Sau năm 2022 ăn nên làm ra, nhiều 'đại gia' hóa chất đặt kế hoạch kinh doanh 2023 thận trọng

Trang Mai 16:12 | 03/04/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Sau một năm đạt kết quả ấn tượng, ngành hóa chất cơ bản Việt Nam đang khởi đầu năm 2023 với đầy khó khăn khi sản lượng và giá trị đều có dấu hiệu chững lại. Cùng với những diễn biến kinh tế khó lường, các công ty hóa chất cơ bản đều cho rằng 2023 sẽ là một năm đầy thách thức, từ đó đặt ra kế hoạch kinh doanh thận trọng.

 

Doanh nghiệp hóa chất và kế hoạch lợi nhuận giảm mạnh năm 2023

Sau một năm 2022 với kết quả thăng hoa, bước sang năm nay, các doanh nghiệp hoá chất cơ bản đồng loạt giảm mạnh kế hoạch doanh thu và lãi ròng trước bối cảnh bất thường của kinh tế thế giới và giảm mạnh nhu cầu trên toàn cầu. 

Trong năm 2023, Đạm Phú Mỹ (mã: DPM) đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 17.400 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế hợp nhất gần 2.700 tỷ đồng, giảm lần lượt 6% và 59% so với năm 2022. Để so sánh, trong năm 2022, DPM trong top đứng đầu về kết quả kinh doanh của ngành với doanh thu hơn 18.600 tỷ đồng, lãi ròng gần 5.600 tỷ đồng, tương ứng tăng trưởng 46% và 79% so với năm 2021.  

Tương tự, sau năm 2022 lãi kỷ lục, Đạm Cà Mau (mã: DCM) cũng khá thận trọng trong đặt kế hoạch kinh doanh cho năm 2023. Theo đó, doanh nghiệp lên kế hoạch đạt tổng doanh thu 13.459 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.383 tỷ đồng, lần lượt thấp hơn 15,5% và 68% so với mức "đột biến" của năm 2022.  Năm ngoái, DCM ghi nhận doanh thu thuần đạt 15.924 tỷ đồng, tăng 61% so với 2021. Trừ các chi phí, doanh nghiệp báo lãi ròng 4.281 tỷ đồng, cao gấp 2,3 lần cùng kỳ và cao hơn tổng lợi nhuận từ 2017 đến 2022.  

Với dự đoán giá bán bình quân sẽ tiếp tục giảm, Hoá chất Đức Giang (mã: DGC) cũng đặt kế hoạch kinh doanh năm 2023 thận trọng với doanh thu thuần và lợi nhuận ròng lần lượt là 10.900 tỷ đồng, giảm 25% và 3.000 tỷ đồng, cùng giảm 50% so với kết quả năm 2022. 

Năm ngoái, DGC đạt doanh thu thuần và lợi nhuận ròng đạt hơn 14.400 tỷ đồng (tăng 51%) và 6.040 tỷ đồng (tăng 140%) so với cùng kỳ, vượt 19% và 72% kế hoạch năm. Đây cũng là mức lợi nhuận lớn nhất của DGC từ khi thành lập, thậm chí bằng nhiều năm trước cộng lại.  

Những kế hoạch kinh doanh với chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận đều giảm, thậm chí chỉ tiêu lợi nhuận giảm tới hơn 50%, đã phản ánh dự báo thị trường "kém sáng" của ban lãnh đạo các doanh nghiệp hóa chất cơ bản cho năm nay. Điều này khác hẳn với bức tranh tươi sáng năm ngoái, khi giá trị xuất khẩu hóa chất cơ bản của Việt Nam (phốt pho vàng, phân bón DAP và MAP,...) tăng 25,3% so với cùng kỳ năm 2021, lên 5,6 tỷ USD. Trong đó, theo Tổng cục Hải quan, Trung Quốc là quốc gia nhập khẩu hóa chất lớn nhất của Việt Nam trong năm ngoái với giá trị nhập khẩu 1,18 tỷ USD, tăng 21% do sự thiếu hụt nguồn cung nội địa.

