Người dân TP. HCM cần những điều kiện gì để đi chợ, siêu thị trong thời gian tới?

06:40 | 21/09/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Người bán hàng ở chợ truyền thống, chợ đầu mối, người đi chợ, người lao động đi làm phải có thẻ xanh COVID theo tiêu chí phòng chống dịch COVID-19 mà TP. HCM vừa ban hành.

Phải có thẻ xanh COVID

Ngày 20/9, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID - 19 TP. HCM vừa ban hành bộ tiêu chí đánh giá hoạt động an toàn trong phòng, chống dịch COVID -19 tại siêu thị, trung tâm thương mại, siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng bán lẻ lương thực thực phẩm và chợ truyền thống trên địa bàn TP. HCM.

Theo đó tại các kênh bán lẻ hiện đại và truyền thống này, bộ phận tiếp xúc trực tiếp với khách hàng (nhân viên phụ trách quầy kệ, thu ngân...) phải có thẻ xanh COVID (những người tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin (đối với vắc xin phải tiêm 2 mũi) và phải ít nhất 2 tuần sau tiêm hoặc người đã mắc COVID-19 và có giấy xác nhận đã hoàn thành cách ly). Nhân sự trở lại làm việc lần đầu phải có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính (xét nghiệm nhanh hoặc RT-PCR) còn hiệu lực theo quy định của ngành y tế.

Tài xế, nhân viên giao hàng của đơn vị cung ứng hàng hóa phải có thẻ xanh COVID, trong đó có kết quả xét nghiệm SARS-COV-2 âm tính (xét nghiệm nhanh hoặc RT-PCR) còn hiệu lực theo quy định của ngành y tế trước khi vào làm việc.

Đối với các chợ truyền thống, ban quản lý chợ phải có danh sách thương nhân, người làm việc tại chợ. Khách hàng và người tiếp xúc trực tiếp với khách hàng phải có thẻ xanh COVID. Nhân viên đơn vị quán lý thuộc khối văn phòng không tiếp xúc trực tiếp với khách hàng tối thiểu có thẻ xanh COVID (giới hạn phạm vi hoạt động).

Các đơn vị phải kiểm soát mật độ tối thiểu là 4 mét vuông/người tính theo diện tích kinh doanh và giữ khoảng cách tối thiểu 2m giữa hai người kế cận; đảm bảo số lượng khách ra vào không ùn ứ, giữ khoảng cách an toàn theo quy định. Đối với chợ truyền thống không có nhà lồng không áp dụng mật độ tối thiểu là 4 mét vuông/người nhưng phải đảm bảo khoảng cách tối thiểu 2m giữa hai người kế cận.

Trung tâm thương mại, siêu thị, chợ có nhà lồng phải tổ chức phân luồng đảm bảo lối ra, vào riêng biệt, di chuyển một chiều. Khu vực quầy thu ngân của siêu thị, trung tâm thương mại phải có vách ngăn giữa thu ngân và khách hàng hoặc đảm bảo khoảng cách trên 2m giữa nhân viên và khách hàng. Trường hợp thanh toán bằng tiền mặt phải có khay giao và nhận tiền riêng; hàng hóa phải được giao qua phương tiện trung gian, tránh tiếp xúc trực tiếp.

Các đơn vị kinh doanh trên phải trang bị các thiết bị, vật tư y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch tại đơn vị và đảm bảo vệ sinh môi trường phòng, chống dịch tại các khu vực; thông tin tuyên truyền về phòng, chống dịch và có kế hoạch, phương án phòng, chống dịch tại đơn vị. Không được bố trí làm việc đối với nhân viên khi có một trong các dấu hiệu/triệu chứng như mệt mỏi, sốt, ho, đau rát họng, khó thở. Khi phát hiện trường hợp nhân viên hoặc khách hàng có các dấu hiệu/triệu chứng nêu trên thì phải tiến hành các biện pháp kiểm tra y tế và xử lý theo quy định, hướng dẫn của ngành y tế.

Thí điểm áp dụng thẻ xanh COVID cho người tiêm 1 mũi vaccine

Trước đó chiều 18/9, Sở Y tế đã họp với Sở Thông tin và Truyền thông TP. HCM, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. HCM nhằm thống nhất quan điểm tham mưu với UBND TP. HCM về triển khai thí điểm áp dụng thẻ xanh Covid-19 trong giai đoạn phục hồi kinh tế trên địa bàn TP. HCM.

Theo đó, quan điểm của Ngành Y tế như sau:

Triển khai thí điểm thẻ xanh Covid-19 trong giai đoạn phục hồi kinh tế trên địa bàn TP. HCM có tác động tích cực và khích lệ người dân đồng thuận tham gia tiêm chủng vắc xin, góp phần nâng cao tỷ lệ tiêm trong thời gian qua. Do đó, kế hoạch này cần tiếp tục được hoàn thiện để triển khai thí điểm trong giai đoạn sắp tới.

