Ngân hàng trong bối cảnh đại dịch - Bài 1: Bộ đệm dày giúp tạo sức bật cho năm 2022

Lê Phương 10:00 | 16/12/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trong bối cảnh chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, ngành ngân hàng vẫn “ăn nên làm ra” dù không tránh khỏi những tác động tiêu cực.

Một số ngân hàng đã công bố về đích sớm với lợi nhuận vượt kế hoạch năm 2021, số còn lại cũng kỳ vọng tăng trưởng ở mức cao. Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhìn nhận: "Đây là tín hiệu tích cực khi ít nhất đã có một lĩnh vực trụ vững được qua đại dịch".

Bên cạnh việc dành nhiều nguồn lực cho đầu tư công nghệ, sự linh hoạt, đa dạng hóa nguồn thu của các ngân hàng, kết quả này có được cả từ việc tích góp, "thắt lưng buộc bụng" trong nhiều năm qua để xử lý dự phòng rủi ro, đảm bảo đưa tỷ lệ nợ xấu xuống trong phạm vi cho phép... Dù vậy, đại dịch COVD-19 khó lường sẽ khiến ngành ngân hàng phải đối mặt với nhiều thách thức phía trước trong năm 2022.

Thông tấn xã Việt Nam giới thiệu chùm bài "Ngân hàng trong bối cảnh đại dịch" đánh giá về hoạt động của ngành ngân hàng trong một năm có nhiều biến động cũng như triển vọng, áp lực đặt ra trong năm tới cũng như việc đáp ứng nguồn vốn vay cho các doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch.

Bài 1: Bộ đệm dày giúp tạo sức bật cho năm 2022

Năm 2021 đang dần khép lại với nhiều biến động nhưng có nhiều tín hiệu khả quan về kết quả kinh doanh của các ngân hàng thương mại trong năm. Thực tế cho thấy, tính đến thời điểm này, các ngân hàng không chỉ công bố những kết quả tăng trưởng dương, một số ngân hàng còn hoàn thành và vượt kế hoạch cả năm.

Lợi nhuận đến từ đâu?

Cập nhật mới nhất của Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) cho thấy tính đến hết tháng 10/2021, lãi trước thuế của MSB đạt hơn 4.600 tỷ đồng, vượt 40% kế hoạch năm. Kết quả khả quan này chủ yếu đến từ tăng trưởng thu nhập lãi thuần và hoạt động bancassurance (phân phối bảo hiểm qua ngân hàng).

Tại báo cáo tài chính quý III/2021, tổng thu nhập hợp nhất của MSB đạt hơn 7.669 tỷ đồng trong 9 tháng, tăng hơn 59% cùng kỳ. Thu nhập lãi thuần đạt hơn 4.523 tỷ đồng, tăng hơn 37%. Đáng chú ý, thu từ hoạt động dịch vụ tăng mạnh gấp gần 5 lần cùng kỳ, đạt 2.448 tỷ đồng nhờ nguồn thu từ bancassurance.

Trước đó, Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank) cũng đã công bố kết quả tăng trưởng đột biến, thậm chí đã vượt kế hoạch năm chỉ sau 6 tháng năm 2021.

Cụ thể, lũy kế 9 tháng, lợi nhuận trước thuế của Viet Capital Bank đạt 385 tỷ đồng, tăng gấp gần 2,8 lần so với cùng kỳ năm 2020 và vượt 32,7% so với kế hoạch năm, ở mức 290 tỷ đồng. Mốc 6 tháng trước đó, ngân hàng cũng đã đạt lợi nhuận tới 337 tỷ đồng, gấp 5 lần cùng kỳ.

Xét trong 9 tháng, tổng thu nhập ngân hàng này đạt khoảng 1.300 tỷ đồng, tăng hơn 35% so với cùng kỳ năm ngoái do quy mô tổng tài sản và nguồn vốn đều tăng, riêng thu thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 45% nhờ đẩy mạnh hoạt động phát hành thẻ, bảo hiểm và thanh toán.

Trong khi đó tại Saigonbank, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng 9 tháng đạt 194 tỷ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2020, trong khi kế hoạch cả năm là 135 tỷ đồng. Hồi 6 tháng, lợi nhuận của Saigonbank đã đạt 137 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ.

Tuy thu nhập lãi thuần của ngân hàng 9 tháng đạt 453 tỷ đồng, chỉ tăng nhẹ 1,6% so với cùng kỳ; lãi từ hoạt động dịch vụ giảm 19,8% xuống 21 tỷ đồng; nhưng lãi từ kinh doanh ngoại hối lại tăng mạnh 42% lên 32,6 tỷ đồng và lãi từ hoạt động khác cũng tăng 36,9% lên 90,2 tỷ đồng.

Kết quả hoạt động ngành ngân hàng năm nay càng có cơ sở để kỳ vọng khi đã có tới 6 ngân hàng báo lãi trên 10.000 tỷ đồng sau 9 tháng, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ có 3 ngân hàng.

