Nghị quyết 68 thúc đẩy nhiều dịch chuyển trên thị trường tài chính

Thùy Dung 16:01 | 11/07/2025 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị ra đời ngày 5/4/2025 với kỳ vọng lớn lao đưa khu vực kinh tế tư nhân trở thành “một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế”. Đó không chỉ là trách nhiệm mà Đảng và Nhà nước đặt lên vai khu vực kinh tế tư nhân trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, mà còn là lời hiệu triệu toàn bộ nền kinh tế, bao gồm hệ thống tài chính ngân hàng, đồng hành và hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa cho kinh tế tư nhân.

 

 

Ngành ngân hàng trước yêu cầu chuyển dịch cơ cấu tín dụng

Một trong những tinh thần trọng tâm của Nghị quyết 68, theo đánh giá của các chuyên gia, là việc khơi thông nguồn lực cho kinh tế tư nhân, trong đó bao gồm nguồn lực vốn. Trong số các nhóm nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế tư nhân được đề cập tại Nghị quyết, đáng chú ý là nhóm giải pháp về đẩy mạnh và đa dạng hóa nguồn vốn cho kinh tế tư nhân với nhiều nội dung được kỳ vọng sẽ tác động nhất định đến chiến lược kinh doanh và phát triển của ngành ngân hàng trong giai đoạn tới. 

Cụ thể, một trong những yêu cầu được nêu ra tại Nghị quyết 68 là rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách tín dụng cho kinh tế tư nhân, “có chính sách ưu tiên một phần tín dụng thương mại để dành cho doanh nghiệp tư nhân, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo hay vay để đầu tư máy móc thiết bị công nghệ mới, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, tín dụng xuất khẩu, tín dụng theo chuỗi cung ứng…” 

Tăng cường tín dụng và khả năng tiếp cận tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa là nội dung thường xuyên được thảo luận trong những năm gần đây, tuy nhiên kết quả thực hiện đến nay vẫn chưa thực sự như kỳ vọng. Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối năm 2024, dư nợ tín dụng dành cho doanh nghiệp tư nhân ước đạt khoảng 6,91 triệu tỷ, tăng 14,72% so với thời điểm cuối năm 2023 và chiếm khoảng 44% dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế. Trong đó, chỉ 2,74 triệu tỷ đồng (tức khoảng 17,6% dư nợ toàn nền kinh tế và khoảng 39,7% dư nợ dành cho doanh nghiệp tư nhân) là hướng vào nhóm các doanh nghiệp nhỏ và vừa, mặc dù con số này đã tăng 10,7% so với cuối năm 2023. 

Do vậy, tinh thần “ưu tiên một phần tín dụng thương mại để dành cho doanh nghiệp tư nhân, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa…” từ Nghị quyết 68 có thể thúc đẩy sự dịch chuyển cơ cấu tín dụng ngành ngân hàng trong giai đoạn tiếp theo, khi đặt các ngân hàng trước yêu cầu mở rộng dư địa tín dụng dành cho nhóm doanh nghiệp này.

Chính sách cho vay và khẩu vị rủi ro của các ngân hàng cũng được kỳ vọng có những biến chuyển nhất định khi Nghị quyết 68 khuyến khích các tổ chức tài chính, tín dụng cho vay dựa trên cơ sở thẩm định phương thức sản xuất kinh doanh, phương án mở rộng thị trường đầu ra, cho vay dựa trên dữ liệu, dòng tiền, chuỗi giá trị, xem xét các tài sản bảo đảm bao gồm cả động sản, tài sản vô hình, tài sản hình thành trong tương lai và hình thức cho vay tín chấp. 

Đi kèm với đó, Nghị quyết nhấn mạnh yêu cầu cấp thiết với các tổ chức tín dụng, quỹ tài chính và tổ chức xếp hạng tín dụng thứ ba là phải phát triển hơn nữa việc đánh giá mức độ tín nhiệm, chấm điểm tín dụng doanh nghiệp nhằm mục đích tăng cường cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa. Với yêu cầu cụ thể như vậy, các ngân hàng sẽ đứng trước sức ép tăng cường đầu tư vào các mô hình chấm điểm tín dụng phi tài sản thế chấp; ứng dụng các công nghệ hiện đại như AI, big data…vào xử lý dữ liệu và chấm điểm tín dụng khách hàng. 

TS. Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội nhận định các giải pháp cụ thể và thiết thực nêu ra tại Nghị quyết 68 như ưu tiên một phần nguồn tín dụng thương mại và phát triển tín dụng xanh, tín dụng chuỗi cung ứng, cho vay dựa trên dòng tiền, tài sản vô hình, giảm lệ thuộc tài sản thế chấp.. là phù hợp với đặc thù các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đơn cử tại Hà Nội, khoảng 65% doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, công nghệ với đặc thù ít sở hữu tài sản hữu hình.

