Ngành mía đường với những triển vọng 'ngọt ngào'
Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn (HOSE: LSS)
Trong quý I niên độ tài chính vừa qua, doanh nghiệp tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng trong cả doanh thu và lợi nhuận. Theo đó, LSS ghi nhận 304 tỷ đồng doanh thu thuần bán và và cung cấp dịch vụ, tăng nhẹ 721 triệu đồng so với cùng kỳ năm trước. Nhưng giá vốn cũng tăng 1,7 tỷ đồng khiến lợi nhuận gộp giảm còn 37,7 tỷ đồng. Biên lãi gộp giảm từ 12,8% xuống 12,4%. Trước thuế, LSS ghi nhận 9,5 tỷ đồng, tăng nhẹ 360 triệu đồng và lãi ròng hơn 8 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ niên độ tài chính 2021.
Niên độ 2022 - 2023, LSS đặt mục tiêu doanh thu đạt 1.111 tỷ đồng, tăng 25% so với thực hiện năm 2021 và lợi nhuận sau thuế 75,3 tỷ đồng, giảm 60% so với thực hiện niên vụ trước đó. Đặt mục tiêu lợi nhuận “đi lùi” bởi phía công ty dự báo rằng ngành mía đường tiếp tục gặp khó khăn do nạn buôn lậu, gian lận thương mại vẫn chưa được kiểm soát triệt để, giá cả vật tư nông nghiệp tăng cao làm giảm thu nhập của người trồng mía…
Trong niên độ 2020 - 2021, LSS đã chấp nhận giảm lãi để dành nguồn lực 30 tỷ đồng đầu tư cho người trồng mía, phân bón và kỹ thuật chăm sóc. Nhờ vậy, số hộ nông dân quay trở lại với nghề trồng mía đã tăng khoảng 20% so với năm trước, đảm bảo vùng nguyên liệu cho những kế hoạch tăng trưởng trong giai đoạn mới.
Trong Đại hội Hiệp hội Mía đường Lam Sơn nhiệm kỳ 2022-2024 được tổ chức vào 26/10 vừa qua, đại diện công ty cho biết đã điều chỉnh giá thu mua tăng, hỗ trợ các đầu tư ứng trước giống mới, phân bón, cơ giới hóa… Từ đó các hộ dân đã cam kết gắn bó lâu dài với cây mía, đồng thời tăng cường đầu tư thâm canh tăng năng suất, chất lượng vùng nguyên liệu.
Tính đến 30/9, LSS ghi nhận tổng tài sản 2.397 tỷ đồng, giảm hơn 6% so với đầu năm. Trong đó tiền và các khoản tương đương tiền gần 27 tỷ đồng, giảm gần một nửa từ 48 tỷ đồng đầu năm. Các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận 273 tỷ đồng, hàng tồn kho còn 516 tỷ đồng, giảm 19% so với số đầu năm. Tài sản cố định vẫn chiếm phần lớn trong cơ cấu tài sản với hơn 1.105 tỷ đồng. Ngoài ra, LSS có 355 tỷ đồng chi phí xây dựng cơ bản dở dang với các công trình như: Dự án khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (30 tỷ đồng), dự án công viên sinh thái tre luồng Tam Thanh (241 tỷ đồng). Được biết, 2 dự án có tổng mức đầu tư lớn này đều chậm tiến độ vì có nhiều vướng mắc.
Ngoài ra, LSS có nợ phải trả 756 tỷ đồng, giảm 18% so với đầu năm. Trong đó vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn giảm 109 tỷ đồng, xuống còn 473 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu ghi nhận 1.641 tỷ đồng, tăng 6 tỷ đồng.
