Nghịch lý thủy sản tiêu chuẩn châu Âu nhưng không được kinh doanh tại siêu thị nội địa?

11:34 | 09/07/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
VASEP đã nêu ra bất cập trong việc phân phối các sản phẩm thủy sản bởi những rào cản do các cơ quan kiểm duyệt trong nước đưa ra.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã gửi văn bản báo cáo tới Bộ NN&PTNT đề cập những vướng mắc, ảnh hướng xấu đến sản xuất kinh doanh và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp thủy sản.

Thời gian vừa qua, các doanh nghiệp đã nỗ lực đẩy mạnh kinh doanh nội địa nhằm đáp ứng yêu cầu của Chính phủ về "Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt". Tuy nhiên trong quá trình này lại xuất hiện những bất cập bởi chính cơ quan trong nước đặt ra. 

Theo đó, tại Thông tư 10/2016/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NPTNT) quy định: Hai chất kháng sinh là Enrofloxacin và Ciprofloxacin được đưa vào danh mục “Hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh động vật thủy sản” nhưng không nêu rõ ngưỡng giới hạn phân tích tối thiểu (MRPL) đối với các chỉ tiêu này. 

Điều này cũng không đồng nhất với quy định của Bộ Y tế khi không quy định rõ giới hạn tối đa dư lượng thuốc thú y có trong thực phẩm cũng không quy định đến 2 loại kháng sinh này. 

Nghịch lý thủy sản tiêu chuẩn châu Âu nhưng không được kinh doanh tại siêu thị nội địa? - ảnh 1

Ảnh minh họa

Tại thị trường EU - một trong những thị trường có yêu cầu nghiêm ngặt nhất về an toàn thực phẩm lại cho phép ngưỡng MRL (Mức dư lượng tối đa cho phép) cụ thể như sau: Đối với Enrofloxacin và Ciprofloxacin trong sản phẩm thủy sản là 100ppb trong các sản phẩm thực phẩm có nguồn gốc động vật. 

Thậm chí, chính Chính Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT) đã biết rõ về quy định này và từng thông báo cho các doanh nghiệp thủy sản về việc cập nhật quy định của thị trường EU từ năm 2019 tại công văn số 79/QLCL-CL1.

Từ đó có thể thấy được sự bất cập khi các lô hàng thủy sản đáp ứng tiêu chuẩn về kháng sinh, có thể xuất sang châu Âu nhưng vì Thông tư 10/2016/TT-BNNPTNT nên các siêu thị trong nước không chấp nhận cho kinh doanh. 

Đây không phải là lần đầu tiên VASEP ý kiến về vấn đề này. Vào những năm 2018, 2019 hiệp hội cũng đã gửi đề xuất tới các bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương…

Nhưng trước những khó khăn của doanh nghiệp thủy sản, VASEP một lần nữa kiến nghị Bộ NN&PTNT rà soát, xem xét đưa hai loại Enrofloxacin, Ciprofloxacin vào danh mục kháng sinh hạn chế sử dụng trong sản xuất kinh doanh thủy sản nội địa có liều lượng giống với ngưỡng MRLs tại thị trường EU.

Điều này giúp doanh nghiệp có cơ sở để cạnh tranh tốt hơn tại thị trường nội địa tránh tình trạng các chỉ đạo của các cơ quan có thẩm quyền không thực hiện được bởi chồng chéo do các quy định, luật lệ. Bên cạnh đó còn tránh tình trạng lãng phí, góp phần đảm bảo an ninh lương thực bởi tình dịch Covid-19 phức tạp nên nhiều địa phương cần tích trữ thực phẩm. 

H.S

Xem thêm: Thủy sản xuất khẩu phục hồi về mức trước đại dịch, đạt giá trị hơn 4,1 tỷ USD nửa đầu năm 2021