Ngân hàng TMCP Tiên Phong TPBank: Đi đầu trong lĩnh vực ngân hàng số tại Việt Nam

07:24 | 25/06/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong (hay TPBank) do ông chủ tập đoàn DOJI lãnh đạo hiện đang dần khẳng định vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực ngân hàng số tại Việt Nam với nhiều phát triển vượt bậc.

Chặng đường hình thành và phát triển của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong TPBank

Được thành lập ngày 05/05/2008, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong (hay TPBank) là một ngân hàng TMCP Việt Nam có các cổ đông chủ chốt gồm Công ty Cổ phần Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI, Công ty cổ phần FPT, Tổng công ty Tái bảo hiểm Việt Nam (Vinare), Công ty Tài chính quốc tế (IFC) và SBI Ven Holding Pte. Ltd.,Singapore.

Tháng 6/2008, TPBank chính thức khai trương, sau đó mở chi nhánh tại Hà Nội và Tp. HCM, thực hiện ký kết hợp tác chiến lược toàn diện với Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và khung hợp tác chung với Ngân hàng Citi trong cùng năm.

Tháng 9/2008, TPBank chính thức là công ty đại chúng.

Tháng 12/2008, toàn bộ hoạt động, sản phẩm, dịch vụ của TPBank được nhận chứng chỉ ISO 9001: 2000.

Năm 2009, ngân hàng tổ chức Đại hội đồng cổ đông lần thứ nhất của TPBank, tiến hành khai trương thêm một số chi nhánh khác tại Cần Thơ, Hải Phòng.

Ngân hàng TMCP Tiên Phong TPBank: Đi đầu trong lĩnh vực ngân hàng số tại Việt Nam - ảnh 1

TPBank là ngân hàng gì? Giới thiệu về TPBank

Năm 2010, ngân hàng đã lần lượt trải qua hai lần tăng vốn điều lệ lên 2.000 tỷ đồng và sau đó là 3.000 tỷ đồng sau khi tổ chức Đại hội đồng cổ đông lần thứ hai. Ngân hàng tiến hành mở rộng khi khai trương thêm một số chi nhánh, sở giao dịch tại Hà Nội, Sài Gòn…

Năm 2011, đáng chú ý, Đại hội đồng cổ đông bất thường của TPBank được tổ chức ngay sau Đại hội đồng cổ đông lần thứ ba chỉ cách nhau 4 tháng.

Năm 2013, ngân hàng này chính thức tham gia vào thị trường vàng từ đầu năm. Sau nhiều năm liên tục mở rộng và phát triển, khai trương nhiều chi nhánh tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và Sài Gòn, cũng như nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước, TPBank ra mắt nhận diện thương hiệu mới và đón nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về thành tích xuất sắc trong công tác tái cơ cấu.

Trong năm 2014, TPBank chính thức khai trương trụ sở mới nằm tại số 57 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, đánh dấu vị thế mới của TPBank. Cơ ngơi bề thế có diện tích sử dụng hơn 6000 m2, nằm ở ngay trung tâm giao thương kinh tế lớn nhất của Thủ đô, phục vụ cho gần 1000 cán bộ nhân viên bao gồm 10 tầng làm việc và 4 tầng hầm.

Cùng trong năm này, TPBank nâng cấp thành công hệ thống core banking FCC lên phiên bản 12.0.3 và cho ra mắt phiên bản eBank có tính năng nhất thể hóa cả hai phiên bản Internet Banking và Mobile Banking trên nền công nghệ HTML5.

Từ năm 2014 đến năm 2015 đánh dấu giai đoạn mở rộng liên tục của ngân hàng này. Hàng loạt các cơ sở, chi nhánh được khai trương trên địa bàn cả nước. Độ phổ biến của TPBank trên địa bàn 2 thành phố lớn nhất cũng ngày một gia tăng khi có mặt thêm nhiều chi nhánh tại các quận nội thành.

Ngân hàng TMCP Tiên Phong TPBank: Đi đầu trong lĩnh vực ngân hàng số tại Việt Nam - ảnh 2

Ngân hàng ngày một mở rộng và phát triển.

