Ngân hàng đầu tiên báo lỗ trong quý IV/2023
Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển Việt Nam (PG Bank - Mã: PGB ) vừa công bố báo cáo tài chính với khoản lỗ sau thuế 4,6 tỷ đồng trong quý IV/2023 trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi là 95 tỷ đồng. Lũy kế cả năm, ngân hàng thu về lợi nhuận sau thuế là 283,5 tỷ đồng, giảm 29,8% so với 2022.
Trong quý IV/2023, thu nhập lãi thuần của ngân hàng đã tăng 4%, đạt 347,8 tỷ đồng khi đẩy mạnh hoạt động cho vay. Phần lớn dư nợ cho vay tăng thêm của PG Bank tập trung vào quý cuối cùng của năm. Đến ngày 30/9, số dư cho vay khách hàng mới chỉ tăng 4,9% so với đầu năm, tuy nhiên vào ngày 31/12, mức tăng đã đạt 21,6%.
Tuy nhiên, những mảng kinh doanh còn lại của PG Bank đều ghi nhận kết quả không tích cực hoặc thua lỗ. Cụ thể, ngân hàng lỗ 10,3 tỷ đồng từ hoạt động dịch vụ, cùng kỳ năm ngoái lãi 25,9 tỷ đồng. Mảng kinh doanh ngoại hối khiến PG Bank lỗ 4 tỷ, trong khi từng đem lại 17,2 tỷ đồng lãi vào quý IV/2022.
Tương tự, chứng khoán đầu tư ghi nhận khoản lỗ 3,5 tỷ đồng, cao hơn mức thua lỗ 2,4 tỷ đồng vào năm ngoái. Trong khi đó, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh khác sụt giảm hơn 80,4%, xuống 10,8 tỷ đồng.
Kết quả là tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng đã giảm 20,7% so với cùng kỳ, còn 340,8 tỷ đồng. Tổng chi phí hoạt động cũng chỉ giảm nhẹ, khiến lãi thuần từ hoạt động kinh doanh mất 49,2, còn 86,6 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí dự phòng rủi ro tăng 75,1% đã gây ra khoản lỗ trước thuế 4,6 tỷ đồng.
Do hoạt động kinh doanh của PG Bank chậm lại đáng kể từ quý III/2023, lũy kế cả năm, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đã giảm 22,8%, kéo theo lãi trước thuế giảm 29,7%. Nguyên nhân chủ yếu đến từ sự suy yếu trong những mảng kinh doanh ngoài lãi như dịch vụ, ngoại hối, chứng khoán và thu nhập khác.
Theo giải trình của PG Bank, nguyên nhân khiến lợi nhuận quý IV suy giảm là do giảm lãi suất cho vay khách hàng theo chủ trương của Chính phủ trong khi chi phí huy động chưa giảm do có độ trễ và tăng trưởng tín dụng tập trung vào tháng cuối năm 2023.
Ngoài ra, PG Bank đã chi trả thù lao cho công tác viên giới thiệu khách hàng vay để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, khiến chi phí hoạt động dịch vụ tăng. Theo thuyết minh trong báo cáo tài chính, chi phí từ hoạt động dịch vụ của PG Bank vào năm 2023 đã tăng hơn 68%, lên 64,6 tỷ đồng, chủ yếu do chi phí hoa hồng, môi giới (từ 4,1 tỷ đồng vào năm 2022 lên 28,7 tỷ đồng trong năm 2023).
Tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản của PG Bank đạt 55.495 tỷ đồng, tăng 13,3% so với đầu năm, trong đó, cho vay khách hàng tăng tới 21,6%. Trước đó vào cuối quý III, tổng tài sản của ngân hàng từng giảm 2,4% so với đầu năm, còn cho vay khách hàng mới chỉ tăng 4,9%. Diễn biến trên cho thấy phần lớn tăng trưởng tín dụng tập trung vào quý IV/2023.
Tiền gửi khách hàng tăng 14,3% so với đầu năm, lên mức 35.730 tỷ đồng. Số dư nợ xấu của ngân hàng tăng nhanh trong quý IV, đạt 905 tỷ đồng vào cuối năm 2023, so với 796 tỷ đồng vào cuối quý III hoặc 745 tỷ đồng cuối năm ngoái. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu lại không đổi ở mức 2,56% (giảm nhẹ so với quý III/2023) nhờ cho vay khách hàng tăng nhanh.
Số lượng nhân viên của PG Bank tiếp tục tăng, lên mức 1.919 người vào cuối quý IV, cao hơn đáng kể so với 1.700 người vào đầu năm. Theo công bố của ngân hàng, thu nhập bình quân của nhân viên trong quý IV/2023 lại ở mức 22 triệu đồng, giảm 4,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sau khi Petrolimex thoái vốn, PG Bank đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2023 để bầu lại lãnh đạo và thông qua các kế hoạch như thay đổi tên thương mại, nhận diện thương hiệu, trụ sở chính cũng như lên kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 5.000 tỷ đồng. Hiện PG Bank đang là nhà băng có vốn điều lệ thấp nhất hệ thống.