Người Việt mua sắm online tăng nhanh nhất Đông Nam Á

13:14 | 15/08/2019 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Đây là thông tin được bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục TMĐT và kỹ thuật số đưa ra tại diễn đàn “Tiếp thị trực tuyến 2019: Cá nhân hoá trải nghiệm” do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) tổ chức.

Trong Báo cáo chỉ số Thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam năm 2019 của VECOM cho thấy, hiện phần lớn hoạt động TMĐT diễn ra ở 2 TP lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, ngoài ra còn có ở một số địa phương liền kề như: Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Đồng Nai và Bình Dương.

Ước tính, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh chiếm tới 70% giao dịch TMĐT. Do đó, VECOM cho rằng, khu vực nông thôn có tiềm năng tiêu thụ lớn, đồng thời cũng là nơi cung cấp sản phẩm đa dạng phù hợp với bán hàng trực tuyến. Nhưng để làm được điều này, đòi hỏi phải thu hẹp khoảng cách số giữa các địa phương, đặc biệt phải hỗ trợ khu vực nông thôn bán hàng trực tuyến.

Đánh giá về vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục TMĐT và kỹ thuật số Lại Việt Anh cho biết, tốc độ tăng trưởng TMĐT tại Việt Nam tăng khoảng 30% 1 năm. Hiện dung lượng thị trường TMĐT Việt Nam đang đứng thứ 2 Đông Nam Á sau Indonesia với khoảng 40 triệu người mua sắm trực tuyến. Trung bình, người tiêu dùng Việt Nam chi 210 USD/năm cho hoạt động mua sắm trực tuyến. Người tiêu dùng ngày càng nhanh nhạy nắm bắt tiện ích của TMĐT, tìm kiếm thông tin sản phẩm, so sánh giá cả… đồng thời, nhu cầu cũng trở nên tinh tế, khắt khe hơn. Thực tế này đòi hỏi doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ phải tìm các phương thức tiếp thị mới để tiếp cận thị trường.

Người Việt mua sắm online tăng nhanh nhất Đông Nam Á - ảnh 1
 Người Việt mua sắm online tăng nhanh nhất Đông Nam Á.

Trao đổi thêm, bà Samantha Oh, Phó Chủ tịch Client Insights APAC, comScore cho biết, thị trường TMĐT Việt Nam có hai điểm hấp dẫn lớn so với các thị trường khác trong ASEAN. Đó chính là, tỷ lệ người dùng truy cập vào trang thương mại điện tử sau đó mua hàng rất cao và hai là mức chi tiêu cho TMĐT đang tăng rất nhanh.

"Việt Nam là quốc gia có mức chi tiêu của người dùng cho TMĐT tăng nhanh nhất khu vực. Điều này rất quan trọng", bà  Samantha Oh đánh giá.

Tuy nhiên, bà Samantha Oh cũng chỉ ra rằng, Việt Nam còn rất nhiều yếu tố cần cải thiện để tăng quy mô của TMĐT. Trong đó phải kể đến việc hệ sinh thái chưa được đồng bộ, thanh toán điện tử chưa phổ biến và cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng để đẩy nhanh tiến trình này, hệ thống logistics của Việt nam cũng đang tốn chi phí lớn và chưa được đánh giá cao.

Cũng trong khuôn khổ diễn đàn Tiếp thị trực tuyến 2019, nhận định về tương lai của TMĐT trong lĩnh vực tiêu dùng nhanh (FMCG) các chuyên gia dự báo, FMCG toàn cầu đến năm 2022 có thể đạt 100 tỷ USD. Cùng với đó, tốc độ FMCG đến năm 2022 cũng sẽ tăng 4% trong vòng 5 năm lên 8% như tốc độ của các nước phát triển hiện nay. Ngoài ra, tốc độ tăng trưởng của FMCG online sẽ tăng cao gấp 4 lần so với FMCG offline. Bởi với sự phát triển của nền tảng internet, thương mại điện tử trong lĩnh vực tiêu dùng nhanh đang có xu hướng phát triển mạnh trên thị trường như: tin tức, giải trí và tài khoản giải trí cá nhân.

Người Việt mua sắm online tăng nhanh nhất Đông Nam Á - ảnh 2
 Việt Nam là quốc gia có mức chi tiêu của người dùng cho TMĐT tăng nhanh.
Còn theo bà Lê Minh Trang, đại diện của Nielsen Việt Nam, Việt Nam đang là quốc gia dẫn đầu với tỉ lệ 45-60% chấp nhận mua hàng online. Qua phân tích thị trường có thể thấy, có 10 yếu tố quyết định mức độ về quy mô thị trường FMCG. Từ đó, được chia làm 4 tầng: thông tin nền tảng, những yếu tố vĩ mô tác động, những yếu tố về kinh tế xã hội và những yếu tố cạnh tranh. Đặc biệt, yếu tố nền tảng phụ thuộc rất lớn vào tốc độ tăng trưởng bình quân tại mỗi quốc gia và đang tập trung tại hai nền kinh tế lớn của thế giới là Mỹ và Trung Quốc.
Bên cạnh đó, để FMCG phát triển còn phụ thuộc vào số lượng tài khoản cá nhân của mỗi quốc gia, tỷ lệ số người sử dụng internet và số lượng người sử dụng smartphone. Những yếu tố vĩ mô được xác định là sự hỗ trợ của nhà nước đối với việc phát triển FMCG, đồng thời có ảnh hưởng từ số lượng cũng như tốc độ tăng dân số của mỗi quốc gia.
Hơn nữa, để FMCG phát triển, bà Lê Minh Trang cho rằng còn có sự quyết định từ sự tiện lợi của các gian hàng FMCG, chỉ số niềm tin của người tiêu dùng về tiềm năng cũng như mức độ phát triển của nền kinh tế. Đặc biệt, với những quốc gia như Việt Nam, yếu tố thu hút khách hàng từ nhu cầu tìm kiếm các sản phẩm có chi phí thấp, tiết kiệm qua các dịch vụ trung gian.
Ngoài ra, để xác định được một FMCG phát triển sẽ phụ thuộc vào khả năng khách hàng có thể tiếp cận được internet (ở Việt Nam đang là 67%) và mọi người có niềm tin về triển vọng của nền kinh tế. Ngoài ra, với sự tác động của gia tăng dân số (95 triệu dân) cùng các lợi thế để nhận được sự hỗ trợ của nhà nước từ các văn bản hướng dẫn để vận hành thông thoáng về FMCG.
Mặt khác, muốn phát triển FMCG cần nâng cao kinh phí đầu tư; nâng cao trải nghiệm của người dùng (trend) nâng thời gian giao hàng nhanh tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp. Hơn nữa, yếu tố xuất xứ, chất lượng hàng hóa bán trên FMCG, phương thức thanh toán và dịch vụ hậu mãi cũng là các yếu tố để phát triển thị trường FMCG.
Đặc biệt, các doanh nghiệp phải tìm hiểu tâm lý khách hàng tăng số lượng mua và qua đó đa dạng hóa sản phẩm, tối ưu giá cả để tạo thói quen mua sắm của khách hàng, nhất là không bao giờ để hàng hóa trong tình trạng trống để giữ chân khách ở lại.