Năm 2016, ngân hàng đạt tổng tài sản trên 83.200 tỷ đồng, tiến hành ra mắt thẻ tín dụng TPBank World MasterCard và phiên bản Ebank v.7.0 – tự do cá nhân hóa & Ebank Biz – HTML5 nâng cấp cho doanh nghiệp.

Tới năm 2017, TPBank chính thức ra mắt hệ thống điểm giao dịch tự động 24/7 LiveBank, ra mắt trợ lý ảo T'aio phục vụ khách hàng nhờ ứng dụng trí thông minh nhân tạo, ứng dụng thanh toán bằng mã QR- TPBank QuickPay, là những điểm sáng đột phá để tối ưu trải nghiệm cho người dùng.

Vào năm 2018, kỉ niệm 10 năm thành lập, TPBank có vốn điều lệ của ngân hàng đạt mức 8.566 tỷ đồng, ra mắt dịch vụ nộp thuế hải quan điện tử 24/7 và mở rộng mạng lưới LiveBank trên toàn quốc đạt 60 điểm. Quản lý dịch vụ công nghệ thông tin của TPBank được nhận chứng chỉ quốc tế ISO 20000.

Đồng thời, ngân hàng cũng đón nhận hàng loạt tin vui như là chính thức niêm yết thành công 555 triệu cổ phiếu (mã TPB) trên sàn chứng khoán TP. Hồ Chí Minh, cổ phiếu TPB của TPBank được giao dịch ký quỹ sau 6 tháng niêm yết, chỉ số sức mạnh BCA của TPBank được Moody’s nâng lên mức B1. Đây là động thái đánh dấu bước ngoặt lớn trong quá trình hoạt động ổn định và bền vững của nhà băng.

Moody’s đánh giá TPBank nằm trong nhóm các ngân hàng TMCP có xếp hạng tín nhiệm tốt nhất Việt Nam và Tạp chí The Asian Banker cũng xếp ngân hàng này vào Top 100 Ngân hàng bán lẻ mạnh nhất Châu Á Thái Bình Dương.

Hiện nay, ban lãnh đạo của ngân hàng TPBank bao gồm:

Hội đồng quản trị với ông Đỗ Minh Phú - Chủ tịch Hội đồng Quản trị và 3 Phó chủ tịch HĐQT là các ông Đỗ Anh Tú, Ông Lê Quang Tiến, Ông Shuzo Shikata, Bà Nguyễn Thu Hà - Thành viên HĐQT, Ông Eichiro So - Thành viên HĐQT, Bà Đỗ Thị Nhung - Thành viên Hội đồng Quản trị độc lập.

Ban giám đốc bao gồm: Ông Nguyễn Hưng - Tổng Giám đốc và một số Phó Tổng Giám đốc chịu trách nhiệm các khối khác nhau.

Ban Kiểm sát bao gồm: Bà Nguyễn Thị Bảo - Thành viên chuyên trách, bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt - Thành viên Ban Kiểm soát không chuyên trách, ông Thái Duy Nghĩa - Thành viên Ban Kiểm soát.

Ngân hàng TMCP Tiên Phong TPBank: Đi đầu trong lĩnh vực ngân hàng số tại Việt Nam - ảnh 3

Các giải thưởng TPBank đạt được trong hành trình phát triển

Tháng 11/2012: Đạt Giải thưởng "Tin và Dùng" 2013 cho Dịch vụ Ngân hàng điện tử do độc giả Thời báo Kinh tế Việt Nam - Tạp chí Tư vấn Tiêu & Dùng bình chọn

Tháng 3/2013, Đạt giải “Thương hiệu mạnh Việt Nam 2012"

Tháng 11/2013, TPBank đạt giải "Ngân hàng sáng tạo tiêu biểu" năm 2013 - giải thưởng do Tập đoàn dữ liệu quốc tế IDG song hành cùng hội thảo Diễn đàn Ngân hàng khu vực Đông Nam Á bình chọn.

