Nghị viện châu Âu tiếp tục hỗ trợ Việt Nam chống đánh bắt cá trái phép

21:40 | 30/10/2018 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Nghị sĩ Mato Gabriel Người phát ngôn Ủy ban Nghề cá của Nghị viện châu Âu (EP) đánh giá cao Việt Nam đã có nhiều kết quả tích cực trong việc chống đánh bắt cá trái phép thời gian qua, đồng thời khẳng định EP tiếp tục hợp tác, hỗ trợ và đồng hành cùng với Việt Nam trong lĩnh vực này.

Sáng 30/10, tại Nhà Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, ông Phùng Quốc Hiển đã tiếp Đoàn EP do Nghị sĩ Mato Gabriel - Người phát ngôn Ủy ban Nghề cá - dẫn đầu đang có chuyến thăm, làm việc tại Việt Nam. 

Nghị viện châu Âu tiếp tục hỗ trợ Việt Nam chống đánh bắt cá trái phép - ảnh 1
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển (ở giữa) tại buổi tiếp Đoàn Ủy ban Nghề cá của Nghị viện châu Âu. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN) 
Phát biểu tại buổi tiếp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá cao việc Ủy ban châu Âu (EC) đã thông qua việc trình Hội đồng châu Âu xem xét chấp thuận ký chính thức Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA); khẳng định Nghị viện châu Âu đóng vai trò quan trọng trong cơ chế ra quyết định của Liên minh châu Âu.

Phó Chủ tịch Quốc hội mong muốn nhận được sự ủng hộ của Nghị viện châu Âu thúc đẩy việc ký chính thức, phê chuẩn EVFTA trong thời gian sớm nhất. Khi được phê chuẩn, EVFTA sẽ đem lại những lợi ích to lớn cho cả người dân và doanh nghiệp hai bên.

Về vấn đề chống đánh bắt cá bất hợp pháp, không quản lý và không khai báo, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Việt Nam coi việc cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu là cơ hội để chuyển đổi từ nghề cá nhân dân sang nghề cá phát triển bền vững, có trách nhiệm và đang nỗ lực triển khai đồng bộ các biện pháp khắc phục cảnh báo “thẻ vàng” một cách hiệu quả nhất, phù hợp nhất với tình hình thực tế.

Cho đến nay, Việt Nam đã đạt được một số kết quả tích cực, cụ thể như sửa đổi khung pháp lý; tăng cường hệ thống theo dõi, giám sát, kiểm soát hoạt động tàu cá; tăng cường triển khai thực thi pháp luật và sửa đổi, hoàn chỉnh việc chứng nhận, xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Nghị sĩ Mato Gabriel với vai trò là Người phát ngôn Ủy ban Nghề cá của Nghị viện châu Âu cùng các Nghị sĩ Nghị viện châu Âu có tiếng nói ủng hộ Ủy ban châu Âu xem xét tích cực nỗ lực của Việt Nam để sớm gỡ bỏ “thẻ vàng” đối với xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Liên minh châu Âu.

Đáp lại, Nghị sĩ Mato Gabriel cho biết, các thành viên sang Việt Nam lần này mong muốn tìm hiểu và chia sẻ với Việt Nam về kinh nghiệm trong việc kiểm soát việc đánh bắt cá trái phép.

Ông Mato Gabriel đánh giá cao Việt Nam đã có nhiều kết quả tích cực trong việc chống đánh bắt cá trái phép thời gian qua, trong đó có việc ban hành nhiều quy định pháp lý quan trọng; khẳng định Nghị viện châu Âu tiếp tục hợp tác, hỗ trợ và đồng hành cùng với Việt Nam trong lĩnh vực này; qua đó, tăng cường hợp tác giữa 2 Nghị viện.

Trước đó, chiều 29/10, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp Đoàn EP do Nghị sĩ Mato Gabriel dẫn đầu.

Nghị viện châu Âu tiếp tục hỗ trợ Việt Nam chống đánh bắt cá trái phép - ảnh 2
(Ảnh: Thống Nhất/TTXVN) 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ tán thành và đánh giá cao Nghị sĩ Mato Gabriel và các thành viên trong đoàn về quan điểm thúc đẩy thương mại tự do và về tinh thần đồng hành cùng Việt Nam để thúc đẩy ký kết EVFTA.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Việt Nam đã ban hành Luật Thủy sản, xây dựng các văn bản dưới Luật, triển khai chương trình hành động quốc gia về chống đánh bắt cá bất hợp pháp, không quản lý và không khai báo; đẩy mạnh tuyên truyền đến các địa phương và ngư dân tuân thủ tốt các quy định pháp luật.

Đến nay, Việt Nam đã đạt kết quả ở 4 nhóm vấn đề gồm: Sửa đổi khung pháp lý, đặc biệt là Luật Thủy sản được ban hành ngày 21/11/2017; tăng cường hệ thống theo dõi, giám sát, kiểm soát hoạt động tàu cá; tăng cường triển khai thực thi pháp luật, trong đó tổ chức nhiều hội nghị để đẩy mạnh tuyên truyền đến ngư dân và các địa phương; sửa đổi, hoàn chỉnh công tác chứng nhận, xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác.

Với kết quả đó, Thủ tướng đề nghị Ngài Mato Gabriel và Đoàn ủng hộ để Ủy ban châu Âu xem xét tích cực nỗ lực của Việt Nam, sớm gỡ bỏ “thẻ vàng” đối với xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU.

Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ sẽ tạo mọi điều kiện để Đoàn thăm, làm việc đạt kết quả tốt tại Việt Nam.