Ngân hàng TMCP Á Châu ACB: Vượt qua biến cố để tìm lại đà phát triển vượt bậc

15:15 | 15/05/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Vốn là một trong những ngân hàng TMCP lớn mạnh nhất Việt Nam, ACB đã và đang trên con đường tìm lại vị thế sau những biến cố to lớn.

Quá trình hình thành, phát triển và vượt qua biến cố của ngân hàng ACB

Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu được gọi tắt là Ngân hàng Á Châu (ACB) chính thức đi vào hoạt động kinh doanh ngày 4 tháng 6 năm 1993 với tên giao dịch bằng tiếng Anh là Asia Commercial Joint Stock Bank.

Giai đoạn ban đầu, ACB lấy nguyên tắc kinh doanh là “quản lý sự phát triển của doanh nghiệp an toàn và hiệu quả”, hướng tới nhóm khách hàng cá nhân và doanh nghiệp nhỏ và vừa trong khu vực tư nhân.

Trong giai đoạn từ năm 1996 đến năm 2000, với sự tài trợ của IFC (một công ty con của World Bank), ACB là ngân hàng TMCP đầu tiên của Việt Nam phát hành thẻ tín dụng quốc tế MasterCard và Visa. Ngân hàng cũng tiếp hành các bước tiếp cận nghiệp vụ ngân hàng hiện đại, hiện đại hóa công nghệ thông tin ngân hàng và vận hành hệ ngân hàng lõi là TCBS (The Complete Banking Solution: Giải pháp ngân hàng toàn diện).

Ngân hàng TMCP Á Châu ACB: Vượt qua biến cố để tìm lại đà phát triển vượt bậc - ảnh 1

Ngân hàng TMCP Á Châu ACB

Năm 2000, theo định hướng kinh doanh và hỗ trợ, ACB đã thực hiện tái cấu trúc hoạt động tại Hội sở. Tháng 6 cùng năm, Công ty TNHH Chứng khoán ACB (ACBS) thành lập với dấu mốc bắt đầu chiến lược đa dạng hóa hoạt động khi thị trường chứng khoán Việt Nam hình thành.

Năm 2004, thành lập Công ty Quản lý nợ và Khai thác tài sản Ngân hàng Á Châu (ACBA). 

Năm 2005, Ngân hàng Standard Charterd (SCB)  trở thành cổ đông chiến lược của ACB sau khi ký kết thỏa thuận hỗ trợ kỹ thuật toàn diện. ACB triển khai lắp đặt hệ thống máy ATM, bước vào giai đoạn hai của chương trình hiện đại hoá công nghệ ngân hàng.

Tháng 10 năm 2006, ACB niêm yết tại Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội. 

Trong năm 2007, Công ty Cho thuê tài chính ACB (ACBL) được thành lập để tiếp tục chiến lược đa dạng hóa hoạt động của ngân hàng ACB, hợp tác tăng cường với các đối tác quan trọng.

Kể từ khi Trung tâm dữ liệu dự phòng đạt chuẩn của ACB ra đời năm 2010, mạng lưới hoạt động của ngân hàng cũng đồng thời được mở rộng, 223 chi nhánh và phòng giao dịch đã được thành lập mới và đưa vào hoạt động.

Đây là giai đoạn ngân hàng phát triển mạnh mẽ và được nhận hai Huân chương lao động bởi Nhà nước Việt Nam và được bình chọn là ngân hàng tốt nhất Việt Nam bởi nhiều tạp chí tài chính có uy tín trong khu vực và trên thế giới.

Trong năm 2011, ACB đưa vào hoạt động thêm 45 chi nhánh và phòng giao dịch, cũng khánh thành Trung tâm Dữ liệu dạng mô-đun (enterprise module data center) tại Tp. Hồ Chí Minh. 

