Ngành giao thông với những thách thức chờ lời giải
Trong 6 tháng đầu năm 2023, Bộ Giao thông Vận tải đã đạt những kết quả tích cực, song nhiệm vụ 6 tháng cuối năm được nhận diện còn rất nặng nề khi Bộ phải hoàn thành 3 dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc – Nam gồm Quốc lộ 45 – Nghi Sơn, Nghi Sơn – Diễn Châu và Cầu Mỹ Thuận 2. Cùng với đó, nhiệm vụ giải ngân số vốn còn lại khoảng 59.000 tỷ đồng, ổn định hoạt động đăng kiểm, chấn chỉnh, nâng cao chất lượng đào tạo sát hạch lái xe…
* Điểm nhấn giải ngân
Theo lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, năm 2023 tiếp tục là năm đầy thách thức đối với ngành giao thông vận tải, đặc biệt khi Quốc hội, Chính phủ giao nhiệm vụ giải ngân hơn 94.000 tỷ đồng vốn đầu tư công. Đây là số vốn gấp 1,7 lần năm 2022 và gấp 2,2 lần năm 2021.
Xác định đây là nhiệm vụ khó khăn, ngay từ đầu năm, lãnh đạo Bộ đã có nhiều giải pháp để từng bước hoàn thành nhiệm vụ trên. Tính đến hết tháng 6/2023, các chủ đầu tư thuộc bộ này đã giải ngân được khoảng 35.627 tỷ đồng vốn đầu tư công (đạt khoảng 37,4% kế hoạch năm).
Mặc dù, tiến độ giải ngân chậm so với kế hoạch các chủ đầu tư đăng ký đầu năm (35.627 so với số vốn đăng ký là 38.154 tỷ đồng, đạt 93,3%), tuy nhiên, so với cùng kỳ năm 2022, kết quả giải ngân nói trên vẫn cao hơn cả về giá trị và tỷ lệ (gấp hơn 2 lần giá trị, tỷ lệ cao hơn 7%). Trong 6 tháng đầu năm, tỷ lệ giải ngân của Bộ Giao thông Vận tải luôn cao hơn mức trung bình của cả nước.
Ông Bùi Quang Thái, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch- Đầu tư (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, giá trị giải ngân 6 tháng đầu năm 2023 của Bộ Giao thông Vận tải tập trung vào các dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 1 (2017-2020) có kế hoạch hoàn thành trong năm 2023, thực hiện tạm ứng hợp đồng của các dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2 (2021-2025).
Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải nhìn nhận, kết quả đạt được 6 tháng đầu năm về giải ngân sẽ tạo tiền đề cho ngành phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao. Trong 6 tháng cuối năm, số vốn còn lại cần giải ngân là rất lớn khoảng 59.000 tỷ đồng. Để giải ngân tối đa nguồn vốn còn lại cần sự nỗ lực, quyết tâm, đổi mới trong triển khai thực hiện của các chủ đầu tư. Hiện nút thắt cản trở tiến độ thi công và giải ngân vốn tại dự án cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2 – một trong những mũi giải ngân chủ lực của Bộ Giao thông Vận tải là giải phóng mặt bằng và vật liệu xây dựng.
Vì vậy, Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu các chủ đầu tư tăng cường phối hợp với các địa phương đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để phục vụ thi công, đặc biệt tại các vị trí đường công vụ, đường tiếp cận, các công trình cầu lớn, hầm, các vị trí xử lý nền đất yếu...
Bên cạnh đó, yêu cầu chủ đầu tư cần chủ động phối hợp với các địa phương hoàn thiện các thủ tục để sớm cấp mỏ vật liệu cho các nhà thầu khai thác phục vụ thi công.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh: “Nhiệm vụ giải ngân năm 2023 của Bộ Giao thông Vận tải là thách thức không hề nhỏ. Tuy nhiên, chúng tôi cũng xác định đây là cơ hội để Bộ tận dụng nguồn vốn quý báu, tạo động lực đẩy nhanh tiến độ triển khai, sớm hoàn thành, đưa vào khai thác, phát huy hiệu quả đầu tư các công trình, dự án giao thông quan trọng quốc gia. Bên cạnh đó, việc hoàn thành giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội”.
Từ đầu năm nay, điểm tích cực nữa được ghi nhận từ ngành giao thông vận tải là đưa thêm 300km đường bộ cao tốc vào khai thác bao gồm các dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông như Mai Sơn – Quốc lộ 45, Nha Trang – Cam Lâm, Vĩnh Hảo – Phan Thiết và Phan Thiết – Dầu Giây. Đây thực sự là dấu mốc quan trọng tạo ra không gian mới cho sự phát triển kinh tế - xã hội các địa phương.
Cùng 12 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2 được khởi công đồng loạt trong tháng đầu năm thì riêng trong tháng 6 vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải cũng phối hợp với các địa phương khởi công một loạt các dự án cao tốc nằm trong chương trình phục hồi phát triển kinh tế theo đúng kế hoạch như Biên Hòa – Vũng Tàu, Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột, Vành đai 3 Tp. Hồ Chí Minh, Vành đai 4 vùng Thủ đô, hay một số cao tốc tại Đồng bằng sông Cửu Long như cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Cao Lãnh – An Hữu…
Ngoài kết quả tích cực từ giải ngân vốn đầu tư công, khởi công khánh thành một loạt các dự án trọng điểm, trong bức tranh 6 tháng của ngành giao thông vận tải, hoạt động vận tải cũng có những kết quả nổi bật. Số liệu thống kê cho thấy, thị trường vận tải đã ghi nhận sự tăng trưởng tích cực ở các lĩnh vực, đặc biệt là vận tải hành khách.
