Nâng cao hiệu quả quản lý hệ thống đường thủy nội địa

20:02 | 19/11/2018 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Theo đánh giá của nhiều chuyên gia giao thông thì hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa vẫn còn nhiều hạn chế, thiếu đồng bộ và đang là điểm nghẽn của quá trình phát triển vận tải thủy nội địa.

Một trong những nguyên nhân của thực trạng này là do sự bất cập trong công tác quản lý nhà nước về đường thủy nội địa, cảng, bến thủy nội địa. Để làm rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Tạp chí Doanh nhân đã có buổi trao đổi với ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa.

Xin ông cho biết thực trạng quản lý đường thủy nội địa trong thời gian vừa qua?

Cục trưởng Hoàng Hồng Giang: Hiện nay, hệ thống đường thủy nội địa trên cả nước được chia làm hai loại tuyến, thứ nhất là loại tuyến do Trung ương quản lý với gần 6.500 km và thứ hai là loại tuyến được ủy thác cho các địa phương quản lý với 17.000 km.

Trong vài năm trở lại đây, Bộ Giao thông vận tải mở các tuyến sông pha biển (tàu SB) chạy ven biển, do đó có nhiều tàu chạy qua các cửa sông vì thế mà hoạt động vận tải hàng hóa tại khu vực này cũng trở lên sôi động hơn.

Cùng với đó là sự phát triển kinh tế-xã hội những năm gần đây kéo theo nhu cầu sử dụng cát, sỏi cho xây dựng cũng tăng lên dẫn đến việc khai thác cát, sỏi dưới lòng sông gia tăng khiến tình trạng quản lý hoạt động giao thông đường thủy cũng phức tạp hơn.

Bên cạnh đó, các tuyến đường thủy được ủy thác cho địa phương quản lý hiện nay có nhiều bất cập. Do nhiều địa phương vẫn dồn nhiều nguồn lực cho đường bộ, dẫn đến bộ phận quản lý đường thủy các địa phương phần lớn được ghép vào các phòng, ban không có bộ phận chuyên trách quản lý đường thủy. Chính vì ghép như vậy nên năng lực, kinh nghiệm cán bộ được phân công quản lý lĩnh vực này không cao. Do đó Cục sẽ cho rà soát lại tất cả các nhân lực tại các địa phương được ủy thác, để từ đó có những biện pháp cụ thể nâng cao trình độ quản lý cho đội ngũ này.

Nâng cao hiệu quả quản lý hệ thống đường thủy nội địa - ảnh 1
 Nâng cao hiệu quả quản lý hệ thống đường thủy nội địa.
Theo ông, cần làm gì để cải thiện công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực đường thủy tại địa phương?
 Cục trưởng Hoàng Hồng Giang: Cục Đường thủy nội địa sẽ rà soát lại tổng thể thực trạng bảo đảm an toàn đường thủy trên toàn quốc. Sau đó, sẽ có đánh giá về quản lý đường thủy địa phương. Địa phương nào đã xây dựng được quy hoạch về phát triển giao thông đường thủy sẽ chấm điểm rất cao, ngược lại địa phương nào không có quy hoạch sẽ chấm điểm thấp. Cục sẽ quy định một thời gian cụ thể để các địa phương chuẩn bị, sau đó Cục sẽ rà soát, đánh giá về mức độ vào cuộc của từng địa phương về vấn đề này.
Ngoài ra, Cục Đường thủy nội địa cũng yêu cầu các địa phương cập nhật các thông tin về vận tải, cảng bến, báo cáo tai nạn... nhưng nhiều địa phương cũng chưa quan tâm vấn đề này. Cá biệt có những địa phương tại Đồng bằng sông Cửu Long có sông, kênh dày đặc nhưng vấn đề trên cũng chưa được quan tâm thích đáng.
Một vấn đề khác nữa là việc cấp phép khai thác mỏ cát, sỏi lòng sông tại địa phương. Thực tế có nhiều địa phương đang cấp phép khai thác cát, sỏi một cách tràn lan kéo theo các vi phạm về an toàn đường thủy cũng gia tăng, đặc biệt là đâm va.
Hay vấn đề quản lý các bến khách ngang sông, bến tàu là các địa phương không có mô hình, nếu có vụ việc xảy ra không đơn vị nào nắm được giao vấn đề.
Tất cả những vấn đề trên dẫn đến nguy cơ mất an toàn giao thông tại các địa phương rất lớn. Một loạt vấn đề đặt ra như làm thế nào để quản lý tốt các bến đò, bến khách ngang sông, tàu du lịch, tàu cá hoạt động không phép...
Về mặt tổng thể, Cục Đường thủy nội địa không thể làm hết được những vấn đề đã đặt ra ở trên, quan điểm của Cục là phân cấp triệt để cho địa phương, bởi thực tế chứng minh chỉ có địa phương mới làm tốt được vì địa phương nắm địa bàn sâu sát hơn.
Tuy nhiên là các địa phương muốn làm tốt được công tác quản lý đường thủy tại địa phương mình thì cần phải quan tâm hơn nữa đến công tác này. Ngoài ra, Cục sẽ cùng vào cuộc với địa phương để cho địa phương mạnh lên và thay mặt Cục quản lý tốt lĩnh vực đường thủy tại địa phương.
Đối với các địa phương thì như vậy, còn các giải pháp tổng thể để quản lý hệ thống các tuyến đường thủy nội địa cần phải tập trung vào những vấn đề nào thưa ông?
 Cục trưởng Hoàng Hồng Giang: Trước mắt Cục Đường thủy nội địa sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các địa phương qua việc tổ chức các đoàn đi làm việc để thiết chặt những việc mà Cục đã phân cấp cho địa phương. Qua kiểm tra sẽ đánh giá được các địa phương đã thực hiện đến đâu, từ đó sẽ cùng các địa phương đưa ra giải pháp; trong đó trọng tâm là củng có nguồn nhân lực, cơ cấu tổ chức của địa phương.
Sau đó, Cục Đường thủy nội địa sẽ đề nghị các cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh, sửa đổi một số văn bản quy phạm pháp luật để quy rõ trách nhiệm cho các địa phương một cách chặt chẽ, hiệu quả.Đồng thời Cục sẽ cùng với các địa phương xây dựng, rà soát các quy hoạch,... qua công tác kiểm tra, nếu thấy địa phương thiếu, yếu lĩnh vực nào thì Cục sẽ yêu cầu làm ngay.
Tiếp theo, Cục sẽ đưa khoa học công nghệ vào để quản lý hàng ngày, mặc dù là công việc địa phương làm nhưng Cục phải nắm được hàng ngày để điều chỉnh ngay... Về văn bản quy phạm pháp luật, Cục sẽ tiếp tục nghiên cứu xây dựng các văn bản pháp quy để quy định rạch ròi các lĩnh vực giữa Cục Đường thủy với các địa phương để từ đó luật hóa trong các văn bản quy phạm pháp luật.
Ngoài ra, Cục Đường thủy nội địa sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền các quy định trong lĩnh vực đường thủy để làm sao người dân, doanh nghiệp nắm được các quy định để thực hiện nghiêm chỉnh hơn nữa.Cùng với đó, Cục sẽ có kiến nghị với Bộ Giao thông Vận tải, Chính phủ tăng đầu tư cho phát triển đường thủy, đặc biệt là xây dựng cơ sở hạ tầng, công tác quản lý đường thủy…
Xin cảm ơn ông về những chia sẻ trên!