Petrolimex dự kiến hoàn tất thoái vốn tại PGBank trong năm 2021
Tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên ngày 26/4, cổ đông Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đặt câu hỏi về quá trình thoái vốn tại Ngân hàng Xăng dầu Việt Nam (PGBank) liên tục bị trì hoãn.
Trả lời câu hỏi trên, ông Phạm Văn Thanh - Chủ tịch HĐQT Petrolimex cho biết, quá trình thoái vốn tại PGBank vẫn đang được Petrolimex tiến hành, sau khi các thương vụ sáp nhập của PGBank với các đối tác đều bất thành.
Cũng theo ông Thanh trước mắt, tập đoàn này đang thuê các công ty tư vấn chuyên nghiệp để thẩm định, chào bán hơn 40% vốn tại PGBank. Hợp đồng tư vấn thẩm định định giá vừa được Petrolimex hoàn tất, ký với đối tác. Về lâu dài, tập đoàn dự kiến hoàn tất việc thoái vốn PGBank trong năm 2021.
Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 của Petrolimex theo hình thức trực tuyến. Ảnh: Petrolimex
Vấn đề hiện nay là quá trình tìm đối tác sáp nhập của PGBank khá gian nan, khi các thương vụ với đối tác VietinBank hay HDBank đều bất thành. Hồi tháng 6/2020, đại diện Petrolimex cho biết tập đoàn sẽ lên kế hoạch bán 40% cổ phần cho nhà đầu tư khác nếu đến 31/8 việc hợp nhất PGBank và HDBank chưa thể hoàn tất.
Trong một diễn biến mới nhất tháng 3 năm nay, lãnh đạo PGBank cho biết ngân hàng sẽ hoạt động độc lập, không tìm đối tác sáp nhập.
Ông Thanh cho biết, kế hoạch thoái vốn của Petrolimex được quy định tại Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ "Phê duyệt Danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017 – 2020". Cụ thể, Quyết định 1232 yêu cầu PLX thoái vốn từ 75,86 % xuống 51%.
Tuy nhiên, ngày 29/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 908/QĐ-TTg phê duyệt Danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn đến hết năm 2020; trong đó giao cho chủ sở hữu là Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chủ động tham khảo các ý kiến của các bộ ngành liên quan và chỉ đạo Petrolimex thoái vốn. Như vậy, việc giảm tỷ lệ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp này vẫn đang được Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các cơ quan quản lý cân nhắc.
Năm 2020 là một năm đặc biệt khó khăn với Petrolimex, do ảnh hưởng của Covid-19, giá dầu thế giới có diễn biến bất thường, dị biệt. Năm qua, tập đoàn này vẫn đạt sản lượng gần 12,4 triệu m3, tấn dầu xuất bán, vượt 8% kế hoạch. Doanh thu đạt gần 123.920 tỷ đồng, lãi trước thuế 1.414 tỷ và chi trả tỷ lệ cổ tức 12% tiền mặt.
Dù vậy, ước tính, mỗi ngày nhà bán lẻ xăng dầu lớn nhất Việt Nam bị giảm 180 tỷ đồng doanh thu. Doanh thu hoạt động tài chính của Petrolimex cũng giảm từ 1.004 tỷ đồng xuống 917 tỷ đồng. Nguyên nhân do lĩnh vực kinh doanh nhiên liệu bay sụt giảm đáng kể do các chuyến bay quốc tế vẫn bị đóng.
Năm 2021, tập đoàn này đặt kế hoạch doanh thu 135.200 tỷ đồng, và lợi nhuận trước thuế 3.360 tỷ, lần lượt tăng 9% và 238% so với thực hiện 2020.
Riêng quý I năm nay, Petrolimex đạt sản lượng bán lẻ tới 1,4 triệu m3, tấn, tăng 6,6% so với cùng kỳ 2020. Tập đoàn này ước lợi nhuận dự kiến đạt hơn 900 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ 2020. lỗ 1.700 tỷ.
Trong bối cảnh, Bộ Công Thương cấp phép, số lượng thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu tăng nhanh khiến thị phần thị trường xăng dầu bị phân chia lại thì Petrolimex thay đổi đặt mục tiêu tập trung vào phương thức bán lẻ.
Petrolimex hiện sở hữu trên 2.600 cửa hàng xăng dầu thuộc hệ thống và nhượng quyền trên cả nước. Năm nay tập đoàn này đặt kế hoạch tăng trưởng gần 2,5% so với thực hiện 2020. Ông Trần Ngọc Năm - Phó tổng giám đốc Petrolimex cho hay, bán lẻ hiện chiếm gần 60% tổng sản lượng bán nội địa của Petrolimex. Vì thế, để đạt mục tiêu kinh doanh, buộc tập đoàn phải đưa ra chiến lược mới là tập trung phát triển bán lẻ.
Xem thêm: Petrolimex giảm 74% lợi nhuận, thấp nhất trong vòng 5 năm qua
Hà Ly