Nguyên nhiên liệu đầu vào tác động mạnh đến ngành cao su
Nhiều thách thức trước bão giá
Giá nhiên liệu tăng cao, lạm phát từ các quốc gia trên thế giới đã gây ra hệ lụy không nhỏ đến các ngành nghề. Ngành cao su cũng không nằm ngoài vòng xoáy bão giá và lạm phát.
Theo đánh giá của Ban điều hành Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, ngành cao su phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2022 như sản phẩm bị cạnh tranh gay gắt, giá phân bón tăng gần gấp đôi, nguyên nhiên liệu, chi phí vận chuyển cũng tăng đồng loạt… đặt ra yêu cầu toàn ngành phải nỗ lực rất lớn trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh mới có thể bù vào khoản chi tiêu tăng thêm. Trong khi đó, giá mủ cao su lại có tốc độ tăng chậm hơn so với những chi phí này.
Cơn bão giá không chỉ tác động đến doanh nghiệp, mà còn gây ảnh hưởng đến việc chăm sóc và chu kỳ thu hoạch mủ của các hộ sản xuất cao su tiểu điền. Theo chị Nguyễn Thị Kiều Oanh, chủ vườn cao su 2 ha tại xã Đắk Sin, huyện Đắk R’Lấp, huyện Đắk Nông, từ đầu năm 2022 đến nay, giá nhiên liệu tăng cao, nên giá các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cũng tăng đều trong 6 tháng qua.
Điều này khiến chi phí đầu vào của vườn cao su tăng, nhưng giá thu mua mủ cao su tại các đại lý chỉ tăng nhẹ so với tốc độ tăng giá. Với 2 ha, hiện nay gia đình phải nâng chu kỳ cạo mủ cao su lên mức 2 ngày cạo 1 lần thay vì 1 ngày cạo 1 lần như trước đây. Bởi vật giá tăng cao nên việc đầu tư, chăm sóc vườn cao su có phần hạn chế. Để có thể duy trì vườn cây, giữ sức cho cây, việc cạo mủ cũng phải tương xứng với điều kiện chăm sóc. Gia đình chị Oanh hi vọng giá nhiên liệu sẽ được bình ổn trở lại, mọi chi phí đầu vào có thể giảm bớt, thì những hộ trồng cao su tiểu điền mới có thể đứng vững được với cây cao su.
Với tình hình bão giá như hiện nay, không chỉ các hộ sản xuất cao su tiểu điền mà các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cao su cũng phải đối mặt với nhiều thách thức về chi phí. Theo ông Nguyễn Đức Nhân, chủ vườn cao su 9 ha tại thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước, với tình hình chi phí vật tư nông nghiệp tăng cao như hiện nay, nếu chỉ canh tác đơn lẻ cây cao su thì khó có thể thu được lợi nhuận như trước, bởi lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vậy sử dụng trên mảnh đất không thể phát huy tối đa tác dụng. Để giải quyết tình trạng khó khăn này, theo ông Nhân, các hộ cao su tiểu điền trồng xen tạm các loại cây ngắn ngày hơn trong vườn cao su để tăng thêm thu nhập, lấy lợi nhuận bù chi phí, vượt qua giai đoạn khó khăn do lạm phát và bão giá.
Chủ động thích ứng an toàn
Dự báo biến động kinh tế, chính trị trên thế giới vẫn còn kéo dài và chưa biết thời điểm nào kết thúc, ngành cao su Việt Nam cũng nằm trong guồng xoáy biến động này. Chính vì vậy, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cao su Việt Nam cũng đã có tâm thế chủ động thích ứng với hoàn cảnh, nhanh chóng có nhiều giải pháp để đưa toàn ngành vượt ải.
Theo ông Đỗ Minh Tuấn, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cao su Đồng Nai, việc ứng phó với các hiện thực lạm phát, chi phí tăng cao hiện đang được doanh nghiệp nỗ lực thực hiện, thông qua các giải pháp chăm sóc vườn cây, tăng năng suất cho cây cao su, đồng thời cũng phải tăng chất lượng mủ để chế biến hiệu quả nhất.
Bên cạnh đó, cũng từ thực tế của địa phương, trong thời gian sắp tới, việc tỉnh Đồng Nai phát triển các công trình trọng điểm quốc gia, công trình phúc lợi xã hội và chuyển đổi phát triển từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ thì việc Tổng công ty Cao su Đồng Nai thu hẹp diện tích vườn cây cao su là điều dễ hiểu. Vấn đề này đặt ra yêu cầu cho Tổng công ty buộc phải thích ứng và bằng những đổi mới từ đơn vị nhằm đảm bảo giảm quy mô vườn cây nhưng hiệu quả kinh tế, năng suất vườn cây, hiệu quả sử dụng đất, doanh thu và lợi nhuận phải tăng.
Không chỉ Tổng Công ty cao su Đồng Nai thực hiện các biện pháp thích ứng với bão giá, nhiều đơn vị thuộc Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam cũng đang ráo riết thực hiện nhiều biện pháp thích ứng sao cho hiệu quả, mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp, đồng thời giúp ổn định đời sống người lao động trong ngành cao su.
Đại diện Công ty Cao su Bình Long chia sẻ, giá cả tăng cao không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất, mà còn ảnh hưởng đến đời sống của người lao động trong ngành cao su. Giá nguyên liệu đầu vào tăng tất yếu ảnh hưởng đến lợi nhuận nên việc tăng lương, những chương trình, hoạt động tưởng, thưởng cho những nhân viên, người lao động xuất sắc cũng sẽ bị ảnh hưởng. Việc cần làm của doanh nghiệp cao su là làm sao giữ ổn định nguồn thu nhập cho người lao động để họ gắn bó với nghề. Song song đó, doanh nghiệp cao su cũng tiếp tục phát triển công ty bền vững, kết hợp hài hòa phát triển kinh tế với môi trường, an sinh xã hội, an ninh chính trị, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Theo thống kê của Hiệp hội Cao su Việt Nam, cả nước hiện có hơn 930.000 ha cao su; trong đó cao su tiểu điền chiếm một nửa diện tích. Trong một nửa còn lại, doanh nghiệp quốc doanh chiếm 40%, 10% diện tích thuộc về các doanh nghiệp tư nhân. Để có thể cùng vượt qua những thách thức hiện tại, cả doanh nghiệp cao su quốc doanh, doanh nghiệp tư nhân và cả các hộ sản xuất cao su tiều điền đồng lòng gắn kết, cùng thực hiện các giải pháp tăng năng suất, vững chất lượng mới có thể giữ được giá cao su, và kì vọng giá tăng cao để bù vào chi phí.