Nestle và hơn 2 thế kỷ góp mặt trong hàng triệu căn bếp toàn cầu
Câu chuyện về Nestle, nhà sản xuất bánh kẹo và thức ăn cho vật nuôi “nức tiếng” toàn cầu, được bắt đầu từ cuối những năm 1800 tại Thụy Sĩ.
Năm 1867, ông Henri Nestle, một dược sĩ người Đức, đã mở một công ty sản xuất thực phẩm chế biến từ sữa ở thị trấn nhỏ Veyey. Sản phẩm đầu tiên của Henri là một loại ngũ cốc dành cho trẻ sơ sinh, được kết hợp từ sữa bò, bột mì và đường. Sản phẩm này sau đó đã trở nên vô cùng nổi tiếng và được ưa chuộng bởi nhiều bà mẹ thiếu hoặc không có sữa cho con bú.
Từ khi công ty của ông Henri bắt đầu nổi tiếng, nhiều doanh nghiệp khác cũng bắt đầu quan tâm và “mon men” lại gần thị trường thực phẩm từ sữa. Trong đó, đối thủ mạnh nhất phải kể đến Anglo-Swiss Condensed Milk Company – công ty chuyên sản xuất sữa đặc, được thành lập bởi 3 anh em người Mỹ đến từ thành phố Cham, Thụy Sĩ. Thương hiệu này đã đem tới một sản phẩm sữa an toàn hơn so với sữa tươi.
Sau hơn hai thập niên cạnh tranh khốc liệt, công ty Nestle và Anglo-Swiss Condensed Milk đã sáp nhập thành công vào năm 1905. Đây được xem là nền tảng phát triển của một tập đoàn đa quốc gia chuyên về thực phẩm bổ sung sức khỏe, nước đóng chai, bánh kẹo và thức ăn cho vật nuôi.
Hơn 2 thế kỷ thăng trầm qua các thương vụ M&A
Ngay từ đầu, Nestle đã đẩy mạnh hoạt động kinh doanh ở nước ngoài. Công ty này mở nhà mày đầu tiên ở Mỹ vào năm 1900. Sự bùng nổ của Thế chiến I đã đưa đến cho Nestle những hợp đồng “béo bở” về sữa đặc và socola cho Chính phủ. Đến cuối thời kỳ chiến tranh, Nestle đã có 40 nhà máy trên toàn cầu. Năm 1938, nhà máy của Nestle ở Brazil đã đưa ra sáng chế về Nescafe, sản phẩm café hòa tan thương mại đầu tiên.
Nestle tăng trưởng khá nhanh sau Thế chiến II. Năm 1947, công ty này sáp nhập với Maggi, nhà sản xuất thương hiệu gia vị Fondor nổi tiếng, tiếp theo là mua lại Crosse & Blackwell (công ty chế biến thực phẩm đóng hộp của Anh Quốc) vào năm 1960, Findus (công ty thực phẩm đông lạnh) năm 1963, công ty nước ép trái cây Libby năm 1971 và công ty thực phẩm đông lạnh Stouffer năm 1973.
Trong những năm 1970, ban lãnh đạo Nestle dự đoán tương lai phát triển chậm chạp của ngành công nghiệp thực phẩm, do đó, công ty này đã mở rộng thêm lĩnh vực mỹ phẩm và dược phẩm. Nestle mua lại cổ phần của L’Oréal, công ty mỹ phẩm số một thế giới và Alcon Laboratories, công ty hàng đầu về sản phẩm chăm sóc mắt.
Năm 1984, ông Helmut Maucher, Giám đốc điều hành Nestle, đã ký kết một hợp đồng trị giá 3 tỷ USD để mua lại công ty thực phẩm Carnation ở Los Angeles. Vào thời điểm đó, đây là thương vụ M&A lớn nhất trong lịch sử doanh nghiệp Mỹ.
Tương tự Nestle, Carnation cũng có lịch sử phát triển lâu dài với các thực phẩm từ sữa, sau đó mở rộng danh mục sang các sản phẩm khác. Được thành lập từ năm 1899, Carnation chuyên bán các sản phẩm sữa đặc, sau đó mới mở rộng sang lĩnh vực thức ăn dành cho mèo – Friskies.
Năm 1988, Nestle chi 5,5 tỷ USD để mua lại “người khổng lồ” mì ống Buitoni và nhà sản xuất socola Anh – Rowntree. Năm 1992, Nestle bất ngờ “hạ gục” Source Perrier, công ty nước khoáng hàng đầu thế giới.
