Nghiên cứu toàn diện các kịch bản tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đồ uống có cồn
Tham dự Hội thảo có đông đảo chuyên gia kinh tế, tài chính, pháp chế, thuế, thương mại, chuỗi giá trị ngành hàng, xu hướng tiêu dùng và các vấn đề xã hội.
Phát biểu khai mạc, TS. Chử Văn Lâm - Phó Chủ tịch thường trực Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam thông tin, dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) là một trong số 13 dự án luật của chương trình kỳ họp Quốc hội lần thứ 8, đang được Quốc hội thảo luận dựa trên dự thảo trình của Chính phủ.
Với cách tiếp cận lấy ý kiến rộng rãi nhằm giúp các cơ quan soạn thảo luật, cơ quan thẩm tra luật có thêm thông tin đa chiều, làm cơ sở để hoàn thiện dự thảo luật cũng như báo cáo thẩm tra luật, thời gian qua, các bên liên quan gồm: Các hiệp hội ngành hàng, hiệp hội doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI, cùng nhiều chuyên gia đã phân tích, chia sẻ ý kiến và đề xuất các giải pháp. Đa số các ý kiến đóng góp cho dự thảo luật đều thống nhất với quan điểm việc tăng thuế là cần thiết.
Tuy nhiên, có nhiều ý kiến mong muốn các nhà hoạch định chính sách cần nghiên cứu, tính toán đo lường kỹ lưỡng các yếu tố tác động cả trong ngắn hạn và trung hạn để xác định mức tăng, thời điểm tăng và khoảng cách tăng phù hợp, đạt điểm tăng tối ưu, đạt được các mục tiêu sửa đổi luật thuế đã đặt ra đối với mặt hàng bia nói riêng và đồ uống có cồn nói chung.
Tại nhiều Hội thảo về thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), nhiều hiệp hội, chuyên gia, doanh nghiệp cũng đã đề cập đến việc thiếu đánh giá mang tính định lượng toàn diện của ngành bia đối với đề xuất tăng thuế TTĐB trong thời gian tới, bao gồm các tác động tới đối tượng trực tiếp, gián tiếp, các ngành liên quan, phụ trợ, tác động người tiêu dùng, kinh tế, xã hội, ngân sách, lao động, môi trường đầu tư, kinh doanh, du lịch, dịch vụ, sức khỏe…
Theo TS. Vương Quang Lượng, Trưởng phòng Nghiên cứu và dự báo thị trường, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công Thương), chính sách thuế TTĐB đối với sản phẩm rượu, bia cần đảm bảo sự cân bằng và bền vững lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Nếu để ảnh hưởng đến sản xuất sẽ dẫn đến các vấn đề xã hội khác như việc làm, nạn hàng giả, hàng nhập lậu,… Đồng thời kiến nghị chính sách thuế TTĐB cần bảo đảm sự công bằng xã hội, vừa bảo vệ ngành đồ uống trong nước, vừa bảo vệ lợi ích quốc gia, hướng đến thực hiện mục tiêu điều tiết thu nhập, định hướng tiêu dùng, giảm tác động tiêu cực của đồ uống có cồn đến sức khỏe người tiêu dùng và bảo vệ môi trường.
Phát biểu tại Hội thảo, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế cho rằng mục đích của tăng thuế lần này nhằm hài hòa lợi ích, trách nhiệm và tính khả thi đối với Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng, người nông dân trồng, chế biến các nguyên liệu phục vụ sản xuất, khả năng đảm bảo việc làm cho người lao động…; cần có đánh giá tác động đầy đủ, toàn diện, có cơ sở khoa học và sát thực tiễn; đồng thời tăng/đa dạng hóa nguồn thu (không nên "tận thu") gắn với nuôi dưỡng nguồn thu.
Bên cạnh các nhận định, phân tích đánh giá từ chiều hướng tác động của thuế tới các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, Hội thảo cũng đề cập rộng các nhóm vấn đề có mối tương quan, tác động qua lại và lan tỏa nhiều chiều, cụ thể như giữa mục tiêu tăng trưởng và cơ chế chính sách. Đây là những thông tin vô cùng quan trọng để các nhà hoạch định chính sách tham khảo, xem xét và đánh giá trong quá trình xây dựng, tham vấn, và góp ý đối với dự án Luật Thuế TTĐB (sửa đổi), cụ thể về nội dung tăng thuế TTĐB đối với mặt hàng bia, rượu để thống nhất một phương án tăng thuế phù hợp đảm bảo hài hòa giữa các mục tiêu, các lợi ích Nhà nước, người tiêu dùng và doanh nghiệp, nuôi dưỡng nguồn thu, tránh gây sốc thị trường, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội bền vững.