Năm 2013, nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về thành tích xuất sắc trong công tác tái cơ cấu.

Trong năm 2018: Ngân hàng đón nhận Huân chương lao động Hạng Ba do Đảng và Nhà nước trao tặng;

Nhận giải thưởng Ngân hàng phát hành tốt nhất 2017 về lĩnh vực Tài trợ Thương mại cho các dự án thích ứng biến đổi khí hậu thông minh Khu vực Đông Á – Thái Bình Dương do IFC trao tặng;

TPBank nằm trong nhóm các ngân hàng TMCP có xếp hạng tín nhiệm tốt nhất Việt Nam do Moody’s đánh giá;

Bộ Tài Chính tặng bằng khen cho TPBank nhờ thực hiện tốt chính sách, pháp luật thuế;

Nhận giải thưởng Ngân hàng SME phát triển nhanh nhất tại Việt Nam do tạp chí Global Banking and Finance Review trao tặng;

Nhận 3 giải thưởng quốc tế uy tín về ngân hàng số: Best ATM and Kiosk Project in Vietnam - Ngân hàng tự động tốt nhất Việt Nam, Best Internet Banking Initiative of the Year - Ngân hàng số sáng tạo nhất năm, Best CRM project in Vietnam - Hệ thống Quản lý và chăm sóc khách hàng tốt nhất Việt Nam;

Nhận chứng chỉ bảo mật quốc tế về an toàn thẻ do tổ chức đánh giá chất lượng quốc tế độc lập ControlCase (Hoa Kỳ) trao tặng.

 Ngân hàng TMCP Tiên Phong TPBank: Đi đầu trong lĩnh vực ngân hàng số tại Việt Nam - ảnh 4

TPBank vượt qua đại dịch, tiếp tục tăng trưởng

Theo kết quả kinh doanh của năm 2020 mà TPBank công bố, ngân hàng này vẫn tăng 11% so với năm trước và vượt gần 8% so với kế hoạch được Đại hội đồng cổ đông đề ra. Có thể thấy, Ngân hàng tiếp tục được duy trì ổn định các hoạt động kinh doanh, vượt mục tiêu đề ra ở hầu hết các chỉ số quan trọng.

Cụ thể, kết thúc năm 2020 vừa qua, tổng tài sản của Ngân hàng tăng 24,47% khi đạt 206.316 tỷ đồng và vượt hơn 14% kế hoạch năm. Tổng huy động tăng 25,15% khi đạt 184.953 tỷ đồng, so với năm trước, trong khi dư nợ cũng có mức tăng trưởng tốt, giữ vị trí khá cao khi xếp hạng trên toàn ngành. Tổng thu nhập hoạt động của TPBank trong năm 2020 tăng 22,4%, được ghi nhận ở mức 10.368 tỷ đồng, so với năm 2019.

Từ khi triển khai hệ thống LiveBank, phát hành thẻ tức thì, TPBank đã gia tăng số lượng tài khoản và thẻ mở mới qua hệ thống này một cách nhanh chóng. Trong năm 2020, con số này đã tăng gấp 4 lần năm 2019 trong khi CASA tăng gấp 5 lần. Nhờ vậy, trong năm qua, số lượng khách hàng mới tăng đáng kể, nâng tổng số khách của TPBank lên 3,6 triệu. Các máy LiveBank xử lý hơn 7 triệu giao dịch, tăng 130.

Năm 2020, TPBank đã vượt qua rất nhiều khó khăn, thách thức, nỗ lực để duy trì đà tăng trưởng, đồng thời miễn giảm lãi cho trên 10.000 khách hàng với số tiền là 213 tỷ đồng, tổng dư nợ được giảm lãi là hơn 40.000 tỷ đồng. Tuy thực hiện giảm lãi nhưng ngân hàng cũng tiến hành tiết kiệm, cắt giảm chi phí nên vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng trên 11%.

Xem thêm: Vụ sao kê tài khoản của Hoài Linh: Ngân hàng chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra

Phương Thúy