Năm 2012, ACB từ một trong những ngân hàng TMCP mạnh nhất Việt Nam đã lọt vào biến cố rúng động với sự kiện ông ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên), cùng một số nhân vật khác trong ban lãnh đạo ACB bị truy tố, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới tài sản của ACB trên thị trường chứng khoán, khiến ngân hàng này “bốc hơi” hơn 100 nghìn tỷ đồng.

4 cựu lãnh đạo ACB bị cơ quan điều tra cho rằng đã ra chủ trương ủy thác cho nhân viên dùng tiền của ACB gửi vào các tổ chức tín dụng sai quy định, gây hậu quả nghiêm trọng.

Cũng trong năm này, lợi nhuận sau thuế của ACB sụt giảm 77% xuống mức 737,5 tỷ đồng (so với năm trước đó là 2011 thì đã giảm tới 2.456 tỷ đồng). Các hoạt động kinh doanh ngoại hối và vàng lỗ hơn 1.863 tỷ đồng, trong khi chi phí hoạt động lên đến hơn 4.105 tỷ đồng.

Sau khi chịu những “đòn mạnh” như vậy, ACB đã phải gồng mình để ứng phó, lành mạnh hóa cơ cấu bảng tổng kết tài sản và thực thi quyết liệt việc cắt giảm chi phí trong 6 tháng cuối năm. 

Gia đình ông Trần Mộng Hùng trở lại với ACB đã bắt tay ngay vào công việc vực dậy. Với trường phái cẩn trọng, những người lãnh đạo mới của ngân hàng đã một lần nữa lèo lái con tàu ACB quay trở lại quỹ đạo mà vốn dĩ nó đã bị chệch hướng suốt thời gian qua.

Ngân hàng TMCP Á Châu ACB: Vượt qua biến cố để tìm lại đà phát triển vượt bậc - ảnh 2

Lãnh đạo của ngân hàng ACB trong buổi lễ kỉ niệm

Ngân hàng cũng thành lập mới 16 chi nhánh và phòng giao dịch và bước đầu hoàn chỉnh khuôn khổ quản lý rủi ro về mặt quy trình chính sách. 

Năm 2013, ACB nhận được những tín hiệu tăng trưởng khả quan về huy động và cho vay VND, cộng thêm việc kiểm soát nợ xấu ở con số 3%, giúp ngân hàng tuy không đạt kết quả hoạt động không như kỳ vọng nhưng đã bước đầu tìm được lối ra.

Năm 2014, ACB tiến hành đổi mới toàn bộ logo, bảng hiệu mặt tiền trụ sở cho toàn bộ các chi nhánh và phòng giao dịch và ATM theo nhận diện thương hiệu mới. Cùng với đó, ngân hàng thực hiện nâng cấp hệ nghiệp vụ ngân hàng lõi (core banking) từ TCBS đã quá cũ lên DNA.

Tới đây, quy mô và hiệu quả hoạt động kinh doanh của kênh phân phối được nâng cao sau khi hoàn tất quá trình xây dựng khung quản lý rủi ro nhằm đáp ứng đầy đủ các quy định mới về tỷ lệ đảm bảo an toàn.

Trong năm 2016, ngân hàng liên tục đề ra và thực hiện các dự án công nghệ để nâng cao chất lượng dịch vụ như là cải tiến các chương trình, nâng cấp hệ thống các máy ATM, website ACB, gia tăng tiện ích, dịch vụ thanh toán cho khách hàng, v.v.

Hiện nay, ACB có mạng lưới kênh phân phối rộng khắp: 350 CN/PGD không gian giao dịch hiện đại; 11.000 máy ATM và 850 đại lý Western Union trên toàn quốc.

Các công ty con/trực thuộc ngân hàng ACB tới thời điểm này là:

Công ty Chứng khoán ACB (ACBS), 

Công ty Quản lý nợ và khai thác tài sản ACB (ACBA), 

Công ty cho thuê tài chính ACB (ACBL), 

Công ty Quản lý Quỹ ACB (ACBC).

