Ngân hàng dồn dập tăng vốn

Lê Phương 10:31 | 17/09/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Việc "chạy đua" tăng vốn điều lệ của ngành ngân hàng tiếp tục diễn ra mạnh mẽ với hàng loạt kế hoạch tăng vốn liên tục được công bố.

Tăng vốn điều lệ sẽ được nhiều ngân hàng triển khai dồn dập từ nay tới cuối năm. Ảnh: CTV

Mới đây nhất, Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) đã được Ủy ban chứng khoán Nhà nước chấp thuận việc phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu với tỷ lệ 30%.

Theo đó, nguồn vốn sử dụng để phát hành cổ phiếu tăng vốn là lợi nhuận sau thuế chưa phân phối và thặng dư vốn cổ phần có thể sử dụng để tăng vốn điều lệ sau khi đã trích lập đầy đủ các quỹ theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021.

Cụ thể, MSB sẽ phát hành thêm tối đa 458,25 triệu cổ phiếu với tổng giá trị phát hành thêm theo mệnh giá là 4.582,5 tỷ đồng. Số lượng cổ phiếu đang lưu hành dự kiến sau phát hành sẽ tăng lên 1.985,75 triệu cổ phiếu.

Trước đó, Hội đồng quản trị MSB đã ra Nghị quyết về việc tăng vốn điều lệ lên 20.000 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 30% và phát hành tối đa 14,25 triệu cổ phiếu cho người lao động từ nguồn vốn chủ sở hữu. Trong tháng 8/2022, Ngân hàng Nhà nước cũng ra quyết định chấp thuận đề nghị tăng vốn này của MSB. 

Sau khi hoàn thành tăng vốn 30% thông qua phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu, MSB sẽ triển khai phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động. Dự kiến, MSB sẽ tiến hành chốt danh sách cổ đông hưởng quyền nhận 30% cổ phiếu thưởng vào tháng 10/2022.

Đại diện MSB cho biết: "Việc tăng vốn sẽ giúp MSB nâng cao năng lực tài chính, mở rộng quy mô hoạt động và đáp ứng kế hoạch tăng trưởng đã được đặt ra”.

Không riêng MSB, Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) vừa công bố thông tin về việc Ngân hàng Nhà nước chính thức chấp thuận NCB tăng vốn điều lệ lên hơn 5.600 tỷ đồng.

Trước đó, hồi cuối tháng 3/2022, NCB đã chào bán thành công 150 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá chào bán 10.000 đồng một cổ phiếu, thu về 1.500 tỷ đồng, bổ sung vào vốn điều lệ ngân hàng lên mức 5.600 tỷ đồng.

Theo đại diện NCB, tăng vốn điều lệ thành công là bước đột phá trong quá trình thực hiện Phương án cơ cấu lại mà Ngân hàng Nhà nước đã phê duyệt, giúp NCB củng cố năng lực tài chính, tăng cường an toàn hoạt động, tạo tiền đề cho việc tái cấu trúc thành công và đạt được các mục tiêu chiến lược phát triển ngân hàng trong dài hạn. 

Một ngân hàng khác cũng được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tăng vốn điều lệ thông qua phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức là Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank).

Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên Eximbank thực hiện tăng vốn điều lệ sau hơn một thập kỷ. Lần gần nhất ngân hàng này tăng vốn là vào năm 2022 khi phát hành cổ phiếu thưởng theo tỷ lệ 17% nhưng cũng phải mất đến 8 năm, cổ đông Eximbank mới được nhận cổ tức.

Trong kế hoạch tăng vốn lần này, Eximbank sẽ phát hành gần 245,9 triệu cổ phiếu để chi trả cổ tức theo tỷ lệ 20% từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối. Vốn điều lệ của Eximbank sau phát hành dự kiến sẽ tăng thêm 2.459 tỷ đồng, từ 12.355 tỷ đồng lên hơn 14.814 tỷ đồng.

Trong tháng 8/2022, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) thông báo phát hành 755,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2022 với tỷ lệ 20%, tăng vốn điều lệ thêm 7.556 tỷ đồng, lên hơn 45.339 tỷ đồng.

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng có kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm tối đa 22.377 tỷ đồng, từ 45.056 tỷ đồng lên 67.434 tỷ đồng, trở thành ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống. 