Thẻ xanh COVID được xem là một hình thức công nhận cho người đã có miễn dịch để bảo vệ cơ thể chống lại virus SARS-CoV-2 nhờ đã tiêm vắc xin hoặc là F0 đã khỏi bệnh và hoàn thành thời gian cách ly. Người có thẻ xanh Covid-19 sẽ ít có nguy cơ mắc bệnh hoặc giảm nguy cơ chuyển nặng.

Về điều kiện được cấp thẻ xanh, Sở Y tế đề xuất chỉ cần tiêm 1 mũi vắc xin được 2 tuần hoặc F0 có giấy xác nhận đã hoàn thành cách ly do Ban chỉ đạo phòng chống dịch phường, xã thị trấn cấp. Tuy nhiên, người có thẻ xanh Covid-19 không đồng nghĩa với xác nhận sẽ không lây nhiễm virus cho người khác, do vậy phải tuân thủ 5K và làm xét nghiệm theo quy định.

Về hình thức, Sở Y tế kiến nghị chỉ dùng một thuật ngữ là thẻ xanh COVID và thống nhất với Sở Thông tin và Truyền thông tích hợp trên ứng dụng Y tế TP. HCM nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khai báo đã tiêm vắc xin, cùng với tích hợp kết quả xét nghiệm và khai báo y tế. Trên ứng dụng thể hiện rõ đã tiêm 1 mũi hay 2 mũi. Khởi đầu, sẽ triển khai thí điểm trên địa bàn quận 7 để đánh giá tính hiệu quả trước khi nhân rộng.

Chia sẻ từ Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP. HCM (HCDC), để có chứng nhận nhiễm COVID-19 "đã khỏi bệnh", người từng nhiễm (F0) phải được xác nhận bằng giấy chứng nhận như giấy xuất viện hoặc giấy xác nhận hoàn thành cách ly của Ban chỉ đạo phòng chống dịch phường, xã, thị trấn.

Thực tế ghi nhận trong giai đoạn tháng 7, 8 khi số ca bệnh gia tăng, ngành y tế thành phố quá tải, có nhiều trường hợp người dân tự test nhanh dương tính, báo với y tế địa phương nhưng không được nhân viên y tế đến nhà ghi nhận. Những người này sau đó tự điều trị khỏi bệnh. Họ đang gặp khó trong việc chứng minh từng mắc bệnh với địa phương để được cấp giấy chứng nhận.

HCDC chia sẻ, các F0 tự xét nghiệm, tự cách ly tại nhà mà không có giấy xác nhận hoàn thành cách ly của Ban chỉ đạo phòng chống dịch phường, xã, thị trấn, thì cần giấy xác nhận của tổ trưởng tổ dân phố, tổ nhân dân hoặc của các tổ y tế chăm sóc F0 tại nhà. Tổ y tế chăm sóc F0 tại nhà bao gồm nhân sự do các trường đại học y khoa, do các tổ chức thiện nguyện (ATM oxy, các tình nguyện viên là các bác sĩ nghỉ hưu...) đảm trách.

Theo quy định của Bộ Y tế, người có tiền sử rõ ràng đã mắc COVID-19 trong vòng 6 tháng thuộc nhóm trì hoãn tiêm chủng. Các trường hợp mắc COVID-19 khỏi bệnh đã có kháng thể tự nhiên bảo vệ cơ thể trong một khoảng thời gian. Do đó, để bảo đảm an toàn cho bản thân, các trường hợp không thể xác nhận đã từng mắc COVID-19 thì cần phải tiêm vaccine. Dù đã tiêm vaccine, người dân vẫn cần tuân thủ phòng bệnh theo nguyên tắc 5K.

Dự kiến, "thẻ xanh COVID" được cấp từ hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử thể hiện cá nhân đó đáp ứng một trong các điều kiện sau:

Đối với loại vaccine tiêm 2 mũi (AstraZeneca, Pfizer, Moderna, Sinopharm, Sputnik V...): 14 ngày sau mũi thứ 2 và xét nghiệm kháng nguyên định kỳ đối với một số môi trường làm việc. Đối với vaccine chỉ cần tiêm 1 mũi (Johnson & Johnson's Janssen...): 14 ngày sau khi tiêm và xét nghiệm kháng nguyên định kỳ đối với một số môi trường làm việc;

Người nhiễm SARS-CoV-2 khỏi bệnh, đã hoàn thành thời gian cách ly, trong vòng 180 ngày tính từ khi khỏi bệnh, người nhiễm SARS-CoV-2, tự làm xét nghiệm, tự cách ly sau đó khỏi bệnh thì phải xét nghiệm chứng minh có kháng thể.

 

 

ĐỌC NHIỀU