TP Vinh mở rộng gấp đôi, cơ hội 'vàng' cho doanh nghiệp bất động sản

Đông Bắc 14:21 | 12/01/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Sắp tới đây, TP Vinh dự kiến mở rộng gấp đôi khi “ôm trọn” cả Cửa Lò và 9 xã của huyện Nghi Lộc. Điều này tạo điều kiện cho tỉnh Nghệ An thu hút thêm nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là các "ông lớn" bất động sản.

 

TP Vinh được đánh giá là trung tâm kinh tế văn hóa lớn nhất khu vực Bắc Trung Bộ và là đầu mối quan trọng trong cửa ngõ kinh tế giữa Myanmar - Thái Lan - Lào - Việt Nam. Năm 2008, TP Vinh trở thành đô thị loại I thứ 4 của Việt Nam sau Hải Phòng, Đà Nẵng và Huế. Sắp tới đây, thành phố Vinh dự kiến mở rộng gấp đôi khi “ôm trọn” cả Cửa Lò và 9 xã của huyện Nghi Lộc.

Theo quyết định 827/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ, đến năm 2023 sẽ xây dựng TP Vinh trở thành trung tâm thương mại của vùng Bắc Trung Bộ với chức năng đầu mối xuất, nhập khẩu, tập kết, trung chuyển, phân phối, vận chuyển hàng hóa và dịch vụ; là trung tâm xúc tiến, giao dịch thương mại và các dịch vụ khác theo quy hoạch.

Với việc mở rộng và định hướng phát triển mạnh mẽ, phát triển các trung tâm mới mở rộng sẽ là xu thế tất yếu của TP Vinh trong những năm tới. Với lợi thế vượt trội về không gian và hạ tầng, “thành phố mới” có thể san sẻ hiệu quả áp lực dân số cho vùng lõi, hình thành môi trường sống cao cấp cho người dân Vinh.

 TP Vinh sẽ mở rộng gấp đôi diện tích hiện tại. Ảnh Reatimes.

Hồi tháng 8/2022, trên cơ sở phân tích, đánh giá, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đã thống nhất phương án mở rộng TP Vinh với việc sáp nhập thêm 6 xã, gồm các xã: Nghi Thạch, Nghi Xuân, Nghi Phong, Phúc Thọ, Nghi Thái, Khánh Hợp thuộc huyện Nghi Lộc và toàn bộ thị xã Cửa Lò vào địa giới hành chính, không gian đô thị TP Vinh để tiến hành các bước tiếp theo, trình các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Thị xã Cửa Lò hiện có 7 đơn vị hành chính cấp xã, với tổng diện tích tự nhiên là 29,12 km2, số dân trên 57.445 người. Đối với 6 xã thuộc huyện Nghi Lộc được lựa chọn sáp nhập, có tổng diện tích tự nhiên trên 39,27 km2, với số dân trên 45.8787 người.

Đây là phương án được xem là phù hợp nhất với quy hoạch chung của TP Vinh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 52/QĐ-TTg. Đồng thời, theo nhận định, đánh giá thì số lượng đơn vị hành chính cấp huyện, xã ảnh hưởng ít, số lượng cán bộ công chức dôi dư sau sáp nhập cũng ít nhất. Đặc biệt là liên quan trung tâm hành chính của huyện Nghi Lộc, sau sáp nhập sẽ không phải di dời, giảm đầu tư các công trình, hạ tầng.

Ông Trần Ngọc Tú, Chủ tịch UBND TP Vinh chia sẻ trên Báo Đầu tư: “TP Vinh đang nâng cấp, cải thiện hệ thống kết cấu hạ tầng bằng cách tập trung ngân sách để đầu tư; kêu gọi, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp và các cụm công nghiệp trên địa bàn, đồng thời triển khai kế hoạch chỉnh trang đô thị, xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật - xã hội gắn với các giải pháp huy động nguồn lực để thực hiện, phát triển đô thị theo hướng văn minh, hiện đại”.

