Nghệ An: Người nông dân xót xa nhìn rau được mùa nhưng bị mất giá
Sau tết Nguyên Đán, nhiều huyện ở Nghệ An đang vào vụ thu hoạch rau màu. Rau được mùa nhưng lại rớt giá thê thảm, không có người thu mua khiến nông dân phải vứt bỏ.
Đi dọc tuyến đê biển xã Quỳnh Liên (TX. Hoàng Mai, Nghệ An), hàng chục ha hoa màu (cây su su) chín trắng ruộng, cùng với đó cánh đồng rau ở nhiều xã của huyện Quỳnh Lưu cũng vào mùa vụ thu hoạch và đạt năng suất cao. Tuy nhiên, chưa kịp vui vì rau được mùa thì giá thu mua lại rớt thê thảm, nhiều cánh đồng không có thương lái đến mua.
Su Su được mùa nhưng mất giá
Giá rẻ, không có người mua nên một số hộ dân để cho su su rụng đầy vườn hoặc hái tập trung lại một đống để làm phân bón. Ngồi nhìn vườn su su rụng kín mặt đất, chị Nguyễn Thị Vân (trú xã Quỳnh Liên, TX. Hoàng Mai, Nghệ An) cho biết, năm nay chị trồng 13 sào su su. Những năm trước, ruộng của chị thu hoạch và bán với giá 2000 đồng/1kg và thu về hơn 100 triệu đồng. Năm nay ruộng su su được mùa, sai trĩu quả nhưng chẳng ai đến mua. Do su su chín đồng loạt nên một số rụng kín mặt đất.
Tất cả rau đều được mùa nhưng không ai đến mua
Chị Vân phải thuê người hái để giữ giàn leo cho mùa vụ sau. Số su su hái được, chị Vân tập trung lại thành đống để làm phân. Không chỉ có su su, nhiều loại rau khác ở các huyện khác của Nghệ An cũng rơi vào tình cảnh tương tự "được mùa mất giá".
Người dân đành bỏ rau hỏng trên đồng rồi vứt bỏ
Đứng ở đầu ruộng rau, bà Hồ Thị Ngọ (trú xã Quỳnh Lương) cho biết, vụ này gia đình bà trồng hơn 3 sào rau với nhiều loại như cải bắp, rau cúc, hành hoa, cà chua, su hào. Tất cả rau đều được mùa nhưng không ai đến muam, chủ yếu cải bắp, rau cúc, hành hoa, cà chua, su hào, đều được mùa. "Những năm trước tôi bán 4.000-6.000 đồng/kg cải bắp, bình quân thu được 7 triệu đồng/sào. Năm nay giá chỉ 300-500 đồng/kg nhưng người mua cũng ít. Bán cả xe rau cao ngút mà được hơn 100.000 đồng, chưa đủ tiền công thuê hái. Không ai mua nữa nên tôi phải nhổ rau vứt bỏ", bà Ngọ chia sẻ.
Ở cánh đồng rau xã Quỳnh Minh (Quỳnh Lưu), nhiều hộ dân cũng đang tất bất hái rau nhưng không phải mang đi bán mà để đi vứt bỏ. Nhiều hộ nuôi lợn, bò có thể tận dụng rau mang về làm thức ăn. Tình trạng rau xanh được mùa, mất giá cũng diễn ra tại hàng nghìn hộ dân ở các huyện đồng bằng khác như Diễn Châu, Hưng Nguyên, Nghi Lộc.
Nhiều hộ dân cũng đang tất bất hái rau nhưng không phải mang đi bán mà để đi vứt bỏ
Liên quan đến sự việc này, ông Phan Xuân Vinh - Phó chủ tịch huyện Diễn Châu cho biết, huyện này có 2.000 ha trồng rau xanh, ước tình có hàng nghìn tấn nông sản đang ế ẩm. Trước tình trạng rau xanh ế ẩm, cơ quan chức năng huyện Diễn Châu đang tính tổ chức các chuyến xe vận chuyển rau xanh từ địa phương đi các huyện khác trong và ngoại tỉnh để bán giúp người dân thu lại tiền vốn trồng.
Huy Hùng - Cẩm Kỳ
Xem thêm: Hải Dương xuất khẩu khoảng 9.500 tấn vải tươi sang các thị trường ngoại