Trong năm 2022, VPBank còn dự kiến phát hành riêng lẻ tối đa là 1,19 tỷ cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài. Như vậy nếu hoàn tất 2 đợt phát hàng trên, vốn điều lệ của ngân hàng này dự kiến tăng lên 79.334 tỷ đồng.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cho biết đã hoàn thiện hồ sơ trình Ngân hàng Nhà nước phương án tăng vốn điều lệ từ mức 26.674 tỷ đồng lên 36.459 tỷ đồng trong năm 2022.

Cơ quan quản lý cũng đã chấp thuận cho Ngân hàng TMCP Phát triển Tp. Hồ Chí Minh (HDBank) tăng vốn điều lệ thêm tối đa 5.030 tỷ đồng, nâng số vốn điều lệ của nhà băng này từ 20.273 tỷ đồng lên 25.303 tỷ đồng, thông qua phát hành hơn 503 triệu cổ phiếu trả cổ tức năm 2021 với tỷ lệ 25%.

Từ đầu năm đến nay, danh sách các ngân hàng được chấp thuận tăng vốn điều lệ còn có: Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) thêm 1.900 tỷ đồng lên mức 8.464 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank) thêm hơn 578 tỷ đồng, nâng mức vốn điều lệ từ 3.652,8 tỷ đồng lên 4.231,2 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) thêm 63,2 tỷ đồng lên hơn 35.172 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) tăng vốn thêm 58,8 tỷ đồng lên 13.758 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) tăng thêm 6.754 tỷ đồng lên 33.774 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) tăng thêm 3.211 tỷ đồng lên gần 19.809 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank) tăng thêm tối đa 1.618 tỷ đồng lên mức 5.289 tỷ đồng....

Với các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng có kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 10.623 tỷ đồng lên mức 61.208 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) tăng thêm gần 8.566 tỷ đồng, để đưa vốn điều lệ lên 55.891 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) tăng vốn điều lệ thêm 5.694 tỷ đồng lên 53.751 tỷ đồng...

Theo kế hoạch được các ngân hàng công bố, dự kiến trong năm 2022 có 22 ngân hàng thực hiện tăng vốn điều lệ, với tổng giá trị tăng thêm khoảng 154.000 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay. 

Chia sẻ về các kế hoạch tăng vốn khủng này, lãnh đạo một số ngân hàng cho biết, việc tăng vốn điều lệ là cần thiết. Qua đó sẽ giúp ngân hàng củng cố tiềm lực tài chính, gia tăng nguồn vốn trung và dài hạn để mở rộng hoạt động kinh doanh, đảm bảo hệ số an toàn vốn (CAR) theo quy định của các cơ quan chức năng, đáp ứng kế hoạch tăng trưởng liên tục hàng năm.

Đặc biệt, việc tăng vốn cũng là nhiệm vụ thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025. Theo đề án, đến năm 2025, nhóm ngân hàng có tiềm lực tài chính, năng lực cạnh tranh, quy mô lớn phải có vốn điều lệ tối thiểu đạt 15.000 tỷ đồng. Còn nhóm ngân hàng có tiềm lực tài chính, năng lực cạnh tranh quy mô nhỏ, trung bình và ngân hàng thương mại có vốn nước ngoài, vốn điều lệ tối thiểu đạt 5.000 tỷ đồng.

Giới phân tích của Tổ chức xếp hạng tín dụng quốc tế Fitch Ratings cho rằng Việt Nam ghi nhận tốc độ tăng trưởng tín dụng khá nhanh những năm gần đây, đòi hỏi các ngân hàng phải mở rộng quy mô vốn, đảm bảo các tỷ lệ về an toàn. 

"Cả hệ thống sẽ cần bổ sung vốn lên tới 10,7 tỷ USD (tương đương 2,9% GDP) để đảm bảo khoản dự phòng rủi ro cho khoản vay có vấn đề và duy trì hệ số CAR ở mức 10%", Fitch Ratings nhận định.

Trong khi đó, Công ty Cổ phần chứng khoán SSI lại kỳ vọng kế hoạch tăng vốn sẽ hỗ trợ cho đà tăng giá cổ phiếu ngân hàng và tăng vốn thành công cũng sẽ mở ra cơ hội cho các ngân hàng tiếp tục được nới hạn mức tín dụng.