Ngân hàng Nhà nước yêu cầu siết chặt tín dụng bất động sản

17:10 | 27/09/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ra văn bản lưu ý các tổ chức tín dụng (TCTD) kiểm soát chặt tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng, trong đó có tín dụng bất động sản.

Theo đó, Văn bản số 6561 của Ngân hàng Nhà nước lưu ý các TCTD kiểm soát chặt tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng, chất lượng tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro hoặc chịu tác động lớn của dịch Covid-19.

Cụ thể, ngân hàng lưu ý thường xuyên đánh giá tình hình hoạt động, tình hình tài chính, khả năng trả nợ, nhất là đối với các khách hàng có dư nợ tín dụng lĩnh vực bất động sản lớn, khách hàng cá nhân có dư nợ cho vay phục vụ đời sống/tiêu dùng lớn, khách hàng chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, để có biện pháp xử lý phù hợp, nhằm hạn chế rủi ro phát sinh.

Cũng theo yêu cầu của NHNN, các ngân hàng cần kiểm soát chặt chẽ hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là việc đầu tư trái phiếu doanh nghiệp với mục đích liên quan đến xây dựng, kinh doanh bất động sản hoặc tăng quy mô vốn của tổ chức phát hành hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, kinh doanh bất động sản.

Cụ thể, các ngân hàng phải lưu ý thường xuyên đánh giá tình hình hoạt động, tình hình tài chính, khả năng trả nợ để có biện pháp xử lý phù hợp, nhằm hạn chế rủi ro phát sinh; kiểm soát chặt chẽ hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là việc đầu tư trái phiếu doanh nghiệp với mục đích liên quan đến xây dựng, kinh doanh bất động sản hoặc tăng quy mô vốn của tổ chức phát hành hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, kinh doanh bất động sản; duy trì tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu dưới 3% so với tổng dư nợ cho vay, đầu tư.

Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng được yêu cầu thực hiện các biện pháp hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đảm bảo đúng quy định, đúng đối tượng. Trong đó, tập trung phân loại khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và đánh giá khả năng trả nợ đầy đủ của khách hàng để đảm bảo việc hỗ trợ phù hợp với ảnh hưởng của dịch.

Văn bản nêu rõ việc ưu tiên, tập trung cho vay đối với các ngành nghề, lĩnh vực khuyến khích, phục vụ sản xuất, xuất nhập khẩu, thanh toán quốc tế… theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội đã được Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề ra nhằm tạo điều kiên cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng để phục hồi sản xuất, kinh doanh sau dịch bệnh Covid-19.

Ngân hàng Nhà nước cũng khuyến khích các tổ chức tín dụng trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ 100% số tiền dự phòng cụ thể phải trích bổ sung đối với các khoản nợ được cơ cấu lại và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại Thông tư 01/2020/TT-NHNN và các văn bản sửa đổi, bổ sung trong năm 2021. Đồng thời, ngân hàng tập trung và tăng cường nguồn lực tài chính cho xử lý nợ xấu, đặc biệt đối với tổ chức tín dụng có kết quả kinh doanh ở mức cao trong khi chất lượng tín dụng chưa được cải thiện, nợ xấu và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu vẫn còn lớn.

Đây không phải lần đầu tiên Ngân hàng Nhà nước yêu cầu thắt chặt tín dụng đối với bất động sản.

Vào giữa tháng 5, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có công văn gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD) yêu cầu kiểm soát chặt tín dụng liên quan đến các khoản vay kinh doanh bất động sản, chứng khoán, BOT, trái phiếu doanh nghiệp,... để bảo đảm an toàn hoạt động và hạn chế rủi ro.

NHNN yêu cầu các TCTD nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Thống đốc tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN; đồng thời, kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng tín dụng theo đúng chỉ tiêu được giao thực hiện. Trước đó, qua theo dõi, giám sát hoạt động năm 2020, NHNN nhận thấy một số TCTD có dấu hiệu tiềm ẩn rủi ro như nợ xấu nội bảng có xu hướng tăng; tỷ lệ nợ xấu của một số công ty tài chính tiêu dùng ở mức cao và tăng lớn; lãi phải thu từ hoạt động tín dụng tăng lớn so với cuối năm 2019. Ngoài ra, cũng trong năm 2020, tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ tín dụng, tốc độ tăng trưởng tín dụng bất động sản cao. Nợ xấu cấp tín dụng đối với khách hàng lớn (doanh nghiệp có tổng mức cấp tín dụng từ 500 tỷ đồng trở lên) tăng so với cuối năm 2019.

Sau đó, tại văn bản giải trình ý kiến của Đại biểu quốc hội (ĐBQH) Hà Sỹ Đồng – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội Kỳ họp thứ 1, Quốc hội khóa XV, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong chỉ đạo, điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, NHNN thực hiện đồng bộ các giải pháp khuyến khích dòng vốn tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, đồng thời kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như BĐS, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông.

Nhờ đó tín dụng tăng trưởng hợp lý, hiệu quả, chất lượng tín dụng và an toàn hệ thống được nâng cao; tốc độ tăng trưởng và tỷ trọng của tín dụng các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro giảm dần qua các năm.

 

Thủ tướng yêu cầu kiểm soát chặt tín dụng bất động sản, tránh đầu cơ

Vào tháng 4/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có buổi làm việc quan trọng với Ngân hàng Nhà nước để nghe báo cáo về các vấn đề nóng của ngành như: thao túng tiền tệ, tín dụng bất động sản, chứng khoán...

Về điều hành tín dụng, Thủ tướng yêu cầu tổng hợp, phân tích dữ liệu để có đánh giá nhằm kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực rủi ro như tín dụng bất động sản và chứng khoán. Đối với tín dụng vào bất động sản, cần quản lý đảm bảo dòng vốn vào tín dụng phục vụ nhu cầu tiêu dùng bất động sản thực sự của người dân, tránh đầu cơ. Về lâu dài cần có giải pháp căn cơ, phát triển thị trường tài chính đảm bảo ổn định, lành mạnh và cân bằng giữa thị trường tiền tệ và thị trường vốn, để giảm sức ép cung ứng vốn từ hệ thống tổ chức tín dụng, đáp ứng nhu cầu huy động vốn trung và dài hạn của nền kinh tế.