Mỹ nhận đơn đề nghị điều tra chống bán phá giá, thách thức lại đến với ngành tôm Việt Nam?

Trang Mai 15:42 | 07/11/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Mới đây, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết đã nhận được thông tin về việc Bộ Thương mại Mỹ (DOC) tiếp nhận đơn đề nghị điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với sản phẩm tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu từ một số nước, trong đó có Việt Nam.

Hiệp hội Chế biến Thủy sản Mỹ (ASPA) mới đây đã nộp đơn lên Bộ Thương mại (DOC) khởi kiện chống bán phá giá với tôm từ Ecuador và Indonesia; đồng thời cũng khởi kiện chống trợ cấp (CVD) với tôm từ Ecuador, Indonesia, Ấn Độ và Việt Nam.

 Việt Nam là một trong số các quốc gia bị đề nghị điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với sản phẩm tôm nước ấm đông lạnh. Ảnh: TTXVN

Thông tin về vụ việc, Cục Phòng vệ thương mại cho biết, Việt Nam bị điều tra chống trợ cấp do đang bị Hoa Kỳ áp thuế chống bán phá giá từ năm 2004 đến nay.

Thời kỳ điều tra trợ cấp là năm 2022; thời kỳ điều tra thiệt hại từ năm 2020 đến nửa đầu năm 2023. Nguyên đơn cáo buộc rằng sản phẩm tôm nước ấm đông lạnh và tôm tươi nhập khẩu từ Việt Nam đang nhận được một loạt các chương trình trợ cấp, gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất tôm nội địa của Hoa Kỳ.

Theo số liệu của Ủy ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ (ITC), năm 2022, Việt Nam xuất khẩu khoảng 645 triệu USD sản phẩm bị cáo buộc sang Hoa Kỳ, chiếm khoảng 10% tổng thị phần xuất khẩu tôm vào Hoa Kỳ.

Theo quy định của Hoa Kỳ, quy trình thủ tục vụ việc điều tra chống trợ cấp diễn ra như sau: Chính phủ nước bị điều tra (Việt Nam) tham vấn với Bộ Thương mại Hoa Kỳ về Đơn đề nghị điều tra; Bộ Thương mại Hoa Kỳ có 20 ngày để xem xét Đơn đề nghị điều tra và ban hành quyết định khởi xướng/hay không khởi xướng điều tra, dự kiến ngày 14/11/2023. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt, số lượng ngày có thể được gia hạn lên tổng số 40 ngày.

 

Cơ hội hay thách thức với doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam?

Theo số liệu từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (Vasep), suất khẩu tôm Việt sang thị trường Mỹ tiếp tục xu hướng tăng trưởng dương trong tháng 9, và là tháng thứ 3 liên tiếp tăng. Mức tăng trưởng 23% trong tháng 9 cũng là mức cao nhất so với 2 tháng trước đó. Tuy nhiên, nếu tính chung 9 tháng, tổng trị giá xuất khẩu sang Mỹ đạt 520 triệu USD, giảm 23% so với cùng kỳ.

 

 

Số liệu cũng cho thấy, nhập khẩu tôm vào Mỹ thời gian qua có xu hướng tăng theo từng tháng. Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là chi tiêu tiêu dùng của nước này đang ổn định hơn. Các dự báo về tăng trưởng kinh tế Mỹ cũng khá khả quan khi Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nâng mức tăng trưởng của họ thêm 0,3 điểm phần trăm năm nay và 0,5 điểm phần trăm cho năm sau.

Trao đổi với báo chí, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Thực phẩm Sao Ta (mã: FMC) cho biết trong những lần tôm Việt Nam bị khởi kiện CVD trước đây, bối cảnh còn nhiều yếu tố phức tạp trong chứng minh Việt Nam đã và đang hình thành nền kinh tế thị trường. Tình hình hiện tại đã khác. Việt Nam được rất nhiều nước lớn công nhận điều này và tính minh bạch trong hoạt động kinh tế, tài chính ngày càng rõ nét.

Bên cạnh đó, giá tôm Việt Nam cao hơn hẳn so với các nước khác. Do vậy, ông Lực cho rằng “CVD sẽ có kết quả ổn thỏa”.

Tuy nhiên, theo ông Lực, giá bán tôm các bị đơn này rất thấp, dẫn tới mức thuế sẽ là con số không nhỏ. “Giả sử tôm Ecuador bị thuế chỉ khoảng 30% và tôm Indonesia khoảng 10% (tương đương bằng 1/3 so với ước tính biên độ phá giá của ASPA đề cập trong đơn kiện), mức thuế sẽ gây lỗ lớn cho các doanh nghiệp tôm hai nước này nếu còn theo đuổi thị trường Hoa Kỳ. Trong thực tế, tỷ suất lợi nhuận ngành tôm dưới 5%”, ông nói.

Để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị hiệp hội hỗ trợ thông báo đến các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm bị cáo buộc để chuẩn bị kế hoạch ứng phó, xử lý vụ việc trong trường hợp Bộ Thương mại Hoa Kỳ khởi xướng điều tra.

Đối với các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu sản phẩm liên quan: Rà soát các chương trình/chính sách hỗ trợ nhận được (nếu có) trong giai đoạn điều tra, chuẩn bị trước các hồ sơ, sổ sách chứng từ liên quan. Xác định trước chiến lược tham gia, xử lý vụ việc trong trường hợp Bộ Thương mại Hoa Kỳ khởi xướng điều tra; chủ động nghiên cứu, nắm vững quy định, thủ tục điều tra chống trợ cấp của Hoa Kỳ, các yêu cầu cung cấp thông tin của Bộ Thương mại Hoa Kỳ để tuân thủ đúng trong trường hợp tham gia vụ việc; dự trù, chuẩn bị trước nguồn lực cho việc xử lý vụ việc.

Đồng thời, các doanh nghiệp cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của vụ việc bằng cách đăng ký tài khoản tại Cổng thông tin điện tử về phòng vệ thương mại của Bộ Thương mại Hoa Kỳ - ACCESS nhằm cập nhật thông tin và nộp các văn bản, tài liệu liên quan (khi cần thiết) tới cơ quan điều tra Hoa Kỳ; phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội và Cục Phòng vệ thương mại trong suốt quá trình của vụ việc.