Nhiều "ông lớn" bất động sản cập bến TP Vinh

Trong định hướng phát triển Vinh trở thành trung tâm kinh tế Bắc Trung Bộ, thành phố này sẽ được mở rộng lên hơn gấp đôi hiện tại và điều này sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, gia tăng thu hút số lượng lao động, chuyên gia chất lượng cao trong và ngoài nước đến đây sinh sống, làm việc. Từ đó kéo theo nhu cầu lớn về nhà ở, bất động sản thương mại, nghỉ dưỡng…

Hiện đã có những "ông lớn" bất động sản hiện diện ở TP Vinh như: Tập đoàn Vingroup với dự án Vincom Shophouse; Lotte Việt Nam với Trung tâm thương mại Vinh; CTCP Hóa dầu Quân đội với Khu đô thị Vinh Heritage; Liên danh CTCP Eurowindow Holding và CTCP Xây dựng và Quản lý dự án số 1 với khu đô thị mới tại phường Đông Vĩnh và phường Cửa Nam…

Mới đây, tại xã Hưng Hòa, Nhà sáng lập Ecopark ra mắt tổ hợp khu đô thị sinh thái khép kín gần 200 ha - dự án đô thị lớn nhất TP Vinh. Đây được xem là một trong những cú hích lớn nhất đối với thị trường BĐS tại Nghệ An.

 Đại lộ Vinh - Cửa Lò khi hoàn thành sẽ là điểm nhấn quan trọng giúp thị trường bất động sản khu vực Vinh - Cửa Lò sôi động. Ảnh Reatimes.

Thời gian tới, thị trường Vinh nói riêng và Nghệ An nói chung vẫn là nơi đầu tư tốt bởi địa phương nhận được nhiều chính sách ưu ái cũng như tiếp tục đẩy mạnh đầu tư hạ tầng để trở thành trung tâm kinh tế của vùng Bắc Trung Bộ. Sự phát triển các khu công nghiệp, sự hiện diện mạnh mẽ của các công ty, tập đoàn sản xuất trong và ngoài nước sẽ tiếp tục thúc đẩy nguồn cầu các loại hình BĐS ở địa phương này. Trong giai đoạn tiếp theo, dự báo giá BĐS nơi đây sẽ có tốc độ tăng nhanh.

 Nghệ An dự kiến thu hút từ 100 - 120 dự án đầu tư

Năm 2023, tỉnh Nghệ An phấn đấu thu hút từ 100 - 120 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký khoảng 32.000 - 35.000 tỷ đồng; trong đó, vốn FDI khoảng 500 - 600 triệu USD.

Giải pháp được tỉnh đề ra là đổi mới xúc tiến đầu tư, đa dạng hóa hình thức thực hiện, tăng cường các hoạt động hợp tác, xúc tiến trực tiếp với các đối tác tiềm năng trong và ngoài nước; hệ thống hóa cơ sở dữ liệu về xúc tiến đầu tư và chuyên nghiệp hóa các ấn phẩm, tài liệu xúc tiến đầu tư theo chuẩn quốc tế để tạo điểm nhấn quảng bá, giới thiệu đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Cùng với đó rà soát, cập nhật và công khai danh mục dự án kêu gọi đầu tư năm 2023 nói riêng và giai đoạn 2020 - 2025 nói chung gắn với xây dựng và đề xuất mới danh mục các dự án nằm trong quy hoạch và định hướng phát triển của tỉnh để kêu gọi đầu tư.

Ngoài ra, tỉnh sẽ đẩy mạnh hơn việc cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục đầu tư; hoàn thiện và ban hành sổ tay hướng dẫn quy trình, thủ tục đầu tư trên địa bàn tỉnh Nghệ An; hoàn thành quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn năm 2050 bảo đảm chất lượng và tiến độ đề ra.