Ngành tôm đón phục hồi ngay cuối năm 2023

Trang Mai 11:42 | 24/11/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Giá tôm nhích dần từng ngày và những tín hiệu phục hồi từ cả thị trường lớn như Mỹ và nhỏ như Trung Quốc, Thuỵ Sỹ là dấu hiệu tích cực cho ngành 2 tháng cuối năm 2023.

Giá tôm nhích dần

Nhu cầu thị trường thấp, lạm phát, tồn kho tăng cao, người dân thắt chặt chi tiêu, xung đột ở Đông Âu và Trung Đông là những yếu tố ảnh hưởng không tốt tới xuất khẩu tôm của Việt Nam và xuất khẩu tôm toàn cầu trong năm nay. Bên cạnh đó, giá nguyên liệu và giá bán đều giảm, càng làm tăng thêm thách thức cho cả người nuôi và doanh nghiệp chế biến. Từ cuối quý III năm nay, giá tôm nguyên liệu trong nước đã có dấu hiệu nhích lên. Đây là tin vui cho bà con nông dân, tuy nhiên giá tăng chủ yếu do tác động cung-cầu trong nước, chứ chưa phản ánh được nhiều sự ấm lên từ các thị trường tiêu thụ.

Theo số liệu của WiGroup, giá tôm thẻ chân trắng có xu hướng tăng mạnh trong 4 tháng qua. Tính đến ngày 23/11, giá tôm thẻ chân trắng trung bình ở mức 98.700 đồng/kg, phục hồi 20% từ mức đáy ít nhất 2 năm thiết lập hồi tháng 7. Giá tôm sú có mức phục hồi chậm hơn trong cùng giai đoạn, khoảng 13% lên trung bình 176.000 đồng/kg. 

 Diễn biến giá tôm thẻ chân trắng trung bình trong 2 năm qua (Nguồn: WiGroup)

Chia sẻ với TTXVN mới đây, ông Tạ Hoàng Nhiệm, Chủ tịch Hiệp hội tôm tỉnh Bạc Liêu, cho biết giá tôm tăng là tín hiệu đáng mừng, đồng thời kỳ vọng thị trường cuối năm sẽ tiếp tục tăng do nhu cầu sử dụng lớn. Tuy vậy, đáng tiếc hiện nay nông dân không còn tôm để bán. Bởi nhiều hộ sợ thua lỗ nên treo ao hoặc thả nuôi ít, một số khác cắt bán tôm cỡ nhỏ để hạn chế thua lỗ.

Những tín hiệu từ thị trường cho thấy hoạt động tiêu thụ tôm đang dần có dấu hiệu cải thiện. Tháng 10, xuất khẩu tôm ghi nhận tăng trưởng dương ở các thị trường như Mỹ, Canada, Bỉ, Đài Loan (Trung Quốc), Thụy Sỹ. Các thị trường nhỏ như Đài Loan (Trung Quốc), Thụy Sỹ được đánh giá tốt khi sang 2 thị trường này tăng trưởng dương lần lượt 21% và 11% trong 10 tháng đầu năm nay.

 

Mỹ tiếp tục là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 21% trong tổng xuất khẩu. Kể từ tháng 7 năm nay, kim ngạch tôm sang Mỹ ghi nhận tăng trưởng dương 2 con số, liên tục đến tháng 10. Tuy nhiên, lũy kế 10 tháng đầu năm vẫn giảm 20% đạt 589 triệu USD do mức sụt giảm mạnh trong các tháng đầu năm. Mỹ là thị trường chính duy nhất ghi nhận tăng trưởng dương liên tục trong 4 tháng.

