Singapore tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ nhằm đối phó với lạm phát
Động thái lần này của MAS quyết liệt hơn so với hồi tháng 10/2021 và tháng 1/2022. Theo đánh giá của bà Selena Ling, nhà kinh tế trưởng kiêm Trưởng bộ phận nghiên cứu và chiến lược ngân quỹ của ngân hàng OCBC, đây là động thái mạnh mẽ nhất mà cơ quan này từng thực hiện.
Để đồng đô la Singapore (SGD) mạnh lên so với đồng tiền của các đối tác thương mại, MAS đã xác định lại điểm giữa của biên độ chính sách tỷ giá hối đoái ở mức phổ biến và tăng nhẹ độ dốc hay tỷ lệ tăng giá tiền tệ. Tuy nhiên, cơ quan này không thay đổi về độ rộng của biên độ chính sách - một động thái mà MAS thường thực hiện khi thị trường biến động.
Đồng SGD đã tăng khoảng 0,5% lên 1,3555/USD ngay sau động thái của MAS.
Cơ quan này cũng nâng dự báo lạm phát cơ bản lên mức 2,5-3,5% trong năm nay, từ mức 2-3% được đưa ra vào tháng 1 vừa qua. Trong khi đó, lạm phát tổng thể được dự báo ở mức 4,5-5,5%, tăng từ mức 2,5-3,5% trước đó.
MAS cho biết lạm phát cơ bản có khả năng tăng mạnh trong những tháng tới, trước khi được điều chỉnh vào cuối năm nay, do giá hàng hóa toàn cầu tăng mạnh kể từ cuối tháng 2 và sự gián đoạn chuỗi cung ứng do xung đột tại Ukraine, đại dịch COVID-19 và tình trạng phong tỏa các thành phố ở Trung Quốc gây ra.
Theo MAS, lạm phát giá nhập khẩu là nguyên nhân gây tăng giá lớn nhất ở Singapore. Quốc gia này mua hầu hết mọi thứ mà họ tiêu dùng từ nước ngoài. Do đó, cơ quan này đã sử dụng tỷ giá hối đoái của đồng đô la Singapore như một công cụ để đạt được nhiệm vụ ổn định giá cả trong trung hạn.
MAS nhấn mạnh rằng lập trường chính sách tích cực của mình sẽ có ích. Việc thắt chặt chính sách tiền tệ lần này, được xây dựng dựa trên các động thái chính sách vào tháng 10/2021 và tháng 1/2022, sẽ làm chậm đà tăng lạm phát và giúp đảm bảo ổn định giá cả trong trung hạn.
MAS đánh giá triển vọng chung của tăng trưởng kinh tế toàn cầu là không chắc chắn và phụ thuộc vào diễn biến của cuộc xung đột tại Ukraine cũng như tình hình dịch trong khu vực. Tại thời điểm này, tăng trưởng tổng cầu ở các đối tác thương mại lớn của Singapore dự kiến sẽ giảm bớt phần nào nhưng sẽ không bị ảnh hưởng lớn do được cung cấp bởi các khoản tiết kiệm và của cải tích lũy trong những năm gần đây.
Singapore là nền kinh tế chủ yếu hướng vào xuất khẩu, với phần lớn tăng trưởng kinh tế có giá trị gia tăng đến từ sản xuất và vận chuyển các mặt hàng điện tử như chất bán dẫn và các linh kiện. Sự phụ thuộc vào xuất khẩu khiến nhu cầu toàn cầu trở thành yếu tố quyết định chính đến tốc độ tăng trưởng GDP ở “đảo quốc sư tử”.
Theo số liệu do Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore công bố ngày 14/4, tăng trưởng kinh tế quý I/2022 của nước này ở mức 3,4%, chậm hơn một chút so với dự kiến. Bộ này đưa ra dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 là 3-5%.