Triển vọng cổ phiếu TPBank: Điểm nhấn số hóa, CASA và định giá
TPBank đạt tổng thu nhập hoạt động (TOI) 4.482 tỷ đồng, giảm 4,3% so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập lãi thuần gần như đi ngang ở mức 3.384 tỷ đồng khi biên lãi ròng (NIM) giảm còn 4,4% (so với 5,2% quý I/2024). Thu nhập ngoài lãi giảm 65%, còn 189 tỷ đồng, chủ yếu do lỗ hoạt động kinh doanh vàng và ngoại tệ cũng như giảm mạnh lợi nhuận đầu tư chứng khoán.
Ngược lại, thu nhập từ phí tăng 27,2% lên 910 tỷ đồng nhờ đóng góp chủ đạo từ dịch vụ thanh toán, giúp phần nào hạn chế sự sụt giảm tổng thu nhập ngoài lãi. Lợi nhuận trước thuế đạt 2.109 tỷ đồng, tăng 15,3% chủ yếu nhờ chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm 59% còn 490 tỷ đồng.

Tăng trưởng tín dụng trong quý đạt 3,9% so với đầu năm, trong khi huy động tiền gửi giảm 4%. TPBank tiếp tục giảm quy mô danh mục trái phiếu doanh nghiệp, đưa tỷ trọng TPDN/tổng tài sản về 2,15%, mức thấp hơn so với nhiều ngân hàng cùng ngành.
Bức tranh tài sản và các chỉ báo
Tỷ lệ nợ xấu (NPL) của TPBank tăng lên 2,27%, mức cao nhất kể từ cuối 2023 và gần chạm trung bình ngành (2,5%). Tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) giảm mạnh còn 57,1% (so với 81,3% cuối năm 2024), phản ánh áp lực dự phòng còn lớn trong thời gian tới. Khoản vay lớn nhất là cho Novaland (NVL) với dư nợ 3.100 tỷ đồng, chiếm 1% tổng danh mục tín dụng. Khoản vay này được đảm bảo bằng dự án Grand Manhattan tại TP.HCM, song vẫn cần tiếp tục theo dõi do rủi ro chung của thị trường bất động sản chưa ổn định.
Cấu trúc tín dụng quý I/2025 có chuyển dịch tích cực, cho vay doanh nghiệp ngành sản xuất tăng 20%, xây dựng tăng 65%, vận tải tăng 58%. Trong khi đó, cho vay cá nhân chỉ tăng trưởng 2,1%. Việc tiếp tục thu hẹp danh mục trái phiếu doanh nghiệp phù hợp với định hướng kiểm soát rủi ro đặt ra trong bối cảnh thị trường tài sản còn nhiều biến động.
Báo cáo của Mirae Asset khuyến nghị "MUA" cổ phiếu TPB với giá mục tiêu 17.300 đồng/cổ phiếu, tiềm năng tăng 17% so với hiện tại, định giá P/B dự phóng năm 2025 ở mức 1,25 lần – thấp hơn 15–20% so với trung bình nhóm ngân hàng tư nhân.
TPBank nổi bật nhờ lợi thế số hóa, xây dựng thành công hệ sinh thái LiveBank, Mobile Banking, các giải pháp tích hợp giúp 98% giao dịch thực hiện qua kênh số. Tỷ lệ CASA đạt 21,8%, thuộc nhóm cao nhất ngành (trung bình ngành: 15,1%). Dự phóng ROE năm 2025 đạt 17%, hệ số an toàn vốn CAR quanh 12,4%. Tỷ suất cổ tức 2025 dự kiến trên 7% với 10% tiền mặt và 5% cổ phiếu thưởng đã chi trả đầu quý II/2025.

TPBank nổi bật nhờ lợi thế số hóa, xây dựng thành công hệ sinh thái LiveBank, Mobile Banking.
Khách hàng của TPBank có tới 3 kênh để cập nhật sinh trắc học. Với một lần cập nhật duy nhất trên app, tại quầy hoặc tới với các điểm LiveBank 24/7, các lần giao dịch sau đó, khách hàng có thể thực hiện nhanh chóng tại bất kỳ kênh nào với nhận diện khuôn mặt đã đăng ký của mình.
Ông Nguyễn Hưng – Tổng giám đốc TPBank chia sẻ: “Với phương châm thấu hiểu và lấy khách hàng là trọng tâm, TPBank luôn đi từ cốt lõi để tập trung giải quyết các nhu cầu và hiện đại hóa trải nghiệm của khách hàng. Hiện nay đội ngũ thiết kế giao diện người dùng/trải nghiệm người dùng (UI/UX) nội bộ của chúng tôi có thể dễ dàng và tự tin xây dựng quy trình, sản phẩm hay phát triển các tính năng nhanh gấp 5-6 lần so với trước đây, nâng cao đáng kể hiệu quả hoạt động và tính linh hoạt của dịch vụ, đồng bộ trên tất cả các kênh của ngân hàng”.
Xét trong nhóm ngân hàng tư nhân, TPBank có cấu trúc cổ đông nổi bật: DOJI nắm 5,93%, FPT 6,8% và các tổ chức lớn trong và ngoài nước. Dù chi phí hoạt động (CIR) quý I/2025 tăng nhẹ, chiến lược số hóa vẫn đang giúp ngân hàng kiểm soát tốt chi phí so với trung bình hệ thống và duy trì năng lực cạnh tranh dài hạn.
