Ngành nông nghiệp chuẩn bị đón đầu thị trường sau dịch bệnh
10:29 | 13/03/2020
Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Theo Bộ NN&PTNT, bên cạnh các giải pháp trước mắt thì ngành nông nghiệp cần chuẩn bị cả phương án, kịch bản nhằm cung cấp cho các thị trường hiện đang thiếu thụt cân đối lương thực, thực phẩm sau khi hết dịch COVID-19.
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) diễn ra chiều 12/3, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhận định, đây là một dịch bệnh nguy hiểm, mức độ lây lan rất nhanh, đang diễn biến hết sức phức tạp.
Cho đến nay, dịch bệnh đã lan ra 119 nước, trên tất cả các châu lục và hiện chưa có vacxin và chưa có thuốc đặc trị đối với loại dịch này. Đặc biệt, dịch COVID-19 gây thiệt hại không nhỏ đối với thị trường tiêu thụ nông sản của Việt Nam.
Báo cáo từ Bộ NN&PTNT cho hay, năm 2019, mặc dù khó khăn về thị trường, các mặt hàng nông sản giảm giá từ 10-15%, nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản vẫn đạt đạt 41,3 tỷ USD. Thặng dư thương mại toàn ngành ước đạt mức kỷ lục 10,4 tỷ USD, tăng 16,6% so với năm 2018.
Bước sang 2 tháng đầu năm 2020, mặc dù chịu tác động khá mạnh bởi dịch COVID-19 song nhờ một số biện pháp kịp thời nên kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản của Việt Nam chỉ giảm 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 5,34 tỷ USD. Kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng nông lâm thuỷ sản ước khoảng 4,3 tỷ USD, giảm 6,7% so với cùng kỳ năm 2019. Thặng dư thương mại 2 tháng đạt 1,02 tỷ USD, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, Bộ NN&PTNT cũng dự báo, trong những tháng tiếp theo dịch Covid-19 vẫn có diễn biến phức tạp, chưa dự báo được thời điểm kết thúc gây ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế thế giới. Chuỗi cung ứng toàn cầu gián đoạn do Trung Quốc là đối tác cung cấp hàng hóa đầu vào quan trọng với nhiều quốc gia và tập đoàn đa quốc gia trên thế giới.
Bên cạnh đó, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc có hạ nhiệt nhưng còn phức tạp; các yếu tố rủi ro địa chính trị; sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ đã tác động bất lợi tới hoạt động sản xuất, đầu tư và thương mại toàn cầu. Gia tăng căng thẳng thương mại và rủi ro, suy thoái kinh tế trên diện rộng ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động thương mại toàn cầu nói chung, thương mại nông sản nói riêng.
Do đó, trong những tháng còn lại của năm 2020, toàn ngành cần tập trung triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để đẩy mạnh sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản nhằm đảm bảo an ninh lương thực trong nước, tăng cường xuất khẩu, đạt được mục tiêu cao nhất mà Chính phủ giao.
Trong đó, Bộ NN&PTNT yêu cầu các Sở, đơn vị chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, địa phương có những điều chỉnh phù hợp về cơ cấu mùa vụ lúa cũng như rà soát xây dựng, phát triển các vùng sản xuất đối với sản phẩm xuất khẩu chủ lực, có tín hiệu thị trường thuận lợi như: Gạo, cây ăn quả, thanh long, sầu riêng, chanh leo,…; chú trọng yếu tố thị trường, đặc biệt là các thị trường lớn.
Ngoài ra, cần ưu tiên nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong bảo quản, chế biến. Khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường đầu tư đổi mới thiết bị, dây chuyền công nghệ tiên tiến, hiện đại và đồng bộ; nâng cao công suất chế biến, bảo quản trái cây; đa dạng hóa sản phẩm chế biến, tăng cường chế biến sâu.
Với các mặt hàng trọng điểm khác như sản phẩm chăn nuôi, thuỷ sản cũng áp dụng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi đồng thời đẩy nhanh tiến độ và quy mô tái đàn khôi phục đàn lợn nhằm ổn định thị trường và giá cả mặt hàng thịt lợn trong nước. Bên cạnh đó, tập quán của người Việt, bữa ăn thì đến 70% là thịt lợn. Qua dịch tả lợn châu Phi rồi, cần đưa ra giá bán phù hợp. 17 doanh nghiệp lớn về thịt lợn cần có vai trò dẫn dắt. Các doanh nghiệp lớn vào cuộc thì bắt buộc doanh nghiệp nhỏ lẻ phải theo. Đây chính là việc để bảo đảm phát triển bền vững, không thể làm ăn kiểu chụp giật.
Còn đối với mặt hàng thuỷ sản thì cần tập trung phát triển nuôi trồng thủy sản các đối tượng chủ lực (tôm sú, tôm chân trắng, cá tra) và các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao theo hướng nâng cao giá trị thương mại và phát triển bền vững. Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT cũng đưa ra giải pháp về mở rộng thị trường, chuẩn bị sẵn cả phương án, kịch bản nhu cầu nông sản, thủy sản của nhiều địa phương có dịch Covid-19 sẽ tăng cao sau khi hết dịch. Điển hình như thời gian qua, nhiều địa phương của Trung Quốc như tỉnh Hồ Bắc đã thực hiện nghiêm việc cách ly, nông dân không sản xuất trên đồng ruộng; dẫn đến thiếu thụt cân đối lương thực, thực phẩm và phải nhập khẩu.
Trước thực trạng thịt lợn tăng giá mạnh trong những ngày qua, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản 1895/VPCP-KTTHKTTH truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về tình hình giá thịt lợn.
Văn bản nêu rõ: Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Thông tin và Truyền thông nghiên cứu nội dung báo cáo và kiến nghị của Tổng cục Thống kê để phục vụ hoạt động tham mưu, chỉ đạo điều hành; bảo đảm sớm giảm giá thịt lợn theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì cùng Bộ Công Thương và các cơ quan chỉ đạo cung cấp đầy đủ số lượng, chất lượng, đảm bảo giá cả cho người dân, không được để tăng giá trong khi giá thành sản xuất thịt lợn thấp.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Tổng cục Thống kê chủ động cung cấp thông tin, đề xuất các giải pháp để bảo đảm kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2020 theo mục tiêu Quốc hội, Chính phủ giao và gửi Bộ Tài chính (cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá) để tổng hợp báo cáo chung và gửi các Bộ, cơ quan liên quan.