Nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt

Anh Tuấn/TTXVN 16:17 | 07/05/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Việc xây dựng thương hiệu quốc gia là một bệ phóng quan trọng để tăng hạng cho sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trên bảng xếp hạng thế giới.

Vấn đề xây dựng thương hiệu quốc gia nói chung, thương hiệu doanh nghiệp Việt nói riêng thời gian qua đã được Chính phủ, các bộ ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp quan tâm và triển khai nhiều hoạt động cụ thể.

Điển hình như phê duyệt chương trình thương hiệu quốc gia Việt Nam giai đoạn 2020-2030, tổ chức Tuần lễ thương hiệu quốc gia Việt Nam hàng năm, tổ chức chương trình Thương hiệu vàng TP Hồ Chí Minh…

Nâng tầm thương hiệu

Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam giai đoạn 2020-2030 được xác định là xây dựng hình ảnh Việt Nam là một quốc gia có uy tín về hàng hóa và dịch vụ với chất lượng cao; tăng niềm tự hào và sức hấp dẫn của đất nước, con người Việt Nam; góp phần thúc đẩy phát triển ngoại thương và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Giai đoạn này, chương trình xác định tập trung xây dựng và phát triển Thương hiệu Việt Nam gắn với các giá trị tích cực, nổi trội của thương hiệu sản phẩm; trong đó góp phần tăng giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam bình quân 20% mỗi năm theo thống kê, đánh giá của các tổ chức xếp hạng có uy tín trên thế giới; trên 1.000 sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia Việt Nam; 90% số lượng doanh nghiệp trên cả nước có nhận thức về vai trò của thương hiệu sản phẩm trong sản xuất, kinh doanh, đầu tư…

Tại Tuần lễ Thương hiệu quốc gia Việt Nam diễn ra cuối tháng 4 vừa qua, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, Việt Nam là điểm sáng nhờ sự tăng hạng vượt bậc về giá trị thương hiệu quốc gia đi cùng những kết quả về kinh tế, xã hội đã đạt được, uy tín và vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế.

Trong bối cảnh này, việc xây dựng thương hiệu quốc gia là một bệ phóng quan trọng để tăng hạng cho sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trên bảng xếp hạng thế giới.

Ở cấp độ địa phương, TP Hồ Chí Minh đã có nhiều hoạt động hỗ trợ, xúc tiến việc xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp. Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh cho biết, thương hiệu của doanh nghiệp cũng chính là thương hiệu của TP Hồ Chí Minh, không tách rời nhau.

Chính quyền TP Hồ Chí Minh luôn chú trọng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đẩy mạnh chuyển đổi số, kinh tế số; ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng, nhất là hạ tầng logistics, giảm chi phí giao dịch, nâng cao tính cạnh tranh cho doanh nghiệp… để thương hiệu của doanh nghiệp ngày càng phát triển và tỏa sáng hơn nữa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế thành phố bền vững.

"Chính quyền TP Hồ Chí Minh cam kết đồng hành và hỗ trợ nhiều hơn nữa đối với việc quảng bá, phát triển thương hiệu sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp; triển khai kế hoạch phát triển thiết thực đối với Thương hiệu vàng TP Hồ Chí Minh như khơi thông đa dạng nguồn lực, tháo gỡ những nút thắt trong lưu thông hàng hóa, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi nhất cho doanh nghiệp", ông Phan Văn Mãi chia sẻ.

Trải qua 26 năm triển khai, Chương trình bình chọn Hàng Việt Nam chất lượng cao do Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức thường niên và người tiêu dùng bình chọn cũng đã trở thành "bệ phóng" cho doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp.

Qua đó, sản phẩm đạt nhãn hiệu chứng nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao ngày càng được tín nhiệm trên thị trường trong nước, khu vực và thế giới.

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết, trước xu thế toàn cầu hóa, cộng đồng doanh nghiệp bước vào thời kỳ hội nhập ngày càng sâu rộng với nhiều thách thức cạnh tranh, chương trình bình chọn Hàng Việt Nam chất lượng cao lại khoác thêm sứ mệnh mới.

Đáng chú ý là việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng thông qua cam kết tuân thủ tiêu chuẩn chất lượng của nhà sản xuất; khuyến khích doanh nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam và quốc tế...

Tạo bệ phóng cho doanh nghiệp

Dẫn chứng một số bài học thành công của một số quốc gia trong khu vực châu Á về xây dựng và củng cố thương hiệu quốc gia thời gian vừa qua, bà Trần Tuệ Tri, Giám đốc Thương hiệu AVSE Global cho biết, điển hình đầu tiên là Nhật Bản về sự thân thiện với môi trường và biện pháp đối phó dịch COVID-19.

Tại Olympic Tokyo 2020, Nhật Bản từng nêu rõ mục tiêu về chỉ số đo lường cho chiến lược giảm thiểu chất thải bằng cách kêu gọi cộng đồng Hydrogen, thực hiện chiến lược 3R (Reduce - giảm rác, Reuse- tái sử dụng, Recycle - tái chế), sử dụng huy chương làm bằng vật liệu tái tạo... đã giúp Nhật Bản tạo được ấn tượng tốt với thế giới và góp phần xây dựng thương hiệu quốc gia.

