`Nên nâng ngưỡng chịu thuế đối với hộ, cá nhân kinh doanh`
Thông tư 40/2021/TT-BTC hướng dẫn thuế GTGT, thuế TNCN và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.
Cụ thể, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có doanh thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm dương lịch từ 100 triệu đồng trở xuống thuộc trường hợp không phải nộp thuế giá trị gia tăng và không phải nộp thuế thu nhập cá nhân theo quy định về thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân. Bên cạnh đó, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm khai thuế chính xác, trung thực, đầy đủ và nộp hồ sơ thuế đúng hạn; chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, đầy đủ của hồ sơ thuế theo quy định.
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam.
Nhiều ý kiến cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, ngưỡng chịu thuế 100 triệu đồng/năm thấp và không còn phù hợp và cần phải điều chỉnh.
Liên quan đến vấn đề này, bà Nguyễn Thị Cúc chia sẻ, trong doanh thu chịu thuế của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh ở ngưỡng 100 triệu đồng/năm gồm có 2 loại thuế là thuế TNCN và thuế GTGT.
“Tôi đang lăn tăn với mức chịu thuế TNCN của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh”, bà Cúc nói.
Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam phân tích, thuế TNCN từ hoạt động kinh doanh cũng tương tự thuế TNCN từ tiền lương, tiền công. Ngày 2/6/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 954/2020/UBTVQH14 về nâng mức giảm trừ gia cảnh của thuế TNCN, cụ thể: mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế được nâng từ 9 triệu lên 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm); Mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc được nâng từ mức 3,6 lên 4,4 triệu đồng/tháng. Như vậy, ta thấy do trượt giá nên TNCN từ tiền lương, tiền công được điều chỉnh để tính thuế TNCN. Tuy nhiên, TNCN kinh doanh lại chưa được điều chỉnh mà đang ở ngưỡng 100 triệu đồng/năm.
“Tôi nghĩ rằng cơ quan thuế nên xem xét nghiên cứu trình cấp thẩm quyền có thể nâng mức doanh thu chịu thuế TNCN của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh lên, ít nhất cũng nên bằng tỷ lệ điều chỉnh nâng mức giảm trừ gia cảnh. Việc đó sẽ hợp lý hơn”, bà Nguyễn Thị Cúc nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, theo Chủ tịch VTCA, mục tiêu hướng tới quản lý thuế chặt chẽ, công bằng nhưng phải đơn giản, thuận lợi để nâng cao ý thức tuân thủ của người nộp thuế, đặc biệt là cá nhân kinh doanh. Bà Cúc cũng đề xuất nên có sự liên kết giữa ngân hàng và cơ quan thuế trong việc thanh toán thuế online tạo sự thuận tiện cho cá nhân, hộ kinh doanh.
Theo Tài Chính Doanh nghiệp
Xem thêm: Góc nhìn chuyên gia: Nghịch lý việc quản lý thuế tại mô hình kinh doanh nhỏ lẻ