Báo cáo “Tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với doanh nghiệp Việt Nam” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Ngân hàng Thế giới (WB) công bố mới đây cho thấy, có 87,2% doanh nghiệp chịu ảnh hưởng ở mức “phần lớn” hoặc “hoàn toàn tiêu cực” vì dịch bệnh, trong đó nhiều hơn cả là các doanh nghiệp mới hoạt động dưới 3 năm và các doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ.
Câu chuyện sụt giảm doanh thu, hàng hóa tồn đọng, lao động thiếu việc, khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn… đã và đang là chủ đề được các chủ doanh nghiệp nói nhiều nhất khi nhắc đến ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Về nguồn vốn, khảo sát cũng cho thấy những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phân phối hàng hóa, thương mại… chủ yếu đang cần dòng vốn ngắn hạn để duy trì hoạt động. Trong khi đó, các doanh nghiệp sản xuất lại “khát” nguồn vốn trung và dài hạn.
Thấu hiểu những khó khăn trên, Ngân hàng TMCP Bắc Á ưu tiên mục tiêu làm sao để dòng vốn vẫn có thể tiếp cận đến cộng đồng doanh nghiệp khắp vùng miền trên cả nước - hạn chế tối đa khả năng “đứt gãy” hoạt động sản xuất do thiếu vốn lưu động. Nổi bật mới đây phải kể tới chương trình “BAC A BANK hỗ trợ Khách hàng Doanh nghiệp bị ảnh hưởng Covid-19”, giúp đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu đầu tư của doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nói chung.
Chương trình áp dụng cho các khế ước nhận nợ phát sinh từ ngày 01/07/2021 đến hết ngày 31/12/2021 hoặc đến khi doanh số giải ngân đạt hạn mức 3.000 tỷ đồng, tại tất cả các chi nhánh BAC A BANK trên phạm vi toàn quốc.
Ưu đãi được mang đến không chỉ cho khách hàng hiện hữu mà còn cả các khách hàng mới, chưa phát sinh giao dịch tại BAC A BANK, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn để an tâm sản xuất kinh doanh.
Nghiêm túc thực hiện Thông tư số 03/2021/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, BAC A BANK đẩy mạnh rà soát, đánh giá mức độ thiệt hại của từng khách hàng để có chính sách giảm lãi suất trong 6 tháng đầu của khế ước nhận nợ tương ứng. Theo đó, thông qua gói tín dụng, BAC A BANK giảm lãi suất tối đa lên tới 2,2%/năm tuỳ theo mức giảm sút doanh thu của doanh nghiệp.
Các đối tượng khách hàng được áp dụng chính sách ưu đãi này là các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành nghề cấp 2 bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19 như Nông nghiệp & khai thác nuôi trồng thuỷ sản; Sản xuất, chế biến thực phẩm và đồ uống; Dệt và sản xuất trang phục; Vận tải, kho bãi và các hoạt động hỗ trợ vận tải; Dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch và các hoạt động thể thao, vui chơi, giải trí.
Đại diện TPBank cho biết, trước diễn biến của dịch Covid-19 lan trên diện rộng, ngân hàng đã chủ động xây dựng các chương trình, các gói miễn giảm lãi suất cho khách hàng trong 06 tháng cuối năm. Tổng số dư nợ hỗ trợ khách hàng lần này được TPBank ước tính gần 45 nghìn tỷ đồng.
Cụ thể, nhà băng tím này sẽ giảm từ 0,5% - 1,2% lãi suất cho các khách hàng doanh nghiệp hoạt gặp khó khăn bởi dịch bệnh Covid. Tổng dư nợ được nhận hỗ trợ lãi suất của nhóm khách hàng này ước tính vào khoảng 18.188 tỷ đồng. Gần 26.300 tỷ đồng dư nợ của các khách hàng cá nhân cũng nhận được xét giảm lãi suất 1%.
Có thể nói đây là sự hỗ trợ kịp thời cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đã tác động tới 58 tỉnh, thành phố trên cả nước từ cuối tháng Tư đến nay, và vẫn còn tiếp tục diễn biến phức tạp.
Việc giảm lãi suất được TPBank triển khai ngay sau khi Hiệp hội Ngân hàng cùng các tổ chức tín dụng thành viên và đại diện Ngân hàng Nhà nước họp bàn về khả năng giảm lãi suất hỗ trợ cho các doanh nghiệp và người dân. Qua đó có thể thấy rõ một số ngân hàng tư nhân như TPBank đã tích cực chủ động triển khai các gói lãi suất ưu đãi hỗ trợ người dân và doanh nghiệp từ rất sớm.
“TPBank đã triển khai quyết liệt các giải pháp về tín dụng như cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi, giảm phí dịch vụ, cho vay mới... để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, người dân. Lãi suất cho vay bình quân toàn danh mục cả ngắn và trung dài hạn của chúng tôi đã giảm khoảng gần 3% so với năm trước, thuộc nhóm các ngân hàng có lãi suất cho vay khá thấp trong hệ thống” ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank, chia sẻ.