Ngân hàng TMCP Á Châu ACB: Vượt qua biến cố để tìm lại đà phát triển vượt bậc - ảnh 3

Ngân hàng ngày càng phát triển với mạng lưới hoạt động rộng khắp.

Ngành nghề kinh doanh của ngân hàng ACB

Huy động vốn ngắn hạn, trung hạn và dài hạn dưới các hình thức tiền gửi có kỳ hạn, không kỳ hạn, tiếp nhận vốn ủy thác đầu tư và phát triển của các tổ chức trong nước, vay vốn của các tổ chức tín dụng khác;

Cho vay ngắn hạn, trung hạn và dài hạn;

Chiết khấu thương phiếu, trái phiếu và giấy tờ có giá;

Hùn vốn và liên doanh theo luật định;

Dịch vụ thanh toán giữa các khách hàng, thực hiện kinh doanh ngoại tệ, vàng bạc và thanh toán quốc tế, huy động các loại vốn từ nước ngoài và các dịch vụ ngân hàng khác trong quan hệ với nước ngoài khi được Ngân hàng Nhà nước cho phép;

Hoạt động bao thanh toán; đại lý bảo hiểm; Mua bán trái phiếu; hoạt động ủy thác và nhận ủy thác trước “đại lý bảo hiểm”;

Cung cấp dịch vụ cho thuê tài chính;

Kinh doanh chứng khoán;

Môi giới và tư vấn đầu tư chứng khoán;

Lưu ký, tư vấn tài chính doanh nghiệp và bảo lãnh phát hành;

Các dịch vụ về quản lý quỹ đầu tư và khai thác tài sản, và cung cấp các dịch vụ ngân hàng khác…

Ngân hàng TMCP Á Châu ACB: Vượt qua biến cố để tìm lại đà phát triển vượt bậc - ảnh 4

 

Ngân hàng có nhiều hoạt động đa dạng và phong phú.

ACB trong thời kỳ phát triển vượt bậc năm 2020

Mặc dù đối mặt với một năm COVID-19 đầy khó khăn, Ngân hàng TMCP Á Châu vẫn đạt được những kết quả tăng trưởng ấn tượng. Quý 4/2020, ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trước thuế tăng 63% so với cùng kỳ năm 2019 khi đạt con số 3.185 tỷ đồng.

Như vậy, tính trong cả năm kinh doanh 2020, ngân hàng này đã đạt lợi nhuận trước thuế lên tới 9.596 tỷ đồng, đánh dấu tăng trưởng lên tới 27,7% so với năm 2019. 

Nhiều mảng kinh doanh có tăng trưởng lợi nhuận đột biến trong năm qua: Lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng 60% đạt 687 tỷ đồng; lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư tăng 13,5 lần đạt 732 tỷ đồng; lãi từ mua bán chứng khoán kinh doanh tăng 121% đạt 166 tỷ. 

Nhờ vậy, tổng tài sản của ngân hàng tăng 15,1% so với cuối năm 2019 khi chạm ngưỡng 441.530 tỷ đồng. Tiền gửi của khách hàng tăng 14,5% đạt 335.000 tỷ đồng. Chỉ số tăng trưởng cho vay khách hàng năm 2020 là 15,7% đạt 308.000 tỷ đồng, trong đó tỷ trọng cho vay cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng lên 93%. 

Đầu năm 2021, quý I/2021, Ngân hàng ACB lãi 3.100 tỷ đồng. Về kế hoạch kinh doanh năm 2021, Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) dự báo lợi nhuận trước thuế của nhà băng ACB trong năm này sẽ đạt 10.838 tỷ đồng, tăng 12,9% so với năm ngoái, tiếp nối đà tăng trưởng khả quan trong thời gian gần đây. 

Xem thêm: ACB dự kiến chia 25% cổ tức bằng cổ phiếu, đặt mục tiêu lợi nhuận năm 2021 đạt 10.602 tỷ đồng

Phương Thúy