Ngân hàng Thế giới khuyến nghị: Việt Nam tăng cường chiều sâu cải cách về môi trường kinh doanh
Ngày 11/12, World Bank (WB) đã công bố Báo cáo Điểm lại tình hình kinh tế Việt Nam. Theo đó, WB nâng dự báo GDP Việt Nam năm 2017 lên 6,7%. Về trung hạn, tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam được dự báo ổn định ở mức 6,5% và lạm phát sẽ ở mức thấp.
Tuy nhiên, tỷ trọng chi đầu tư của Việt Nam giảm và chi thường xuyên tăng. Theo bà Vũ Hoàng Quyên, Chuyên gia kinh tế cao cấp WB, nguyên nhân của tình trạng này là sự gia tăng của quỹ lương, của khoản nợ phải trả (cả gốc và lãi) và của nguồn hỗ trợ an sinh xã hội. Điều này dẫn đến cơ cấu quỹ cho chi đầu tư ngày càng thu hẹp. Chi công của Việt Nam trong năm nay chiếm 29,2% so với GDP. Đây là mức rất cao so với cùng kì năm trước và so với các nước trong khu vực.
Trong buổi công bố báo cáo, bà Quyên nhấn mạnh: Việt Nam có chỉ số tăng trưởng trong 7 năm qua nhưng vẫn còn rủi ro về vốn, về tài khoản vãng lai, lạm phát,... nên vẫn cần cân nhắc và tính toán cẩn trọng để có thể có vị thế cán cân thanh toán thuận lợi.
Ông Sebastian cũng cho rằng: "Vấn đề này không liên quan nhiều đến nền kinh tế vĩ mô và trong thời gian qua, Việt Nam cũng đã đảm bảo nền kinh tế vĩ mô khá tốt. Tuy nhiên làm thế nào để đối mặt với cú sốc nếu thị trường khu vực và trên thế giới biến động thì Việt Nam vẫn cần chuyển từ ổn định sang chống chịu”.
WB khuyến nghị Việt Nam phải xây dựng lại các vùng đệm chính sách, đệm vốn để giảm nợ công và có dư địa tốt hơn. Trước tình trạng tăng trưởng tín dụng tăng nhưng kích cầu chưa hiệu quả, trong quản lý tăng trưởng tín dụng, Việt Nam cần xem xét cách điều tiết, tái cơ cấu một số lĩnh vực của nền kinh tế cho phù hợp. Phải tăng khả năng chống chịu về kinh tế vĩ mô và cải cách cơ cấu để nâng cao tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam trong trung hạn.
Trên cơ sở những tiến triển đạt được, Việt Nam có thể tiếp tục nâng tốc độ tăng năng suất qua đầu tư vào kỹ năng và hạ tầng cần có (nhưng cần chú trọng tăng hiệu quả quản lý và sử dụng nguồn lực này), đồng thời, tăng cường chiều sâu cải cách về môi trường kinh doanh, khu vực ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước.
Mặc dù so sánh với quốc tế, tỷ lệ chi lương trong tổng chi của Việt Nam chưa quá cao nhưng xu hướng chi lương tăng nhanh cho thấy Việt Nam phải cẩn trọng. Kiềm chế tăng chi thường xuyên, đặc biệt là quỹ lương là điều cần thiết.