Nghịch lý Logistics Việt Nam: Cảng biển nội địa, hãng tàu ngoại hưởng lợi
Doanh nghiệp Việt thất thế ngay sân nhà
“Số đầu doanh nghiệp logistics Việt Nam chiếm hơn 90% nhưng tới 80% thị phần lại thuộc doanh nghiệp nước ngoài”, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh chia sẻ với báo Công Thương về tình hình doanh nghiệp logistics Việt Nam.
Thị trường logistics tại Việt Nam được các chuyên giá đánh giá rất tiềm năng. Tuy nhiên, đáng tiếc khi các doanh nghiệp trong nước lại không nắm bắt được cơ hội này để làm chủ thị trường. Tận dụng thực tế này, các doanh nghiệp ngoại đã vươn lên dẫn đầu ngay trên các cảng biển Việt Nam.
Nguyên nhân của tình trạng trên xuất phát từ tiềm lực eo hẹp của các doanh nghiệp trong nước. Phần lớn các doanh nghiệp chỉ có quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Cơ sở vật chất của các doanh nghiệp này đều không đáp ứng được yêu cầu cần thiết của ngành logistics. Suy nghĩ sai lầm của những người làm nghề cũng là một tình trạng phổ biến hiện nay.
Một vấn đề nữa được ông Đinh Trọng Thịnh nhắc đến chính là thói quen mua bán của doanh nghiệp xuất nhập khẩu lại “hạ đo ván” logistics Việt Nam. Các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam xuất khẩu hàng với giá FOB (giao hàng tại cảng), nhập khẩu nguyên liệu, mua hàng hóa là mua giá CIF nên ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động tàu biển.
Việt Nam cũng đã có chính sách khuyến khích doanh nghiệp bán giá CIF, mua giá FOB để tạo điều kiện cho hãng tàu nội, song phần lớn doanh nghiệp Việt vẫn có xu thế chuộng ngoại, thích thuê nước ngoài lo logistics do họ có sẵn máy móc, phương tiện, công cụ, kinh nghiệm tốt hơn.
“Các đơn hàng lớn chủ yếu rơi vào các doanh nghiệp nước ngoài, các doanh nghiệp Việt đã nhỏ bé, muốn lớn cũng không dễ”, ông Đinh Trọng Thịnh chia sẻ thêm.
Chính phủ cần đẩy mạnh hỗ trợ
Ở khía cạnh quản lý, Chính phủ và Nhà nước cũng còn sự chậm trễ trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp trong ngành logistics. Đặc biệt, sự điều chỉnh giá dịch vụ xếp dỡ cảng biển không hợp lý khiến doanh nghiệp trong nước gặp khó ngay trên chính sân nhà của mình.
Cho dù sự ra đời của Thông tư số 54/2018/TT-BGTVT đã giúp giá dịch vụ tại cảng biển Việt Nam tăng lên trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, mức độ tăng đó vẫn còn khoảng cách khá xa nếu so với các nước khác trong khu vực.
Giá bốc xếp của cảng trong thời gian qua cho thấy những dấu hiệu của sự đi xuống. Cụ thể, theo Quyết định số 85/2000/QĐ- BVGCP ngày 10/11/2000 của Ban vật giá Chính phủ hay Quyết định số 61/2003/QĐ- BTC ngày 25/04/2003 của Bộ Tài chính về biểu mức thu phí, lệ phí hàng hải và giá dịch vụ cảng biển, đơn giá bốc xếp đưa ra đều là 57-85 USD/container loại 20 feet và 40 feet tại khu vực 1 và 3. Sau hơn 20 năm, theo Thông tư 54/2018, giá bốc xếp tại khu vực 1 và 3 đối với container loại 20 feet và 40 feet đã thấp hơn rất nhiều, chỉ còn 33-20 USD khu vực 1; USD 41-20 USD khu vực 2 và 52-20 USD khu vực Cái Mép.
Giá bốc xếp của cảng biển Việt Nam đang ở mức cao trong khu vực.
Ngoài ra, khi so sánh giá bốc xếp của cảng biển Việt Nam trong cơ cấu phụ phí THC (Terminal Handling Charge) trên thị trường hiện nay, gần như 100% hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK) bằng container đi và đến Việt Nam đều do các hãng tàu nước ngoài đảm nhận. Đội tàu biển Việt Nam chưa có đủ năng lực cung cấp các dịch vụ này. Vì vậy các hãng tàu container nước ngoài đang làm chủ việc cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hóa XNK của Việt Nam qua đường biển. Trong tình thế này, các hãng tàu container nước ngoài đang thu của khách hàng XNK Việt Nam rất nhiều loại phí và phụ phí chưa hợp lý, trong đó có phí bốc xếp hãng tàu trả cho cảng.
Đã tới lúc phải thay đổi
Những thống kê cho thấy ngành logistics Việt Nam có tốc độ tăng trưởng khoảng 14-16% với quy mô khoảng 40-42 tỷ USD/năm. Trong đó, hơn 35 tỷ USD lại thuộc về các doanh nghiệp ngoại.
Vậy nên, để có thể nhanh chóng thoát khỏi tình trạng này, một yêu cầu cấp thiết đòi hỏi các doanh nghiệp trong nước phải liên kết tương trợ lẫn nhau. Nếu vẫn cố tự bơi một mình so kè với các đối trọng khổng lồ nước ngoài, tỉ lệ thành công của chúng ta là không cao.
Không chỉ các doanh nghiệp trong nước, các doanh nghiệp nước ngoài cũng là một gợi ý cần tính toán để thiết lập mối quan hệ phối hợp trong tương lai. Nguồn vốn dồi dào, công nghệ cao, thiết bị chất lượng,… sẽ là những yếu tố tích cực hỗ trợ cho sự phát triển của doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.