Tương tự, Dubai (Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất) được xem là thành phố dẫn đầu trong công cuộc thúc đẩy du lịch sau khi có kế hoạch kiểm soát dịch COVID-19 hiệu quả.

"Họ đã thực hiện chiến lược phục hồi với sự phối hợp vô cùng chặt chẽ của Chính phủ và các bên liên quan, họ ưu tiên phục hồi thị trường trong nước vào bước đầu nhằm tạo cơ sở cho việc đón tiếp du khách quốc tế vào tháng 7/2020.

Dubai tập trung vào việc mang lại trải nghiệm du lịch đặc biệt cho du khách quốc tế đồng thời ưu tiên sự an toàn của khách du lịch ở mọi giai đoạn và điểm tiếp xúc của hành trình du lịch của họ, từ khi bắt đầu cho đến kết thúc", bà Trần Tuệ Tri lý giải.

Từ những cách làm trên trên, theo bà Trần Tuệ Tri, Việt Nam có thể học hỏi một số điểm như nâng cao chất lượng cuộc sống, cụ thể là y tế và giáo dục; đẩy mạnh phát triển bền vững; phục hồi và phát triển du lịch; xây dựng thương hiệu Việt có tầm ảnh hưởng quốc tế. Đây chính là cơ hội vàng cho Việt Nam trong việc phát triển thương hiệu quốc gia để trở thành bệ phóng vững chắc cho doanh nghiệp Việt trong tương lai.

Thương hiệu không chỉ là một logo hay một câu quảng cáo mà thương hiệu luôn luôn bắt đầu từ sự thấu hiểu rất rõ định vị của mỗi sản phẩm, tổ chức, con người hoặc quốc gia.

Thương hiệu quốc gia tốt cũng cần truyền tải các thông điệp chân thực, gần gũi và nổi bật có tính khác biệt và bền vững lâu dài - bà Trần Tuệ Tri phân tích.

Bộ Công thương khẳng định, trong 3 năm trở lại đây, giá trị thứ hạng của thương hiệu quốc gia Việt Nam liên tục được cải thiện và nằm trong nhóm thương hiệu mạnh theo báo cáo đánh giá từ Brand Finance - tập đoàn hàng đầu thế giới về đánh giá thương hiệu các quốc gia, nhờ nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Chính phủ; trong đó có sự đóng góp đáng kể của Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam.

Theo báo cáo từ Brance Finance, năm 2021, thương hiệu quốc gia Việt Nam được định giá tăng 21,6% so với năm 2020, lên 388 tỷ USD, vẫn duy trì được ở hạng 33 thế giới trong khi dịch COVID - 19 diễn biến vô cùng phức tạp. Đặt trong bối cảnh Việt Nam hiện là một trong 10 nền kinh tế có độ mở cửa thị trường lớn nhất thế giới với tỉ trọng xuất nhập khẩu/GDP tăng liên tục qua các năm.

Đây là một bước bệ phóng rất lớn để tăng hạng cho sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trên bảng xếp hạng thế giới. Việt Nam được coi là điểm sáng nhờ sự tăng hạng vượt bậc về giá trị thương hiệu quốc gia đi cùng những kết quả về kinh tế, xã hội đã đạt được, khẳng định uy tín và vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế, đồng thời thể hiện sự chủ động và tầm vóc của Việt Nam trong hội nhập quốc tế.

Theo bà Vũ Kim Hạnh, trong bối cảnh mới như hiện nay, Chương trình bình chọn Hàng Việt Nam chất lượng cao cần đáp ứng tinh thần hàng Việt ở mức cao hơn, khi người tiêu dùng cũng khắt khe hơn, đòi hỏi hàng Việt phải tiệm cận về mặt chất lượng với hàng hóa của khu vực và thế giới.

Điều này khẳng định "tinh thần hàng Việt" phải được soi chiếu trong nỗ lực vươn tới đẳng cấp quốc tế bằng hàng loạt yêu cầu như từ Hiệp định Thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia ký kết và đã bước vào giai đoạn có hiệu lực.

Từ thực tế thành công của nhiều quốc gia cũng như nghiên cứu của mình, bà Trần Tuệ Tri cho rằng, thương hiệu mạnh quốc gia sẽ tạo ra một cảm nhận tích cực cho người dân và cộng đồng quốc tế về đất nước đó, biến lợi điểm thành lợi thế cạnh tranh của quốc gia và các sản phẩm dịch vụ đi từ quốc gia đó.

Mặt khác, thương hiệu được đầu tư dài hạn để triển khai nhiều năm, ở nhiều cấp độ từ trong nước tới môi trường quốc tế, từ cấp quốc gia tới cấp doanh nghiệp và được đưa tới cộng đồng thông qua một loạt các hoạt động xuyên suốt và thống nhất cả trong giai đoạn hưng thịnh cũng như khó khăn.