Nắng nóng, công suất tiêu thụ đạt đỉnh 5 lần trong 1 tháng, hệ thống điện quốc gia bị đe doạ quá tải

13:09 | 22/06/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Tập đoàn Điện lực quốc gia EVN cho biết, công suất tiêu thụ điện toàn quốc lần đầu đã vượt mốc 42.000 MW để thiết lập mức đỉnh kỷ lục mới 42.146 MW.

Tình trạng nắng nóng kéo dài từ ngày 16/6 đến nay đã làm lượng điện điện thụ của toàn miền Bắc nói riêng và các tỉnh không ngừng tăng cao. 

Riêng trưa ngày 21/6 - cũng là hôm nhiệt độ đạt đỉnh, tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc đã chứng kiến công suất tiêu thụ điện đạt đỉnh 42.146 MW.

Theo số liệu của EVN thì miền Bắc và Hà Nội cũng đã lập kỷ lục mới lần lượt 18.700 MW và của TP Hà Nội là 4.700 MW. 

Đáng chú ý, chỉ trong vòng hơn 1 tháng qua, mức tiêu thụ điện đã có 5 lần lập kỷ lục mới, đây là biên độ chưa từng có tiền lệ trong các mùa hè trước. Đặc biệt, chỉ riêng tháng 6 đã có 3 ngày 2/6, 18/6 và 21/6 ghi nhận mức đỉnh mới. 

Nắng nóng, công suất tiêu thụ đạt đỉnh 5 lần trong 1 tháng, hệ thống điện quốc gia bị đe doạ quá tải - ảnh 1

Ảnh minh họa

Theo các chuyên gia, rất có thể tình trạng thiếu điện, cắt điện cục bộ xảy ra trong thời gian tới khi điện mặt trời vẫn chưa có giải pháp lưu trữ và các nguồn điện bổ sung khác còn hạn chế...

Cụ thể, vào đêm 31/5 đã từng ghi nhận công suất đạt đỉnh 41.549 MW - đây là thời điểm không có sự tham gia của điện mặt trời. Theo thống kê của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (​A0) thì công suất lắp đặt của toàn hệ thống điện khoảng 70.000 MW, trong đó có khoảng 17.000 MW điện mặt trời (bao gồm điện mặt trời trang trại lớn và áp mái nhà).

Nếu trừ con số từ điện mặt trời thì công suất đặt của nguồn điện chỉ còn lại khoảng 53.000 MW, gây áp lực mạnh mẽ lên hệ thống nếu xảy ra quá tải cục bộ ở một số nhà máy. 

Để hệ thống điện được vận hành ổn định thì phải có mức dự phòng tỷ lệ 30-40% công suất đỉnh (tương đương mức tối thiếu 12.643 MW). Nghĩa là mức công suất toàn hệ thống phải đạt ngưỡng không nhỏ hơn 54.789 MW khi không có sự tham gia của hệ thống điện mặt trời. 

Do đó, để hạn chế xảy ra sự cố cục bộ trên lưới điện cũng như trong gia đình, EVN tiếp tục khuyến cáo người dân, các cơ quan công sở và nơi sản xuất cần chú ý nâng cao tiết kiệm điện đặc biệt vào các giờ cao điểm buổi trưa từ 11h30 đến 15h và buổi tối từ 20h đến 23h.

Theo các chuyên gia, nhiệt độ môi trường càng cao thì tỷ lệ thuận tiêu thụ điện của máy lạnh sẽ tăng cùng. Nếu nhiệt độ ngoài môi trường 35 độ C, mức tiêu tốn điện của điều hoà khoảng 9,21 kWh, khi nhiệt độ ngoài trời tăng lên 40 độ C thì máy lạnh sẽ tiêu thụ khoảng 10,22 kWh lượng tiêu thụ điện. 

Ngoài ra, EVN khuyến cáo không sử dụng cùng lúc nhiều thiết bị điện có công suất lớn và chú ý sử dụng hợp lý điều hòa nhiệt độ ở mức 26-27 độ C, kết hợp với quạt làm mát. 

H.S

Xem thêm: EVN giảm giá điện, giảm tiền điện 3 đợt trong các năm 2020 và 2021 với tổng số tiền là hơn 13.800 tỷ