 

Số liệu nhập khẩu tôm của Mỹ từ các nguồn cung khác trên thế giới cũng ghi nhận kết quả tích cực hơn trong quý III. Theo dữ liệu của Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA), Mỹ nhập 70.727 tấn tôm trong tháng 9, trị giá 578,4 triệu USD, tăng 9% về lượng, giảm 2% về giá trị so với cùng kỳ năm trước (65.122 tấn, 593,5 triệu USD). Đây là tháng thứ 3 liên tiếp Mỹ ghi nhận nhập khẩu tôm tăng trưởng sau khoảng thời gian dài 13 tháng xuống dốc không phanh. Dù giá trung bình chỉ đạt 8,19 USD/kg, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2022 (9,11 USD/kg), nhưng khoảng cách giảm đã thu hẹp dần qua các tháng.

Tính chung 3 quý đầu năm, Mỹ nhập khẩu 575.538 tấn tôm, trị giá 4,7 tỷ USD, giảm 11% về lượng và 22% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Giá xuất khẩu trung bình của 9 tháng đầu năm đạt 8,25 USD/kg, giảm 12% so với cùng kỳ.

Tồn kho giảm, các chỉ số của nền kinh tế Mỹ đang tốt dần, nhu cầu cao hơn phục vụ đợt cuối năm, dự kiến 2 tháng cuối năm nay, xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường này vẫn ghi nhận tăng trưởng.

Kim ngạch tôm Việt Nam sang Trung Quốc & Hồng Kông (Trung Quốc) trong tháng 10 đạt 63 triệu USD, giảm 2% so với cùng kỳ. Trong 10 tháng của năm 2023, thị trường này ghi nhận tăng trưởng dương trong 3 tháng liên tục từ tháng 6 đến tháng 8, sau đó quay lại mức giảm trong tháng 9 và 10. Tuy vậy, mức độ sụt giảm không mạnh như những tháng đầu năm. Trung Quốc & Hồng Kông (Trung Quốc) là thị trường có mức sụt giảm thấp nhất trong số các thị trường nhập khẩu chính, với mức sụt giảm 5% đạt 517 triệu USD trong 10 tháng của năm 2023.

Nhu cầu của thị trường này không chỉ phụ thuộc tình hình tăng trưởng kinh tế, lượng tồn kho mà còn phụ thuộc nhiều vào nguồn cung từ Ecuador. Trong khi, xuất khẩu tôm của Ecuador sang Trung Quốc đang có xu hướng chững lại do giá giảm quá mạnh. Điều này có thể hỗ trợ cho tôm Việt Nam sang Trung Quốc & Hồng Kông (Trung Quốc) trong 2 tháng cuối năm nay lấy lại được đà tăng trưởng dương. Theo số liệu của ITC, nhập khẩu tôm của Trung Quốc trong 9 tháng đầu năm nay đạt 5,7 tỷ USD, tăng 3% so với cùng kỳ.

Theo đánh giá của Vasep, xuất khẩu tôm Việt Nam trong 2 tháng cuối năm nay vẫn chưa thể phục hồi tăng trưởng dương mặc dù mức sụt giảm sẽ có phần thu hẹp lại so với các tháng trước đó.

Thị trường sẽ thực sự bước vào giai đoạn hồi phục từ vào quý II/2024

Chia sẻ trên website của Vasep, Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Thực phẩm Sao Ta (Mã: FMC), một trong 5 nhà xuất khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam, cho rằng thị trường sẽ thực sự bước vào giai đoạn hồi phục từ vào quý II/2024 nhưng với tốc độ chậm. 

Tuy nhiên, theo ông, để kỳ vọng vào một cú phục hồi mạnh mẽ thì phải phụ thuộc rất nhiều vào sức bật của nền kinh tế thế giới và mức độ kìm chế lạm phát của các nước ra sao. Ngoài ra, tình hình căng thẳng địa chính trị tại các nước cần hạ nhiệt để nút thắt chuỗi cung ứng trong sản xuất cởi bỏ. 

“Nếu căng thẳng tiếp tục leo thang tình hình phục hồi tất cả ngành, không chỉ ngành tôm sẽ chậm lại thậm chí xấu đi”, ông Lực nhận định.

Nhu cầu được dự báo tăng trong khi nguồn cung thu hẹp tại các nước sản xuất tôm lớn là những nguyên nhân chính khiến giá tôm xuất khẩu và nguyên liệu được kỳ vọng tiếp tục tăng.

