Trung Quốc vượt Mỹ trở thành thị trường nhập khẩu thủy sản số 1: Doanh nghiệp Việt đang thay đổi chiến lược

Trang Mai 12:46 | 18/07/2025 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Khi Trung Quốc vượt Mỹ trở thành thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam, các doanh nghiệp tôm đang dần chuyển hướng chiến lược. Trong bối cảnh thị trường Mỹ ngày càng bất định vì thuế quan, Trung Quốc nổi lên như điểm đến tiềm năng nhờ dân số lớn, nhu cầu tiêu thụ tăng và vị trí địa lý thuận lợi. Tuy nhiên, để thâm nhập sâu, doanh nghiệp Việt cần thích ứng với những đặc thù trong thói quen tiêu dùng và mô hình phân phối của nước bạn.

Trung Quốc lên ngôi thị trường số 1 của thủy sản Việt Nam‏

‏Theo số liệu từ Cục Hải quan, trong tháng 6, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt hơn 906 triệu USD, tăng 8% so với tháng 6/2024. Lũy kế nửa đầu năm nay, xuất khẩu nhóm mặt hàng thế mạnh này của nước ta đạt 5,11 tỷ USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm 2024.‏

‏Số liệu thống kê cũng cho thấy, với kim ngạch đạt hơn 1 tỷ USD, tăng 47,9% so với cùng kỳ năm trước, Trung Quốc đã vượt Mỹ trở thành thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam.‏

‏Theo ‏‏Gorjan Nikolik từ Rabobank, Trung Quốc – từng là một trong những quốc gia xuất khẩu thủy sản lớn nhất dự kiến sẽ thâm hụt thương mại thủy sản tới 10 tỷ USD vào năm 2030. ‏

‏Cụ thể, với tỷ lệ sinh giảm mạnh: từ hơn 6 trẻ/phụ nữ vào những năm 1960 xuống chỉ còn 1,09 trẻ/người phụ nữ hiện nay, Trung Quốc đang đối diện với tình trạng suy giảm dân số lao động. Tuổi trung bình của quốc gia này dự kiến sẽ tăng từ 29 vào năm 2000 lên 52 vào năm 2050, trong khi dân số trên 60 tuổi có thể đạt 510 triệu người, tương đương với toàn bộ dân số châu Âu và Anh quốc cộng lại.‏

‏Quá trình đô thị hóa liên tục, với dân số đô thị dự kiến tăng từ 550 triệu lên 1,1 tỷ người vào năm 2050, làm giảm số lao động nông thôn, gây khan hiếm nhân công trong ngành thủy sản. Cùng lúc đó, nhu cầu tiêu thụ thủy sản dự kiến vẫn tăng nhờ yếu tố đô thị hóa và xu hướng tiêu dùng thực phẩm lành mạnh.‏

‏Ba nguồn cung lớn nhất là đánh bắt, nuôi cá chép và nhuyễn thể chiếm hơn 50 triệu tấn thủy sản mỗi năm, nhưng đang đối diện sự suy giảm do cạn kiệt nguồn lực và thiếu lao động. Dù nuôi trồng thủy sản có giá trị cao có thể tăng trưởng, nhưng vấn đề phụ thuộc vào nhập khẩu bột cá và đậu nành sẽ hạn chế tiềm năng phát triển. Do đó, nhập khẩu thủy sản sẽ tăng mạnh, với mức thâm hụt 10 tỷ USD vào năm 2030.‏

‏Đồng thời, Trung Quốc đang mở rộng quan hệ thương mại với các quốc gia Ấn Độ, Việt Nam, Ecuador và Indonesia để tăng cường ảnh hướng địa chính trị.‏

‏Tiêu thụ thủy sản của Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng, nhưng sản xuất đối diện thách thức. Trung Quốc sẽ tăng cường nhập khẩu từ Đông Nam Á, Châu Phi và Châu Mỹ Latinh để mở rộng ảnh hướng địa chính trị.‏

‏Đây có thể là một trong những nguyên nhân để Trung Quốc tăng cường nhập khẩu thuỷ sản Việt Nam, đặt biệt là mặt hàng tôm. ‏‏Đơn cử, trong tháng 1 năm nay, quốc gia tỷ dân này đã chi ra 70 triệu USD (khoảng 1.800 tỷ đồng) để mua tôm hùm Việt Nam, gấp 9 lần so với cùng kỳ năm 2024. Xuất khẩu cua sang Trung Quốc trong tháng 1 cũng tăng gấp 18 lần, lên tới 18,5 triệu USD.‏

Ảnh:‏Gorjan Nikolik.