Theo thống kê của VNDirect, trong năm 2022, lãi sau thuế của các công ty hóa chất cơ bản niêm yết tăng 138% so với năm 2021, biên lãi gộp toàn ngành tăng 11,3 điểm % nhờ nguồn cung khan hiếm và nhu cầu chất bán dẫn cao.

 Kim ngạch xuất khẩu hóa chất cơ bản 2022. 

 

Dự báo nhu cầu suy yếu, giá giảm làm co hẹp biên lợi nhuận của ngành

Những tín hiệu về thị trường đầy ảm đạm đã được thể hiện phần nào trong tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành những tháng đầu năm 2023. Luỹ kế từ đầu năm đến giữa tháng 3, giá trị xuất khẩu hóa chất cơ bản chỉ đạt 930 triệu USD, giảm 10,9% so với cùng kỳ do nhu cầu suy yếu và đứng thứ 12 trong tổng các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam (theo số liệu của Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính).

Trong báo cáo ngành hoá chất mới công bố, chứng khoán VNDirect cho rằng nhu cầu của các thị trường hóa chất xuất khẩu của Việt Nam như Trung Quốc và Hoa Kỳ sẽ giảm hơn nữa từ nay tới cuối năm do lạm phát cao và rủi ro suy thoái kinh tế. 

Với phốt pho vàng - nguyên liệu đầu vào để sản xuất chất bán dẫn, dự kiến nhu cầu toàn cầu có thể suy yếu trong bối cảnh suy thoái kinh tế dẫn đến nhu cầu đối với hàng điện tử và chất bán dẫn giảm trong năm nay. World Semiconductor Trade Statistics dự báo thị trường chất bán dẫn toàn cầu sẽ giảm 4%, xuống còn 557 tỷ USD. Đây cũng là lần giảm hàng năm đầu tiên kể từ năm 2019.

 

Bên cạnh đó, giá phốt pho vàng đã đạt đỉnh kể từ quý II/2022 và dự kiến sẽ dao động trong khoảng 4.500-5.000 USD vào năm 2023 (giảm 15% so với cùng kỳ). Do đó, các nhà sản xuất phốt pho vàng như Hóa chất Đức Giang, Dầu khí Đầu tư Khai thác Cảng Phước An (mã: PAP), Hóa chất Cơ bản Miền Nam (mã: CSV) và Hóa chất Việt Trì (mã: HVT)... được dự báo sẽ bị ảnh hưởng.

 

Với xút, dự báo thị trường này sẽ đối diện nhiều thách thức phía trước sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại. Giá xút trong nước phụ thuộc nhiều vào quốc gia này do đây là thị trường xuất khẩu khoảng 40% của Việt Nam. Theo báo cáo của VNDirect, giá xút tại Trung Quốc đã giảm 27% kể từ tháng 12/2022 đến nay do nhà máy sản xuất xút tại Trung Quốc quay trở lại hoạt động vào năm 2023 và nhu cầu tiêu thụ nhôm yếu.

Hơn nữa, Trung Quốc mở cửa trở lại nền kinh tế được dự báo sẽ cải thiện nguồn cung xút tại Việt Nam. Do đó, giá xút được kỳ vọng đạt khoảng 700-800 USD/tấn vào năm 2023, giảm 15% so với cùng kỳ. Do hợp đồng giá thường được ký trước 3 tháng nên lợi nhuận ròng của các công ty xút như CSV và HVT trong nửa năm đầu 2023 sẽ sụt giảm so với nửa cuối 2022.

 

Bên cạnh đó, rủi ro chi phí điện sẽ cao hơn trong năm 2023 cũng sẽ ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp, theo VNDirect, bởi chi phí điện năng chiếm 20-30% tổng chi phí sản xuất các loại hóa chất cơ bản. 

Theo kịch bản phụ tải cao trong Dự thảo Quy hoạch điện VIII, nhu cầu điện sẽ tăng với tốc độ tăng trưởng kép cao dự báo là 9,2% trong năm 2023-2030. Do đó, biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp hóa chất sẽ giảm trong năm 2023 do chi phí điện tăng và giá bán trung bình thấp hơn.

Nhìn chung, VNDirect dự phóng biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp hóa chất cơ bản sẽ giảm 4-6 điểm % so với cùng kỳ trong năm 2023.