Đồng quan điểm, Công ty chứng khoán FPTS cũng nhận định rằng nguồn cung tôm từ các nước lớn như Việt Nam, Ecuador, Ấn Độ đều thu hẹp trong nửa đầu năm sau do trước đó người dân thu hẹp diện tích thả nuôi vì thua lỗ. Trong khi đó, nhu cầu tôm được dự báo sẽ bắt đầu phục hồi từ quý II/2024.

Một số giải pháp cho ngành tôm Việt

Không chỉ là những thách thức từ thị trường nhập khẩu, các đối thủ của tôm Việt cũng đang dần cạnh tranh với lợi thế của chúng ta là tôm giá trị gia tăng, chế biến sâu trong bối cảnh giá tôm sơ chế của họ đã giảm quá sâu. 

Theo Undercurrent News, gã khổng lồ ngành tôm của Ecuador, Sociedad Nacional de Galapagos (Songa), đang tăng cường đầu tư cho dây chuyền sản xuất tôm chế biến giá trị gia tăng cao. 

Một giám đốc điều hành của Songa cho biết với dây chuyền mới sẽ cho phép công ty tăng đáng kể sản lượng tôm nấu chín và bóc vỏ. “Hiện tại công suất chế biến ở mức 91 tấn tôm thẻ chân trắng nguyên liệu/ngày. Chúng tôi sẽ từ từ nâng công suất”, ông nói. 

Vị này cho biết thêm thị trường mục tiêu chính của họ là châu Âu và Mỹ. Tuy nhiên, các thị trường khác ở châu Á như Trung Quốc cũng rất tiềm năng đối với phân khúc chế biến này. “Chúng tôi đang cố gắng đa dạng hoá sản phẩm. Bán trực tiếp tôm nguyên liệu vẫn là chiến lược quan trọng vì đó là hướng đi tốt nhất có lợi cho nông dân. Tuy nhiên, mức giá hiện tại rất thấp và điều đó sẽ thay đổi".

Đánh giá về mức độ cạnh tranh từ Ecuador, Chủ tịch Sao Ta cho rằng không quá đáng ngại vì trình độ chế biến của Ecuador vẫn còn cách khá xa so với Việt Nam. Vấn đề về công nghệ có thể đầu tư tuy nhiên, chất lượng sản phẩm đầu ra còn phụ thuộc nhiều vào kinh nghiệm của các nhà máy. 

Nhìn lại thực trạng của ngành, tỷ lệ nuôi tôm của chúng ta thấp nhất, chỉ đạt khoảng 40%. Trong khi ở Ấn Độ, tỉ lệ này gấp rưỡi và nổi tiếng nhất, tôm Ecuador đạt tỷ lệ này gấp đôi so với Việt Nam. 

Đề xuất các giải pháp, ông Lực cho rằng liên kết ngành hàng là giải pháp hết sức căn cơ để duy trì tính ổn định, bền vững; để tăng sức cạnh tranh ngành hàng, không chỉ riêng cho ngành tôm. Thứ hai là nên coi trọng công tác thị trường. Cùng với đó là sự nỗ lực của từng mắt xích chuỗi giá trị con tôm, bao gồm cả chế biến, nuôi trồng, con giống, thức ăn,...

“Đứng trước thách thức quá lớn trước mắt, đáng nêu ra là giá tiêu thụ thấp và tỷ lệ nuôi thành công thấp, ngành tôm cần có tâm thế ứng xử sao kịp thời và hiệu quả. Đó là điều không dễ, cần sự chung tay của tất cả cộng đồng tham gia chuỗi ngành hàng phối hợp cùng cơ quan chức năng liên quan. Qua năm 2024 khó khăn kéo dài và chưa có dấu hiệu suy giảm cường độ, thì sự chuẩn bị ứng xử ngay từ bây giờ càng thêm cấp thiết”, Chủ tịch Sao Ta đánh giá.