Ngoài 3 cái tên quen thuộc là Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) vững vàng ngôi quán quân với 19.311 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) với 17.098 tỷ đồng và Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) với 13.911 tỷ đồng thì "câu lạc bộ 10.000 tỷ" năm nay còn có sự góp mặt của Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) với lợi nhuận trước thuế 11.885 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) 11.736 tỷ đồng và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) 10.733 tỷ đồng.

TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng việc Ngân hàng Nhà nước cho phép được giữ nguyên nhóm nợ với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đã phần nào giúp cho lợi nhuận ngân hàng "phình lên".

Bởi lẽ, nếu chuyển nhóm nợ nhất là khi trở thành nợ xấu nhóm 3, 4, 5 (nợ dưới tiêu chuẩn, nợ nghi ngờ mất vốn và nợ có khả năng mất vốn) thì các ngân hàng sẽ phải trích lập dự phòng cao hơn, từ 20-50 thậm chí đến 100% tổng dư nợ xấu.

Điều này khiến chi phí hoạt động của ngân hàng tăng cao, ăn mòn lợi nhuận. Tuy nhiên, việc giữ nguyên nhóm nợ đã giúp các ngân hàng không phải ngay lập tức trích lập dự phòng, mà được trích lập theo lộ trình quy định. Từ đó, giảm chi phí hoạt động dẫn tới lợi nhuận vẫn rất khả quan như hiện tại.

"Tuy nhiên, những con số báo lãi của ngân hàng cần được nhìn một cách cẩn trọng. Vì thời điểm này, các ngân hàng cho vay khá mạnh tay, lại thêm một số ngân hàng được nới room tín dụng nên có thể cho vay nhiều hơn, hỗ trợ nền kinh tế. Nhưng việc cho vay cũng cần phải cẩn trọng bởi các doanh nghiệp đang trong tình trạng khó khăn", ông Hiếu cảnh báo.

Vẫn lo "của để dành"

Trong khi một số ngân hàng nhỏ đã sớm cán đích, thì các ngân hàng lớn dù lũy kế 9 tháng lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng nhưng dường như đã có một quý kinh doanh không mấy khả quan khi báo cáo tăng trưởng lợi nhuận ở mức thấp, thậm chí còn âm so với cùng kỳ.

Cụ thể, lợi nhuận trước thuế trong quý III của Vietcombank chỉ tăng 15,2% so với cùng kỳ, thấp hơn nhiều so với các ngân hàng niêm yết khác; mức tăng trưởng lợi nhuận của VietinBank trong quý qua cũng chỉ ở mức 5,4%; tại BIDV, lợi nhuận trước thuế quý III thậm chí còn giảm nhẹ 1% so với cùng kỳ năm 2020.

Lý giải nguyên nhân khiến tăng trưởng lợi nhuận có phần giảm tốc, ông Trần Minh Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị VietinBank cho biết, trong 2 quý vừa qua, ngân hàng đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ khách hàng và trích lập dự phòng rủi ro cao hơn mức quy định.

Dự kiến, đến cuối năm 2021, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của VietinBank lên tới 169%, chi phí dự phòng rủi ro đạt mức 17.000 tỷ đồng, trong khi nợ xấu kiểm soát ở mức 1,4%. VietinBank dự kiến giảm 7.000 - 8.000 tỷ đồng tiền lãi để hỗ trợ khách hàng trong năm nay.

Theo ông Bình, đây không chỉ là chi phí dự phòng đảm bảo cho các khoản nợ xấu phát sinh do dịch COVID-19 mà còn là bộ đệm cho ngân hàng trong năm 2022. "Chúng tôi tăng cường sự thận trọng, để nếu năm 2022 có những biến cố thì VietinBank vẫn có bộ đệm dự phòng tốt", ông Bình khẳng định.

Tại Vietcombank và BIDV, động thái tương tự cũng được ghi nhận với trích lập dự phòng rủi ro đều tăng hơn 30% so với cùng kỳ và dự kiến cũng sẽ giảm hơn 7.000 tỷ đồng lợi nhuận để hỗ trợ khách hàng. Điều này có thể giải thích lý do lợi nhuận tăng trưởng khiêm tốn thời gian qua.

Tính đến hết quý III/2021, dư nợ xấu của 28 ngân hàng công bố báo cáo tài chính đã tăng 18.727 tỷ đồng, tương đương tăng 19,1% so với hồi cuối năm 2020. Trong đó, BIDV, VietinBank, VPBank và Vietcombank đang có quy mô dư nợ xấu lớn nhất hệ thống.

Tại phiên thẩm tra về tình hình kinh tế - xã hội do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tiến hành hồi cuối tháng 9, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh cho biết, tỷ lệ nợ xấu nội bảng và nợ xấu tiềm ẩn cả hệ thống cuối năm nay dự kiến sẽ ở mức từ 7,1-7,7%, xấp xỉ 8%.

Đây là kết quả được dự báo khi các ngân hàng đã thực hiện cơ cấu lại nợ, giãn hoãn theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN, Thông tư 03/2021/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 01/2020/TT-NHNN và Thông tư 14/2021/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Theo Phó Thống đốc, điều này ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe toàn hệ thống khi các ngân hàng phải thực hiện hàng loạt các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, cung ứng vốn cho nền kinh tế. Vì vậy, hi sinh một phần lợi nhuận để tăng "sức đề kháng" là việc làm cần thiết để các ngân hàng vượt bão COVID-19.

Tại một số ngân hàng như Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) trong quý III cũng tăng mạnh 157% chi phí dự phòng lên mức 271 tỷ đồng; lũy kế sau 9 tháng là 887 tỷ đồng, tăng 176% so với 9 tháng năm 2020.

Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) trong quý III cũng tăng chi phí dự phòng gấp hơn 5 lần so với cùng kỳ, lên mức 820 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng, ACB dành hơn 2.812 tỷ đồng cho dự phòng rủi ro, cao gấp 4 lần so với cùng kỳ năm trước.
Tại Viet Capital Bank, việc trích lập dự phòng cũng được thực hiện mạnh tay. Kết thúc quý III/2021, lợi nhuận thuần đạt 220 tỷ đồng, tăng tới 59,4% so với cùng kỳ. Dù vậy, khoản trích lập dự phòng gấp tới 2,7 lần cùng kỳ khiến lợi nhuận trước thuế giảm còn 48 tỷ đồng.

Ông Phạm Anh Tú, Phó Tổng Giám đốc Viet Capital Bank cho biết: “Những tác động của dịch bệnh đến khách hàng thời gian qua không chỉ nghiêm trọng mà còn kéo dài, vì vậy trong quý IV/2021 chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung hỗ trợ khách hàng, đồng thời tiếp tục ưu tiên nguồn lực cho trích lập dự phòng với danh mục tín dụng của khách hàng đã bị ảnh hưởng nặng của dịch bệnh".

"Định hướng này chắc chắn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả kinh doanh quý IV, nhưng chúng tôi cho rằng đây là biện pháp cần thiết để đảm bảo sự phát triển bền vững cho cả khách hàng và ngân hàng", ông Tú khẳng định.

Triển vọng sáng

Trong bối cảnh tín dụng phục hồi yếu, Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDIRECT cho rằng các ngân hàng có khả năng đẩy mạnh tín dụng, hoặc có khả năng để nâng cao tỷ trọng thu nhập ngoài lãi (thông qua bancasurance, dịch vụ ngân hàng đầu tư, kinh doanh ngoại hối…) sẽ là những ngân hàng chiếm ưu thế.

Có thể kể tới VietinBank với các thủ tục hoàn tất hợp đồng hợp đồng bảo hiểm cùng đối tác Manulife, dự kiến ghi nhận thu nhập trong quý I/2022; hay VPBank cũng đang tiếp tục thảo luận với bảo hiểm AIA về thỏa thuận độc quyền.

Tại MSB, ngân hàng đang tiếp xúc với 2-3 nhà đầu tư và đang tiến hành ký hợp đồng chuyển nhượng trong tháng 11/2021. Giá trị thương vụ ước tính không thấp hơn 100 triệu USD và MSB có thể thu về 1.800-2.000 tỷ đồng lợi nhuận trong năm 2022.

"Nếu đạt kỳ vọng và không có gì thay đổi, ngân hàng sẽ hoàn tất chuyển nhượng trong năm sau và ghi nhận lợi nhuận", ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng Giám đốc cho biết.

Mặt khác, các công ty chứng khoán cũng lạc quan với tốc độ tăng trưởng lợi nhuận năm 2022 tại các ngân hàng có bộ đệm dự phòng tốt. Cụ thể, Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI dự báo, năm 2022, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của VietinBank là 26%, Vietcombank là 23%, tăng mạnh so với năm nay.

Trong khi đó, tăng trưởng của một số ngân hàng TMCP khác sẽ chậm lại, điển hình như Techcombank sẽ chỉ tăng trưởng lợi nhuận gần 20% so với mức trên 40% dự kiến cả năm nay.

Tương tự, Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng dự báo lợi nhuận của Vietcombank, BIDV, VietinBank năm 2022 có thể tăng từ 30-35%, nhờ các động lực thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận vững chắc như tăng trưởng tín dụng, biên lợi nhuận, thu nhập từ phí và việc giảm trích lập dự phòng.

Trong khi đó, lợi nhuận của Techcombank, MB sang năm chỉ tăng từ 25-30% thay vì mức tăng 40-41% của năm nay. VPBank có thể đạt mức tăng trưởng 25% trong năm nay và tiếp tục duy trì tỷ lệ này trong năm sau./.
Xem tiếp Bài 2: Lợi nhuận khả quan nhưng liệu có bền vững?