Với kim ngạch 898 triệu USD trong nửa đầu năm nay, Mỹ từ thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất đã tụt xuống vị trí thứ hai (chiếm 17,56% kim ngạch xuất khẩu toàn ngành thủy sản), xếp sau Trung Quốc (chiếm 19,64%).‏

Ảnh: Vasep. 

‏VASEP nhìn nhận, đây là hệ quả tất yếu của chính sách thuế quan thiếu ổn định từ Mỹ. ‏‏Những thay đổi chóng mặt này tạo ra một môi trường thương mại bất định chưa từng có, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc lập kế hoạch sản xuất – kinh doanh, ký kết hợp đồng và giao hàng của các doanh nghiệp cả ở Mỹ lẫn các nước xuất khẩu.‏

‏Việc áp – hoãn – thay đổi thuế liên tục khiến các nhà nhập khẩu Mỹ rơi vào trạng thái “ngồi trên đống lửa” vì không thể xác định được chi phí nhập hàng. Trong khi đó, các nhà XK Việt Nam cũng gặp khó trong việc điều chỉnh giá, thời điểm giao hàng và lên kế hoạch đơn hàng dài hạn.‏

‏Với ngành hàng chịu ảnh hưởng lớn bởi mùa vụ và chi phí logistics như thủy sản, tình trạng bất ổn thương mại sẽ càng làm tăng rủi ro tài chính và kéo theo những hệ lụy dây chuyền từ vùng nuôi, chế biến đến vận tải và thanh toán.‏

‏Doanh nghiệp định hình lại chiến lược để thích ứng‏

‏Việc chuyển hướng thị trường cũng đã được các doanh nghiệp thuỷ sản nhắc tới trong các cuộc họp đại hội đồng cổ đông từ đầu năm - thời điểm mức thuế đối ứng 46% được công bố. ‏

‏Trước sự quan tâm của cổ đông, ông Nguyễn Quang, Tổng giám đốc ‏‏CTCP Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú (mã: MPC)‏‏ cho biết, hoạt động xuất khẩu của MPC sang Mỹ không còn đáng kể như trước do Ecuador, Ấn Độ đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này. Các nước này bán bất chấp giá, Ecuador thậm chí còn bán lỗ.‏

‏Do đó, Minh Phú chủ trương sẽ bán vào thị trường Mỹ với 20% sản lượng. Đồng thời, chuyển hướng sang Trung Quốc, là đất nước có hơn 1 tỷ dân, sức tiêu thụ rất lớn, lại có biên giới với Việt Nam giúp tránh những rủi ro về vận chuyển đường dài trên biển.‏

‏Minh Phú định hướng để tăng bán hàng vào thị trường tiềm năng Trung Quốc lên 10%, sau đó là 20% và cao hơn trong tương lai.‏

‏Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Thực phẩm Sao Ta (mã: FMC) cũng thẳng thắn chia sẻ, hoạt động xuất khẩu tôm của công ty nói riêng, của toàn ngành tôm Việt Nam nói chung đang đối mặt nhiều thách thức trước các thay đổi về chính sách thuế quan, rủi ro tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại, sức ép cạnh tranh từ các quốc gia đối thủ.‏

‏Năm nay, FMC sẽ đẩy mạnh chiến lược đa dạng hoá thị trường, chuyển hướng sang một số thị trường tiềm năng. Hiện công ty đang tập trung khai thác thị trường Canada, Úc và Hàn Quốc. Mặc dù đây là những thị trường có tiêu chuẩn khắt khe hàng đầu thế giới nhưng tự tin đáp ứng được nhờ có vùng nuôi tốt, sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng cũng như thị hiếu người dùng.‏

‏Với thị trường Trung Quốc, ông Hồ Quốc Lực đánh giá đây là thị trường có tiềm năng lớn hàng đầu nhưng có nhiều đặc thù kinh doanh. Trong đó, các doanh nghiệp Trung Quốc đang chủ yếu nhập tôm nguyên liệu từ Ecuador, Ấn Độ để tự chế biến lại theo khẩu vị nội địa, thay vì mua sản phẩm chế biến sẵn.‏

‏Công ty đang thăm dò, xây dựng quan hệ và đã có một số hợp đồng ban đầu với hệ thống nhà hàng Nhật tại Trung Quốc, Chủ tịch FMC tiết lộ.‏