Ngân hàng phát hành gần 200.000 tỷ trái phiếu trong 6 tháng khi nhu cầu vốn trung dài hạn lên cao
Nhóm ngân hàng phát hành gần 200 nghìn tỷ trái phiếu trong nửa đầu năm
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) chứng kiến hoạt động phát hành sôi động trong tháng 6 với 106 đợt phát hành mới có tổng giá trị phát hành thành công ước tính khoảng 123,7 nghìn tỷ đồng, tăng mạnh 87% svck và là giá trị phát hành theo tháng cao nhất kể từ trước đến nay.
Nhóm Ngân hàng tiếp tục dẫn đầu với giá trị phát hành đạt hơn 98,5 nghìn tỷ đồng (tương đương 80% tổng giá trị phát hành), tăng 103% so với tháng trước và tăng 91% svck. Một số ngân hàng có tổng giá trị phát hành cao trong tháng bao gồm: ACB (24,8 nghìn tỷ đồng, kỳ hạn 24 – 36 tháng, lãi suất 4,95% - 5,6%), Techcombank (16,5 nghìn tỷ đồng, kỳ hạn 24 - 36 tháng, lãi suất 5% - 5,1%), MB (14,7 nghìn tỷ đồng, kỳ hạn 36 - 120 tháng, lãi suất 5% - 6,48%).
Lũy kế từ đầu năm, tổng giá trị TPDN phát hành đạt hơn 265,8 nghìn tỷ đồng, tăng 91,3% svck. Lãi suất TPDN bình quân gia quyền trong 6 tháng ước đạt khoảng 6,8%, thấp hơn so với mức trung bình 7,2% của năm 2024.
Ngân hàng là nhóm ngành có giá trị phát hành cao nhất, chiếm 75% tổng giá trị phát hành trong 6 tháng đầu năm. Cụ thể, giá trị phát hành của nhóm ngân hàng trong 6 tháng đạt gần 198,5 nghìn tỷ đồng, tăng 131% svck và tương đương 67% tổng giá trị phát hành của cả năm 2024. Lãi suất bình quân gia quyền ở mức 5,6%/năm, kỳ hạn bình quân 4,4 năm.
Các ngân hàng có giá trị phát hành lớn nhất từ đầu năm đến nay bao gồm: Techcombank (37 nghìn tỷ đồng), ACB (29,2 nghìn tỷ đồng), BIDV (17,8 nghìn tỷ đồng).
MBS Research nhận định xu hướng đẩy mạnh hoạt động phát hành của các TCTD cho thấy nhu cầu gia tăng vốn trung và dài hạn, đặc biệt trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng bất ngờ tăng tốc trong tháng cuối quý II lên mức 9,9% trong khi lãi suất huy động vẫn giữ mặt bằng thấp. Các chuyên gia ước tính tốc độ tăng trưởng tín dụng cao hơn khoảng 1,3 - 1,5 lần so với tốc độ tăng trưởng huy động vốn.

Ngân hàng đẩy mạnh phát hành TPDN trong tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2025 trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng tăng tốc. Ảnh: MBS Research
Xếp thứ hai về giá trị phát hành trong 6 tháng đầu năm sau nhóm Ngân hàng là nhóm Bất động sản. Ước tính các doanh nghiệp BĐS đã phát hành 40,2 nghìn tỷ đồng trái phiếu trong 6 tháng đầu năm, con số này chiếm tỷ trọng khoảng 15% tổng giá trị phát hành và tăng 24% svck. Lãi suất bình quân gia quyền của trái phiếu BĐS nửa đầu năm ở mức 10,5%/năm, kỳ hạn bình quân là 2,5 năm.
Các doanh nghiệp BĐS phát hành trái phiếu nhiều nhất trong nửa đầu năm là Vingroup (18 nghìn tỷ đồng), CTCP Tư vấn và kinh doanh bất động sản TCO (8 nghìn tỷ đồng) và Công ty TNHH Dịch vụ thương mại tổng hợp An Thịnh (5 nghìn tỷ đồng).
45 nghìn tỷ TPDN chậm thanh toán trong nửa đầu năm, nhóm BĐS chiếm gần 30 nghìn tỷ
Trong khi hoạt động phát hành diễn ra sôi động, hoạt động mua lại trước hạn cũng nhộn nhịp với khoảng 63,6 nghìn tỷ đồng trái phiếu được mua lại trước hạn trong tháng 6, tăng 193% so với tháng trước, và tăng 150% svck. Trong đó, nhóm ngành Ngân hàng chiếm tỷ trọng cao nhất (83,7%) với tổng giá trị mua lại ước tính đạt gần 53,3 nghìn tỷ đồng, tăng 166% svck.
Lũy kế 6 tháng, ước tính khoảng 125 nghìn tỷ đồng TPDN đã được mua lại trước hạn (+68% svck), với đóng góp chủ yếu từ hoạt động mua lại của nhóm Ngân hàng (+54% svck) và nhóm Bất động sản (+142% svck).
Về tình hình chậm trả, tháng 6 ghi nhận 11 mã trái phiếu chậm thanh toán gốc/lãi với trị giá khoảng 8,1 nghìn tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, tổng giá trị TPDN chậm các nghĩa vụ thanh toán ước khoảng 45 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 5% dư nợ TPDN của toàn thị trường, trong đó nhóm Bất động sản chiếm tỷ trọng cao nhất với 65% (tương đương gần 30 nghìn tỷ đồng).

Áp lực TPDN đáo hạn dự kiến tăng cao trong nửa cuối năm, đặc biệt là quý III. Ảnh: MBS Research
Báo cáo của MBS Research đồng thời chỉ ra áp lực trái phiếu đáo hạn trong nửa cuối năm, đặc biệt là quý III, với khoảng gần 65.000 tỷ đồng TPDN sẽ đến kỳ đáo hạn, cao hơn gấp đôi khối lượng TPDN đáo hạn trong quý II vừa qua.