Paulcher Strebel, giáo sư tại trường Kinh doanh Imede ở Lausanne, Thụy Sĩ, cho biết: “Maucher đã sử dụng các cuộc mua bán để nâng cao văn hóa doanh nghiệp và giúp cải tổ tư tưởng về tăng trưởng cho nhân sự tại Nestle”.
Năm 2002, Nestle tiếp tục ký một thỏa thuận trị giá 2,6 tỷ USD để mua lại nhà máy sản xuất đồ ăn nhẹ của Hot Pockets và Toaster Pizza. Tuy nhiên, một đề nghị chung với Cadbury Schweppes để mua lại Hershey với giá 12,5 tỷ USD đã bị từ chối.
Những “vết đen” trong lịch sử huy hoàng
Là công ty thực phẩm lớn nhất thế giới, Nestle cũng vấp phải một số tai tiếng về thực phẩm.
Năm 1976, nội dung tiếp thị sản phẩm sữa công thức của Nestle ở các nước đang phát triển bị cáo buộc có nội dung liên quan đế tỷ lệ tử vong cao ở trẻ sơ sinh. Các nhà phê bình cho rằng, Nestle đang quá chú trọng đến việc ra đời các sản phẩm thay thế sữa mẹ mà quên đi các vấn đề quan trọng khác như việc khan hiếm nước sạch.
Sau 7 năm bị tẩy chay ở hầu hết các nước đang phát triển, Nestle đã đồng ý thay đổi hoạt động tiếp thị của mình theo quy định của World Health Organization (Tổ chức Y tế thế giới - WHO) về sữa bột giành cho trẻ sơ sinh.
Một báo cáo năm 1998 của UNICEF cho biết, trẻ em từ Mali và Burkina Faso đã bị những kẻ buôn người bắt đi làm việc tại Ivory Coast, nước xuất khẩu cao su hàng đầu thế giới. Những lao động tí hon này đã phải bán mạng làm việc tại các nhà máy sản xuất socola lớn trên thế giới. Theo một cuộc điều tra của tờ New York Times, hơn 15.000 nô lệ trẻ em đã được phát hiện đang làm việc trên đồi cacao ở Ivory Coast.
Năm 2007, Canada đã lên tiếng xác nhận một cuộc điều tra về việc ấn định giá trong ngành công nghiệp socola. Nestle Canada sau đó đã phải giải quyết một vụ kiện tập thể, phải bồi thường lên đến 9 triệu USD nhưng vẫn không nhận lỗi.
Năm 2008, Hong Kong phát hiện chất hóa học công nghiệp melamine trong sữa của Nestle tại Trung Quốc đã gây tổn thương hơn 50.000 trẻ em, khiến ít nhất 4 trẻ tử vong và công ty này buộc phải thu hồi sản phẩm trên toàn cầu.
Năm 2015, một báo cáo đã chỉ ra Nestle đang lạm dụng lao động và quyền con người trong ngành công nghiệp hải sản, khiến các công ty mua hải sản từ Thái Lan phải chịu các rủi ro đặc biệt nghiêm trọng.
Áp lực thay đổi
Trong nhiều năm qua, Nestle đã không ngừng thay đổi và lớn mạnh. Hiện nay, Nestle đang sở hữu hơn 2.000 thương hiệu trên khắp thế giới.
Gần đây, công ty này đang nỗ lực đáp ứng những thay đổi trong khẩu vị của từng khu vực. Tại Hoa Kỳ, doanh số socola đang giảm dần do người dân ngày càng quan tâm đến việc ăn uống lành mạnh hơn. Do đó, Nestle đang tìm cách thúc đẩy lại doanh số bánh kẹo tại quốc gia này.
Ngoài ra, áp lực của Nestle còn đến từ phía các nhà đầu tư. Quỹ đầu tư hưu trí Daniel S. Loeb đã kêu gọi công ty này bán cổ phần tại L’Oréal và một số cổ phần không cần thiết khác. Khi nhu cầu mua hàng trực tuyến ngày càng tăng lên, các nhãn hiệu thực phẩm “cổ” như Nestle đang có nguy cơ bị đình trệ. Nestle bây giờ cần phải cạnh tranh với nhu cầu ngày càng tăng về thực phẩm hữu cơ và thực phẩm tươi.
Ông Maucher chia sẻ với tờ The Times vào năm 1989 rằng: “Nestle không thể lấy cách thức sống của một quốc gia rồi áp đặt lên phần còn lại của thế giới và kiểm soát họ như vệ tinh được. Công ty này cần phải thích ứng và thay đổi với các thị hiếu khác nhau đang hiện hữu trên toàn cầu.”./.
Theo VietnamFinance