CTCP Mía Đường Sơn La (HNX: SLS)
Trong quý I theo niên độ tài chính, SLS cũng ghi nhận doanh thu và lợi nhuận cải thiện so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 341 tỷ đồng, tăng 134% so với cùng kỳ năm tài chính trước. Trừ 238 tỷ đồng giá vốn, SLS thu về 103 tỷ đồng lợi nhuận gộp, tăng hơn 2 lần. Biên lãi gộp đạt 30%, giảm nhẹ 3% so với quý I/2021-2022. Sau thuế, công ty báo lãi 81 tỷ đồng, tăng mạnh 145%.
Những năm gần đây, Mía đường Sơn La thường đặt mục tiêu lợi nhuận ở mức thấp. Giai đoạn từ năm 2017 đến 2021, lợi nhuận sau thuế của công ty đều gấp trên hai lần kế hoạch cả năm, niên độ 2020 - 2021 ghi nhận gấp hơn 6 lần.
Niên độ 2022 - 2023, công ty đặt mục tiêu doanh thu xấp xỉ 1.111 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế ở mức hơn 75 tỷ đồng. Như vậy sau quý đầu niên độ, Mía đường Sơn La đã thực hiện được 31% kế hoạch doanh thu và vượt 8% kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên diễn ra tháng trước, lãnh đạo Mía đường Sơn La cho biết giá thành niên vụ năm nay chịu ảnh hưởng giá nguyên liệu đầu vào, giá vật tư, xăng dầu, phân bón và giá thu mua mía nguyên liệu tăng theo xu thế chung của thị trường. Trong quý đầu niên độ, giá vốn hàng bán của công ty đã gấp 2,4 lần cùng kỳ niên độ trước, chiếm 70% doanh thu bán hàng.
Tính đến cuối tháng 9, tổng tài sản của Mía đường Sơn La đạt 1.229 tỷ đồng, giảm khoảng 150 tỷ đồng so với đầu niên độ, trong đó tập trung phần lớn ở tài sản cố định với 573 tỷ đồng. Hàng tồn kho còn 235 tỷ đồng, chiếm khoảng 19% tổng tài sản và giảm một nửa sau 1 quý. Các khoản phải thu ngắn hạn ở mức 331 tỷ đồng cuối quý I theo năm tài chính.
Tổng nợ của SLS tính đến 30/9 là 488 tỷ đồng, giảm 21% từ đầu năm. Trong đó, nợ ngắn hạn chiếm 438 tỷ đồng. Vay và nợ thuê tài chính cả ngắn hạn và dài hạn là 379 tỷ đồng tại ngày, chiếm 87% tổng nợ phải trả. Trong quý đầu năm, công ty phải trả hơn 9 tỷ đồng cho chi phí lãi vay. Vốn chủ sở hữu cuối tháng 9 gần 741 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận chưa phân phối là 583 tỷ đồng.
CTCP Thành Thành Công - Biên Hòa (HOSE: SBT)
Là doanh nghiệp đầu ngành mía đường, SBT cũng ghi cho mình kết quả kinh doanh khả quan khi tận dụng được những lợi thế. Theo đó, SBT ghi nhận doanh thu thuần đạt 5.309 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ niên độ trước đó; giá vốn bán hàng ở mức 4.643 tỷ đồng nên lợi nhuận gộp thu về đạt 666 tỷ, tăng 34%; biên lãi gộp tăng từ 11,5% lên 12,5%.
Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính của công ty giảm 25% so với cùng kỳ trong khi chi phí tài chính tăng thêm 37 tỷ đồng so với cùng kỳ lên mức gần 340 tỷ đồng (bao gồm 232 tỷ đồng chi phí lãi vay). Hết quý I, SBT báo lãi trước thuế hơn 282 tỷ đồng, tăng 20 tỷ so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt gần 262 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ năm tài chính trước.
Quý I niên độ tài chính 2022-2023, sản phẩm đường đóng vai trò chủ lực trong cơ cấu doanh thu, chiếm tỷ trọng 90%. Công ty cho biết lợi nhuận trước thuế kỳ năm tăng so với cùng kỳ do giá bán đường, sản phẩm kinh doanh chủ lực đã tăng mạnh.