Trong khi đó, Vietcombank vừa thông báo về việc giảm lãi suất tiền vay hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Ngân hàng cho biết, từ năm 2020 đến nay, Vietcombank đã liên tục triển khai 07 đợt giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 và thiên tai. Trong đó, riêng năm 2020 Vietcombank đã hỗ trợ giảm lãi cho khách hàng là 3.290 tỷ đồng. Kể từ 01/01/2021 đến 30/6/2021, tổng số tiền lãi Vietcombank đã giảm cho khách hàng là 2.115 tỷ đồng.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, để tiếp tục hỗ trợ khách hàng, Vietcombank quyết định giảm lãi suất tiền vay đối với tất cả khách hàng trong thời gian từ 15/7/2021 đến hết 31/12/2021.
Cụ thể, đối với khách hàng doanh nghiệp, Vietcombank giảm lãi suất 1%/năm cho các khách hàng thuộc 9 ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Các khách hàng còn lại cũng được giảm 1%/năm.
Đối với khách hàng cá nhân, Vietcombank giảm lãi suất tới 1%/năm cho khách hàng cá nhân vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh và giảm lãi suất tới 0,5%/năm cho khách hàng cá nhân vay vốn phục vụ đời sống.
Việc giảm lãi suất không áp dụng với các khoản dư nợ đang được hưởng ưu đãi lãi suất và một số khoản vay khác như vay chứng khoán, vay kinh doanh bất động sản…
Đây là đợt giảm lãi lớn nhất của Vietcombank trong năm 2021 nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 với qui mô khoảng 1.800 tỷ đồng. Đồng thời, Vietcombank sẽ tiếp tục triển khai nhiều chương trình lãi suất thấp đối với các khoản vay mới nhằm hỗ trợ khách hàng vượt qua giai đoạn khó khăn từ nay đến cuối năm. Tổng số tiền lãi hỗ trợ khách hàng trong 06 tháng cuối năm 2021 dự kiến lên tới 4.000 tỷ đồng và cả năm 2021 là 6.100 tỷ đồng.
Ngoài các đợt giảm lãi suất, Vietcombank cũng đã thực hiện giảm phí, cơ cấu nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng.
Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) vừa chia sẻ với chúng tôi kế hoạch giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Theo đó, MB sẽ thực hiện điều chỉnh giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu của nhiều đối tượng khách hàng cụ thể, lãi suất cho vay bình quân giảm toàn danh mục từ nay đến tháng 12/2021 là 1% tổng danh mục cho vay VNĐ của nhà băng này.
Dự kiến, với các khách hàng thuộc đối tượng Cơ cấu nợ giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01 & Thông tư 03: Giảm lãi suất 1,5%/năm so với mức hiện tại và giảm 50% số tiền lãi phải thu của các khách hàng đến thời điểm hiện tại (tương đương mức lãi suất cho vay giảm 3 – 4%/năm).
Khách hàng thuộc lĩnh vực sản xuất, dịch vụ/ngành ưu tiên, khuyến khích tăng trưởng tín dụng của MB, Ngân hàng nhà nước: Giảm lãi suất 1,5%/năm so với mức hiện tại.
Khách hàng cá nhân vay sản xuất kinh doanh và vay mua nhà để ở, có nguồn thu nhập từ lương: Giảm lãi suất 2%/năm so với mức hiện tại đối với các khách hàng tại địa bàn khu vực phía nam (hiện nay đang có diễn biến phức tạp của Dịch Covid) và giảm 1,5% đối với các khách hàng ở địa bàn khác.
Khách hàng doanh nghiệp vay vốn lưu động hoặc đầu tư thiết bị, nhà xưởng phục vụ sản xuất kinh doanh: Giảm lãi suất 1%/năm so với mức hiện tại.
Ngân hàng MB lưu ý thêm, đối tượng giảm lãi suất lần này không bao gồm các khoản dư nợ đang được áp dụng chính sách ưu đãi lãi suất của MB và các đối tượng không khuyến khích tăng trưởng tín dụng của MB, NHNN và Chính phủ.
Với các đối tượng khách hàng khác, MB sẽ tiếp tục xem xét và tiếp tục giảm lãi suất trên cơ sở đánh giá cụ thể tình hình hoạt động kinh doanh, các cam kết của khách hàng và mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh.
Riêng đối với các lĩnh vực, sản phẩm tiềm ẩn rủi ro cao (Kinh doanh bất động sản, chứng khoán), MB chưa xem xét giảm lãi suất cho vay trong giai đoạn hiện nay.
Thời gian tới ngân hàng sẽ tiếp tục triển khai các gói, chương trình lãi suất ưu đãi đối với khách hàng sản xuất kinh doanh thuộc các ngành/lĩnh vực thuộc đối tượng ưu tiên/khuyến khích. Mức lãi suất cho vay mới dự kiến dưới 7%/năm tùy từng đối tượng khách hàng trên cơ sở quy mô tăng trưởng tín dụng bổ sung được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.
Anh Nguyên