008; KCN Tràng Duệ 2 có diện tích 214,2 ha, không có nhà xưởng xây sẵn.

Các dự án khác KBC đang tập trung triển khai đầu tư hạ tầng gồm: KĐT Tràng Cát; KCN Nam sơn Hạp Lĩnh; KCN Quang Châu; KĐT Tràng Duệ; KCN Tân Phú Trung; KĐT Phúc Ninh.

Ngoài ra, Kinh Bắc còn có dự án Khu Ngoại Giao Đoàn - Hà Nội với tổng diện tích 20.000 m2, nằm trên đường Phạm Văn Đồng Hà Nội, ngay sát cạnh Công viên Hòa Bình. Năm 2017, công ty đã lập công ty con là Công ty TNHH MTV Đầu tư NGD để quản lý phát triển dự án. Dự án đang trong quá trình tìm kiếm đối tác để hợp tác phát triển.

Trong năm nay, KBC đang lập các dự án mới ở Hưng Yên, Hải Dương, Long An, Vũng Tàu với tổng diện tích dự kiến tăng lên đáng kể từ năm 2021 và các năm tiếp theo.

 

Công ty Cổ phần Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC) đi vào hoạt động từ năm 2003. Công ty hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng đô thị, thương mại, khu công nghiệp, du lịch đa năng. Người sáng lập của KBC chính là đại gia Đặng Thành Tâm.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2021 cho biết, doanh thu tăng gấp 3,6 lần so với cùng kỳ năm ngoái, từ 556 tỷ đồng lên 2.002 tỷ đồng.

Điều đáng nói ở đây, Kinh Bắc đã đạt doanh thu lên đến 2.002 tỷ đồng, cao gấp 3,6 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức cao kỷ lục theo quý kể từ khi công ty được thành lập cho tới nay.

Trong số doanh thu này thì cho thuê đất và chuyển nhượng bất động sản là “mỏ vàng” lớn nhất, chiếm tới 95% số tổng doanh thu của Kinh Bắc, đạt 1.904 tỷ đồng – tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Nguồn thu còn lại đến từ cho thuê kho, nhà xưởng, văn phòng (26 tỷ đồng) và cung cấp nước sạch, điện, phí dịch vụ và xử lý nước thải (71 tỷ đồng).

Kết thúc quý 1, Kinh Bắc báo lãi ròng 715 tỷ đồng, cao gấp 7,6 lần cùng kỳ năm 2020. Đây cũng là mức lợi nhuận sau thuế cao nhất từ trước đến nay của doanh nghiệp. Có được kết quả này, Kinh Bắc cho biết là nhờ doanh thu tăng từ hợp đồng cho thuế đất khu công nghiệp và đô thị.

Năm 2021, KBC đặt kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu hợp nhất mục tiêu là 6.600 tỷ đồng, tổng lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 2.000 tỷ đồng. Như vậy, Kinh Bắc đã đạt 30% kế hoạch doanh thu và 36% kế hoạch lợi nhuận năm.