Chủ tịch SBT Huỳnh Bích Ngọc cho biết trong năm 2022-2023, Thành Thành Công - Biên Hòa sẽ tập trung mở rộng vùng nguyên liệu, phát triển ứng dụng công nghệ thông tin hướng đến mô hình kinh doanh kinh tế nông nghiệp thông minh tích hợp tại Việt Nam. "Vùng nguyên liệu là chìa khóa tạo sự khác biệt, nâng cao lợi thế cạnh tranh của SBT. Đây là sự sống còn của công ty. SBT làm nỗ lực đưa ra chương trình, chính sách đầu tư, quy trình trồng chuẩn theo điều kiện thổ nhưỡng tại các nơi đang làm. Để ngành mía đường phát triển bền vững và đứng vững trong quá trình hội nhập thì vùng nguyên liệu rất quan trọng bên cạnh yếu tố con người", bà Ngọc nhấn mạnh.
Với triển vọng lạc quan của ngành đường, Mirae Asset dự báo SBT sẽ tăng trưởng mạnh trong niên độ 2022-2023 với doanh thu thuần đạt 20.341 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ đạt 1.235 tỷ đồng, tương ứng tăng 11% và 51% so với niên độ vừa qua.
Tính tới ngày 30/09, tổng tài sản của SBT đạt gần 27.880 tỷ đồng, gần như không biến động so với cuối tháng 6/2022. Tiền và các khoản tương đương tiền gần 2.480 tỷ đồng, giảm nhẹ 3%; đầu tư tài chính ngắn hạn hơn 2.216 tỷ đồng, tăng 9%. Hàng tồn kho đạt gần 3.692 tỷ đồng, giảm 20%. Mức giảm đến từ thành phẩm giảm và hàng hóa lần lượt giảm 17% và 68%, đạt hơn 986 tỷ đồng và gần 470 tỷ đồng.
Nợ phải trả của SBT tại 30/9 đạt gần 17.945 tỷ đồng, đi ngang so với cuối niên độ trước. Vay nợ thuê ngắn hạn đạt hơn 8.734 tỷ đồng; phải trả ngắn hạn khác hơn 3,792 tỷ đồng, tăng 44%; vay nợ thuê dài hạn hơn 2.406 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu ghi nhận 9.935 tỷ đồng.
Tới cuối tháng 9/2022, SBT vay ngắn hạn của ngân hàng gần 7.960 tỷ đồng, trong đó nợ nhiều nhất là ngân hàng BIDV - Chi nhánh Gia Định với số tiền gần 1.091 tỷ đồng; ngân hàng OCB - Chi nhánh Đắk Lắk gần 561 tỷ đồng; ngân hàng MSB - Chi nhánh HCM hơn 488 tỷ đồng; ngân hàng VIB - Chi nhánh Đồng Nai gần 450 tỷ đồng… Đặc biệt, nhiều khoản vay ngắn hạn ngân hàng có kỳ hạn trả gốc vào giữa và cuối năm 2022.
Trong báo cáo cập nhật triển vọng ngành đường vừa công bố, SSI Research dự báo giá đường trong nước sẽ tăng lên mức 19.000-20.000 đồng/kg vào cuối năm 2022, tăng 10% so với giá đường hiện tại.
Bộ Công Thương mới đây đã chính thức áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với các sản phẩm đường mía từ 5 nước ASEAN gồm Indonesia, Malaysia, Campuchia, Lào, Myanmar. Thời gian triển khai từ ngày 8 tháng 8 năm 2022 đến ngày 15 tháng 6 năm 2026.
Do đó, kỳ vọng rằng các biện pháp mới nhất của Bộ Công Thương sẽ giúp tăng khả năng cạnh tranh của mặt hàng đường cũng như hoạt động sản xuất đường trong nước trong dài hạn, do các hạn chế nhập khẩu đường của Thái Lan và sự thiếu hụt nguồn cung ở Việt Nam.