Nhà cung ứng linh kiện cho Apple ở Trung Quốc bị tố cưỡng bức lao động

20:35 | 31/12/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Lens Technology, một công ty chuyên cung cấp linh kiện cho Apple tại Trung Quốc bị cáo buộc đã sử dụng hàng nghìn công nhân lao động cưỡng bức từ khu vực Hồi giáo ở Tân Cương.
Theo Washington Post một tài liệu được Tech Transparency Project công bố đã cáo buộc, một công ty chuyên sản xuất linh kiện cho iPhone có tên là Lens Technology đã sử dụng hàng nghìn công nhân Duy Ngô Nhĩ từ vùng Tân Cương chủ yếu là người Hồi giáo đến làm việc tại các nhà máy của họ ở tỉnh Hồ Nam.
 
Lens Technology là một đối tác lâu đời của Apple, công ty này chuyên sản xuất các linh kiện như ống kính dành cho điện thoại iPhone. Ngoài ra công ty này cũng cung cấp ống kính cho các hãng công nghệ lớn khác như Tesla và Amazon.
 
Nhà cung cấp linh kiện cho Apple bị tố cưỡng bức lao động
CEO của Lens Technology là nữ tỷ phú giàu nhất Trung Quốc
 
Được biết, Lens Technology là một trong ít nhất 5 công ty  là đối tác cung ứng của Apple hiện có liên quan đến cáo buộc lao động cưỡng bức từ khu vực Tân Cương. Lens Technology nổi bật so với các nhà cung cấp linh kiện khác của Apple vì có người sáng lập nổi tiếng và lịch sử lâu dài.
 
“Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy việc Apple sử dụng lao động cưỡng bức trong chuỗi cung ứng của mình vượt xa những gì công ty đã thừa nhận,” Katie Paul, giám đốc Tech Transparency Project cho biết.
 
Người phát ngôn của Apple, Josh Rosenstock cho biết công ty đã xác nhận rằng Lens Technology không nhận bất kỳ sự chuyển giao lao động nào là người Duy Ngô Nhĩ từ Tân Cương. Ông cho biết Apple vào đầu năm nay đảm bảo rằng không có nhà cung cấp nào của họ đang sử dụng lao động Duy Ngô Nhĩ được chuyển đến từ Tân Cương.
 
Rosenstock nói: “Apple không khoan nhượng đối với hành vi sử dụng lao động cưỡng bức trong chuỗi cung ứng của mình”. Rosenstock cũng cho biết Apple luôn lên án các hành vi sử dụng lao động cưỡng bức và sẽ chấm dứt hợp đồng với bất kì đối tác cung ứng nào của mình nếu phát hiện hành vi trên.
 
Trả lời tờ The Post bộ Ngoại giao Trung Quốc phủ nhận sự tồn tại của lao động cưỡng bức và cho biết cáo buộc trên là những lời bịa đặt của các thành phần có tư tưởng chống phá.
 
Trong một báo cáo trước đó, Lens Technology cũng đã cáo buộc áo phông cotton mà nhân viên Apple Store mặc cũng có nguồn gốc từ lao động bị cưỡng bức ở Tân Cương. Josh Rosenstock khẳng định Apple không nhận áo từ Tân Cương nhưng không nói liệu công ty trước đây từng làm điều đó hay chưa.
 
H.A