Ngành chăn nuôi thua lỗ ít nhất 80.000 tỉ đồng
Ông Lê Thanh Phương - giám đốc Công ty TNHH Emivest Việt Nam - tính toán và cho biết như vậy tại diễn đàn trực tuyến “Kết nối tiêu thụ nông sản tỉnh Bình Dương năm 2021” ngày 9-10 do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) và UBND tỉnh Bình Dương tổ chức.
Ngành chăn nuôi thua lỗ ít nhất 80.000 tỉ đồng
Ông Lê Thanh Phương khẳng định hiện nay tất cả các sản phẩm chăn nuôi trong nước đều đang bán dưới giá thành khiến người chăn nuôi thua lỗ nặng nề.
Cụ thể, ngày 9-10, giá heo hơi chỉ còn 41.000 - 42.000 đồng/kg, tức dưới giá thành 20.000 đồng/kg. Gà trắng dù hiện lên giá ở mức 20.000 đồng/kg nhưng giá thành sản xuất là 30.000 đồng/kg, gà màu đang bán giá 30.000 đồng/kg nhưng giá thành 40.000 đồng/kg, gà ta bán giá 45.000 đồng/kg, vẫn thấp hơn giá thành 10.000 đồng/kg. Trứng gà loại một tại trại đang bán với giá 1.250 đồng/quả, trong khi giá thành là 1.850 đồng/quả .
Theo ông Phương, dựa trên số liệu của Bộ NN&PTNT nói về tổng sản lượng thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm cả nước một năm tương đương 20 triệu tấn, và chia theo cơ cấu các sản phẩm chăn nuôi như heo, gà, trứng… thì với giá bán như thời gian qua, tổng lỗ của các công ty chăn nuôi và nông dân trong nước trong năm 2021 dự kiến không dưới 80.000 tỉ đồng, cao hơn 10 lần khoản lỗ của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) công bố tại đại hội cổ đông vừa qua.
Nguyên nhân thua lỗ của ngành chăn nuôi chủ yếu là do lưu thông hàng hóa bị gián đoạn, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, còn thị trường tiêu thụ có ít đi nhưng không đáng kể.
Theo đánh giá của các công ty chăn nuôi, từ nay đến Tết âm lịch và sau Tết, Việt Nam không lo về thiếu thực phẩm như heo, gà, nhưng dài hạn thì gà và trứng sẽ thiếu nghiêm trọng vì hiện nay tất cả các công ty giống đều bị "cưỡng bức thải loại đàn gà đẻ", và khi thị trường mở cửa trở lại thì sẽ thiếu hụt.
“Ngoài giá bán thấp hơn giá thành, còn đối mặt khó khăn khi người lao động không muốn làm, xin về quê không quay lại dù doanh nghiệp trả lương đúng hạn, công việc đảm bảo”, ông Phương cho biết.
Ông Phương đề nghị chính quyền ưu tiên tiêm vắc xin cho công nhân tại các cơ sở chăn nuôi đầy đủ để ổn định người lao động, và ngân hàng nên giảm lãi suất để người chăn nuôi duy trì sản xuất và tái đàn. Ngân hàng nên giảm và giãn lãi suất cho người chăn nuôi có sức tái đàn.
Xây dựng chuỗi nông sản giá trị cao sau giãn cách
Ông Mai Hùng Dũng - phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương - cho biết trong quá trình thực hiện các quy định phòng chống dịch COVID-19, ngành sản xuất nông nghiệp đã gặp không ít khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, trong đó, với phân khúc tiêu thụ có hợp đồng ổn định (siêu thị, bếp ăn, trường học, doanh nghiệp...) bị giảm đơn hàng hoặc hủy đơn hàng do các nhà máy, trường học tạm ngưng hoạt động.
Trong khi đó, phân khúc tiêu thụ truyền thống bị đứt gãy kênh phân phối do đóng cửa chợ đầu mối, chợ truyền thống (phân khúc tiêu thụ này chiếm trên 60% lượng sản phẩm nông sản của tỉnh Bình Dương).
Đại diện UBND tỉnh Bình Dương cho biết hiện tỉnh có 4 khu nông nghiệp công nghệ cao, trên 69% tổng đàn gia cầm, 65% tổng đàn gia súc và 5.435 hecta trồng trọt ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất; trong có gần 600 hecta sản xuất trồng trọt theo hướng hữu cơ.