Theo đó, vận chuyển hành khách trong 6 tháng đầu năm 2023,tăng 15,9% và luân chuyển tăng 32,4% so với cùng kỳ năm trước; vận chuyển hàng hóa tăng 15,9% và luân chuyển tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, trong lĩnh vực vận tải thì hàng không có sự phục hồi mạnh mẽ. Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam đánh giá, 6 tháng đầu năm 2023, thị trường hàng không đã có sự phục hồi tốt, sản lượng hành khách đạt gần 57 triệu hành khách, chiếm 48,2% kế hoạch năm 2023, tăng 29,2% so với cùng kỳ năm 2022. Đặc biệt, sản lượng hành khách quốc tế tăng 493,5% so với cùng kỳ năm 2022. Sự hồi phục này là do chính sách mở cửa của các quốc gia, trong đó có hồi phục của thị trường Đông Bắc Á, trong khi đó, sản lượng hành khách trong nước chỉ tăng 2% so với cùng kỳ 2022.
Ngoài ra, kết quả ngành giao thông trong 2 quý đầu năm còn được ghi nhận ở việc hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh; xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số trong ngành giao thông vận tải tiếp tục được triển khai mạnh mẽ...
*Thách thức chờ lời giải
Theo lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, nhiệm vụ của ngành từ nay đến cuối năm 2023 và các năm tiếp theo rất nặng nề; còn một số tồn tại, hạn chế cần phải tập trung, quyết liệt xử lý, tháo gỡ. Theo đó, sai phạm trong lĩnh vực đăng kiểm gây bức xúc trong nhân dân và dư luận cần tiếp tục có giải pháp ổn định tình hình và chấn chỉnh, thay đổi để đảm bảo việc phục vụ người dân và doanh nghiệp. Việc đào tạo, sát hạch, cấp, thu hồi, quản lý giấy phép điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, đường thủy nội địa vẫn còn bộc lộ hạn chế, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tiêu cực cần tiếp tục xử lý.
Về các giải pháp cụ thể trong 6 tháng cuối năm, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải khẳng định sẽ đưa ra nhiều giải pháp đồng bộ. Cụ thể, để chấn chỉnh kịp thời và khắc phục những tồn tại, bất cập trong lĩnh vực đăng kiểm, Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục chỉ đạo và triển khai rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, thể chế liên quan đến đăng kiểm.
Từ đó, khẩn trương sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn theo hướng tách bạch chức năng quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ của Cục Đăng kiểm Việt Nam, phân cấp, phân quyền tối đa cho các địa phương. Bộ Giao thông Vận tải kỳ vọng sẽ nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực đăng kiểm gắn liền với tăng cường thanh tra, kiểm tra, phòng chống tiêu cực, lãng phí.
Đồng thời, Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam giảm thiểu các thủ tục hành chính và điều kiện kiểm định; các đơn vị đăng kiểm của lực lượng vũ trang, các đơn vị bảo hành, bảo dưỡng chính hãng được cung cấp dịch vụ kiểm định phương tiện; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ đảm bảo minh bạch, hiệu quả, phù hợp với nhu cầu thực tiễn và đảm bảo tính cạnh tranh lành mạnh giữa các trung tâm đăng kiểm; ứng dụng toàn diện công nghệ thông tin, tạo mọi điều kiện thuận lợi và tiết kiệm chi phí cho người dân và doanh nghiệp.
Ngoài ra, Bộ Giao thông vận tải cũng đang thực hiện rà soát các quy định liên quan đến giá dịch vụ kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, phí, lệ phí đối với xe cơ giới để đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, bảo đảm bù đắp đủ chi phí hoạt động kiểm định, góp phần hạn chế phát sinh các tiêu cực trong công tác kiểm định xe cơ giới.
Về hoạt động đào tạo, sát hạch lái xe, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho biết sẽ rà soát văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn về đào tạo, sát hạch, cấp giấp phép lái xe ôtô để phát hiện những nội dung không còn phù hợp. Đồng thời, Bộ sẽ chấn chỉnh, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch giấy phép lái xe; rà soát các tiêu chuẩn, điều kiện về cơ sở vật chất đối với các cơ sở đào tạo lái xe; có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, chấm dứt tình trạng cấp giấy phép lái xe cho người nghiện ma túy, người không đủ năng lực, hành vi, sức khỏe.
Đối với các công trình trọng điểm quốc gia như cao tốc Bắc – Nam, Bộ Giao thông Vận tải sẽ quyết tâm đưa 3 dự án thành phần gồm Quốc lộ 45 – Nghi Sơn, Nghi Sơn – Diễn Châu và Cầu Mỹ Thuận 2 vào khai thác trong năm nay. Riêng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Bộ Giao thông Vận tải cho biết sẽ phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – ACV khẩn trương lựa chọn nhà thầu xây lắp để đảm bảo tiến độ xây dựng nhà ga chính của Cảng hàng không quốc tế Long Thành.../.