Từ góc độ tổ chức tín dụng, ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cho rằng việc ngân hàng thay đổi cách nhìn nhận doanh nghiệp trong câu chuyện cấp tín dụng là điều cần thiết. “Tư duy, chiến lược của ngân hàng trong nước nói chung thường nhìn vào tài sản bảo đảm để cho vay với cách tiếp cận là phải cầm tài sản trước đã. Giờ đây, ngân hàng cần phải thay đổi quan điểm: phải hiểu dòng tiền khách hàng, rủi ro của doanh nghiệp cho vay dựa trên kế hoạch kinh doanh hơn là tài sản đảm bảo”.

Tổng giám đốc ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) Từ Tiến Phát thì ví von: “Thể chế giống như trận địa, các doanh nghiệp là tuyến trước còn ngân hàng là hậu phương. Chúng tôi phải bảo đảm nguồn vốn rẻ, nguồn vốn phù hợp cùng hệ thống chuyển đổi số thanh toán sao cho doanh nghiệp cảm thấy thuận lợi và tự tin hơn trong kinh doanh”.

Hoàn thiện cấu trúc thị trường tài chính

Bên cạnh các giải pháp liên quan đến tín dụng ngân hàng, Nghị quyết 68 đồng thời đề ra nhiều định hướng đa dạng hóa nguồn lực vốn cho khu vực kinh tế tư nhân thông qua phát triển thị trường vốn: nâng hạng, tái cơ cấu thị trường chứng khoán, phát triển thị trường bảo hiểm, hoàn thiện quy định về trái phiếu doanh nghiệp… 

Nhìn vào bức tranh dòng vốn, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng ngân hàng BIDV ước tính tín dụng ngân hàng vẫn là kênh cung ứng vốn quan trọng, năm 2024 chiếm khoảng 50,6% tổng vốn đầu tư cho nền kinh tế. Thị trường vốn bao gồm cả phát hành trái phiếu doanh nghiệp và phát hành cổ phiếu dù tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây nhưng mới chỉ đóng góp 14,2% vốn đầu tư cho nền kinh tế. Tỷ lệ đóng góp của các doanh nghiệp tư nhân trên thị trường cung ứng vốn cũng chỉ đạt khoảng 4%. "Chúng ta cần tìm cách tăng cường vốn từ các kênh khác mạnh mẽ hơn, nhất là từ thị trường cổ phiếu và trái phiếu - hiện mới chỉ đóng góp 14%. Tôi cho rằng cấu phần này cần đóng góp khoảng 20 - 30%", TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh.

  Nguồn: Nhóm nghiên cứu BIDV. 

Liên quan đến phát triển thị trường vốn, đặc biệt là thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bà Trịnh Quỳnh Giao, Tổng Giám đốc PVI Asset Management nhìn nhận thách thức lớn nhất không nằm ở vấn đề niềm tin mà ở cấu trúc thị trường và những vướng mắc cản trở dòng vốn. Chẳng hạn, bà Giao phân tích:“Hầu hết trái phiếu phát hành trên thị trường hiện nay có kỳ hạn chỉ 3-5 năm. Lòng tin nhà đầu tư chưa đủ để đi quá dài, doanh nghiệp muốn hút vốn chỉ dám để kỳ hạn như vậy. Trong khi đó một dự án bất động sản thường kéo dài 7-10 năm, dự án hạ tầng thậm chí vài chục năm, nhưng lại hạn chế doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư trái phiếu tái cấu trúc nợ… Doanh nghiệp khi phát hành cũng sợ, đại diện quỹ bảo hiểm đi đầu tư mà đầu tư quá 5 năm cũng sợ. Điều này gây ra những chênh lệch giữa cung và cầu”. 

Hệ quả là hiện nay, hơn 70% tỷ trọng phát hành trái phiếu toàn thị trường đến từ ngành ngân hàng “Thế là cuối cùng quỹ lại đi bơm vốn trái phiếu cho ngân hàng, bởi không còn gì để mua nên lại quay sang mua trái phiếu ngân hàng. Điều này làm mất đi mục đích chung của Chính phủ khi muốn phát triển thị trường vốn”, bà Giao nói thêm, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết hoàn thiện cấu trúc thị trường vốn.

Sự ra đời của Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị với những nhóm giải pháp căn cơ đồng hành cùng các nỗ lực hoàn thiện khung pháp lý cho lĩnh vực tài chính nói chung và thị trường vốn nói riêng từ Chính phủ, Quốc hội, các bộ ban ngành được kỳ vọng sẽ tạo nền tảng cho một thị trường tài chính phát triển theo hướng cân bằng hơn, với cấu trúc hoàn thiện hơn, giảm bớt áp lực cung ứng vốn trung và dài hạn lên hệ thống ngân hàng đồng thời đa dạng hóa nguồn cung vốn cho khu vực kinh tế tư nhân.