Người Việt vẫn quen giao dịch tiền mặt trong tiêu dùng
15:22 | 31/05/2019
Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Cần tạo niềm tin cho người tiêu dùng để họ thấy được sự tiện lợi, an toàn khi thanh toán điện tử ở mọi lúc, mọi nơi. Khi đó, họ sẽ dần thay đổi thói quen dùng tiền mặt.
Theo số liệu của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, trong 5 năm gần đây, thương mại điện tử (TMĐT) tăng trưởng với tốc độ 25-30% mỗi năm với tổng giá trị giao dịch TMĐT năm 2018 đạt 8 tỷ USD, tuy nhiên chủ yếu phương thức thanh toán vẫn là tiền mặt. Chỉ 3-5% lượng giao dịch sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt, với tỉ lệ thanh toán trực tuyến rất thấp, đến 80% khách hàng hiện vẫn dùng phương thức nhận hàng trả tiền (COD).
Bên cạnh đó, trong thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết quý I/2019 hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt đã đạt được những kết quả hết sức đáng kể. Cụ thể, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đã xử lý 37.325.000 giao dịch tương ứng với giá trị 20.691 tỷ đồng (tăng 22,99% về số lượng và 17,84% về giá trị so với cùng kỳ của năm 2018); các POS được lắp đặt tại hầu hết các cơ sở, chuỗi phân phối, bán lẻ, khách sạn lớn, cơ sở y tế, trường học…; số lượng và giá trị giao dịch thanh toán nội địa của thẻ ngân hàng tiếp tục tăng, đạt 65 triệu giao dịch với tổng số tiền giao dịch là 171 nghìn tỷ đồng (tăng 18,45% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017); số lượng và giá trị giao dịch tài chính qua kênh internet tăng 68,8% và 13,4% so với cùng kỳ năm 2018; số lượng và giá trị giao dịch tài chính qua kênh điện thoại di động tăng 97,7% và 23,32% so với cùng kỳ năm 2018.
Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, để hoàn thành mục tiêu phát triển tài chính toàn diện và thúc đẩy nền kinh tế không dùng tiền mặt phát triển là việc không dễ và còn có rất nhiều thách thức. Bởi trên thực tế, hiện chỉ có 30% dân số có tài khoản ngân hàng, 18.668 ATM và 261.705 POS, EFT phục vụ cho 158 triệu thẻ trong đó có 85% là giao dịch rút tiền mặt. Ngay cả với sự phát triển của kỹ thuật số, người Việt vẫn thích sử dụng tiền mặt trong các giao dịch hằng ngày.
Nhìn nhận về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết "việc thay đổi thói quen của khách hàng, cải thiện quy trình thanh toán là đòi hỏi cấp thiết, không chỉ riêng với TMĐT mà cả với sự phát triển của kinh tế số".
Bà Huyền nhấn mạnh, mấu chốt để thay đổi điều này là xây dựng niềm tin của người tiêu dùng trong TMĐT. Chính phủ cần đưa ra những hành lang pháp lý, những thể chế để thúc đẩy phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Đồng thời, cũng cần có những giải pháp nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, thay đổi niềm tin của khách hàng với quy trình thanh toán không dùng tiền mặt.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc thay đổi thói quen dùng tiền mặt của người dân vẫn là bài toán khó từ nhiều năm nay và khó có thể làm được trong “ngày một ngày hai”. Hiện nay, dù đã có nhiều phương tiện thanh toán như chuyển khoản qua ngân hàng, dùng thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, các ứng dụng khác dùng cho ví điện tử... thế nhưng những phương tiện này vẫn chưa được phổ biến và dùng một cách rộng rãi trong xã hội Việt Nam. Việc sử dụng tiền mặt chiếm đến 90% chi tiêu, 99% cho các mặt hàng dưới 100.000 đồng, gần 85% giao dịch tại ATM là rút tiền.
TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết, Việt Nam được đánh giá là một nước có nền tảng tốt để thực hiện mục tiêu giảm tỷ trọng giao dịch tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán. Để việc thanh toán không dùng tiền mặt trở nên phổ biến đòi hỏi phải có sự phối kết hợp đồng bộ giữa 3 phía: Người tiêu dùng, người cung cấp dịch vụ và Chính phủ. Cụ thể, về phía người tiêu dùng, phải tạo niềm tin để họ thấy được sự tiện lợi, an toàn khi thanh toán điện tử ở mọi lúc, mọi nơi. Khi người sử dụng thấy được sự tiện ích họ sẽ dần thay đổi thói quen không dùng tiền mặt. Về phía người cung cấp dịch vụ và bán hàng cũng cần áp dụng công nghệ thông tin khi thanh toán. Ngay cả những cửa tiệm tạp hóa cũng dần dần phải có những ứng dụng như QR Code và những ứng dụng khác có thể chấp nhận ví điện tử.
“Về phía Chính phủ, cần đưa ra những biện pháp khuyến khích để người dân sử dụng phương tiện thanh toán phi tiền mặt, chẳng hạn như có thể miễn thuế, phí; Hoặc cần có chế tài bắt buộc áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt tại một số nơi như bệnh viện hay một số cơ sở mà chính quyền quản lý... ” ông Nguyễn Trí Hiếu cho hay.
Ngoài ra, tại Hội thảo Banking Việt Nam 2019, bà Trần Thu Hương, Giám đốc Khối Bán lẻ kiêm Giám đốc chiến lược, Ngân hàng Quốc tế (VIB) cũng đề xuất một số giải pháp đẩy nhanh lộ trình phi tiền mặt hóa các giao dịch ở Việt Nam như: cần có cơ chế khuyến khích công ty Fintech phát triển ứng dụng tiện ích, tích hợp với hệ thống của ngân hàng, chính sách thúc đẩy các nhà cung cấp dịch vụ, điểm chấp nhận thanh toán dần chuyển sang sử dụng giải pháp thanh toán không tiền mặt... Đặc biệt, việc thay đổi thói quen của khách hàng, mở rộng độ phủ sóng của thương mại điện tử tại các tỉnh thành phố lân cận, cải thiện quy trình thanh toán… là những yếu tố quan trọng đầu tiên giúp nâng cao trải nghiệm khách hàng, qua đó phát triển rộng rãi phương thức thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam.