Nga sẽ cấm xuất khẩu dầu mỏ trong diện bị áp giá trần
Khi được hỏi liệu cơ chế trên sẽ có hiệu lực vào cuối năm nay hay không, ông Novak khẳng định chắc chắn Nga sẽ thực hiện việc này. Ông Novak cũng cho biết trong bối cảnh tình hình bất ổn như hiện nay, Nga có thể giảm sản lượng dầu nhưng không giảm mạnh.
Phó Thủ tướng Novak cho biết thêm Nga đang thay đổi các chuỗi logistics để ứng phó việc phương Tây áp mức giá trần 60 USD/thùng đối với dầu thô xuất khẩu bằng đường biển của Nga. Theo ông Novak, Nga đang hợp tác với các nhà buôn nhỏ hơn khi tiến hành giao dịch dầu và đang sử dụng các chương trình bảo hiểm nguồn cung mới.
Cùng ngày, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho rằng khi phương Tây áp giá trần đối với dầu của Nga, các nguyên tắc cơ bản vận hành nền kinh tế thế giới bị vi phạm và sự phân rã thị trường thế giới sẽ trở thành hiện thực. Ông cảnh báo phương Tây sẽ phải đối mặt với tình trạng bất ổn ngày càng tăng trên thị trường năng lượng, trong khi Moskva dễ dàng tìm ra khách hàng mới có nhu cầu về dầu.
Liên quan vấn đề trên, ngày 5/12, Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho rằng Liên minh châu Âu (EU) cần thay đổi chính sách trừng phạt Nga vì khối này đang chịu thiệt hại nhiều hơn so với Mỹ do xung đột Nga-Ukraine. Theo ông, EU nên tập trung vào việc đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng thay vì cố áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga. Ông Orban cũng bày tỏ đồng tình với ý kiến của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng “hậu quả của xung đột Nga -Ukraine ở hai bờ Đại Tây Dương không giống nhau”.
Trước đó, trong chương trình của CBS ngày 4/12, ông Macron nói rằng tác động của cuộc khủng hoảng năng lượng đối với Mỹ và EU có sự khác biệt lớn vì EU chủ yếu phụ thuộc vào nguồn cung dầu và khí đốt từ nước ngoài, trong khi Mỹ là nhà sản xuất nhiên liệu hóa thạch.