Nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett: 'Chứng khoán Mỹ đang trở thành sòng bạc'
Tại cuộc họp cổ đông thường niên của Barkshire Hathaway vào hôm 30/4, tỷ phú Warren Buffett thẳng thắn chỉ trích những ngân hàng đầu tư và công ty môi giới khi tạo điều kiện cho hành vi đầu cơ nở rộ. Ông nói: "Phố Wall hưởng lợi nhiều khi nhà đầu tư “đánh bạc” hơn là đầu tư chân chính”.
Theo vị tỷ phú 91 tuổi, cách thị trường tài chính vận hành đã thay đổi đáng kể. Hàng triệu cá nhân mở tài khoản chứng khoán, hiện tượng nhà đầu tư nhỏ lẻ tràn vào thị trường trong thời kỳ đại dịch để đặt cược vào những cổ phiếu biến động mạnh đã đẩy giá cổ phiếu lên mức kỷ lục. Thậm chí, nhiều cổ phiếu tăng điên cuồng nhờ vào những làn sóng thổi giá trên mạng xã hội Reddit.
Nhà đầu tư huyền thoại Buffett và người cộng sự lâu năm, Phó chủ tịch Berkshire Charlie Munger, cho rằng trên thực tế, nhiều nhà đầu tư không hướng đến đầu tư dài hạn mà chỉ nắm giữ cổ phiếu với mong muốn "lướt sóng", kiếm lời trong ngắn hạn bằng việc đặt cược vào những cổ phiếu biến động mạnh.
Ông cũng chỉ ra việc các hợp đồng quyền chọn mua (call option) ngày càng nhiều đang giúp các nhà môi giới kiếm được nhiều tiền hơn so với các hoạt động đầu tư đơn giản.
Phó Chủ tịch Charlie Munger cảnh báo thêm: “Tình hình hiện nay của thị trường thật điên rồ. Tôi không nghĩ rằng bất kỳ một nền kinh tế khôn ngoan nào lại mong muốn kết quả như vậy. Có ai lại muốn thị trường tài chính của quốc gia mình biến thành sòng bạc? ”
Sau năm 2021 thăng hoa, bước sang đầu năm 2022, tình thế trên phố Wall đã thay đổi. Thị trường chứng khoán Mỹ bắt đầu ghi nhận những phiên lao dốc mạnh, hàng loạt cổ phiếu bao gồm cả những nhóm từng là trụ đỡ tăng trưởng như nhóm công nghệ cũng chìm trong sắc đỏ. Sàn Nasdaq, vốn nắm giữ nhiều mã cổ phiếu yêu thích của các nhà giao dịch nhỏ, đang lùi hơn 23% so với đỉnh lịch sử.
Mặc dù chỉ trích thị trường chứng khoán trong những năm gần đây đang trở thành “sòng bạc”, nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett cũng thừa nhận rằng đó là lúc Berkshire Hathaway tìm thấy những cơ hội đầu tư thật sự hấp dẫn. Trong thời gian đó, vị tỷ phú có thể tìm được các doanh nghiệp bị định giá thấp để đầu tư trở lại, sau một thời gian "không có gì đáng mua".
Ông Buffett nói rằng Berkshire đã chi 41 tỷ USD để mua cổ phiếu trong quý đầu tiên, giải phóng kho tiền mặt của công ty sau một khoảng thời gian dài tạm lắng. Khoảng 7 tỷ USD trong số đó đã được sử dụng để mua cổ phần của Occidental, nâng sở hữu của ông tại nhà sản xuất dầu lên hơn 14%. Vị tỷ phú cho hay: “Thỉnh thoảng thị trường trở nên điên rồ thì Berkshire lại có cơ hội đầu tư giá trị".
Bên cạnh đó, ông Buffet cũng khẳng định Berkshire sẽ luôn dồi dào tiền mặt, đặc biệt trong những thời điểm cần thiết; và rằng Berkshire có thể “giỏi hơn ngân hàng” trong việc cho các doanh nghiệp khác vay. Công việc kinh doanh phát đạt; nền kinh tế đang phục hồi và thị trường chứng khoán bùng nổ đã giúp đẩy thu nhập ròng của công ty lên mức kỷ lục vào năm 2021.
Trước đây, tỷ phú Warren Buffett còn từng nhiều lần bày tỏ sự không hài lòng đối với các ngân hàng đầu tư vì cho rằng lãnh đạo các ngân hàng này thường thúc đẩy các thương vụ sáp nhập và chia tách doanh nghiệp để hưởng phí tư vấn chứ không phải vì mục tiêu cải thiện hiệu quả hoạt động của khách hàng doanh nghiệp. Ông Buffett từng đưa ra lời đề nghị mua lại công ty bảo hiểm Alleghany với giá 848,02 USD/cổ phiếu và tuyên bố Berkshire không muốn phải trả phí tư vấn sáp nhập 27 triệu USD cho ngân hàng Goldman Sachs.
Theo báo cáo trước đó, hiệu quả kinh doanh năm nay của Berkshire không khác nhiều so với năm trước. Thu nhập từ các đơn vị sản xuất và đường sắt BNSF đã bù đắp cho sự sụt giảm lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm của công ty.
Berkshire kết thúc năm ngoái với lượng tiền mặt gần kỷ lục, đạt 146,72 tỷ USD vào quý IV/2021. Sau những thương vụ rót tiền lớn gần đây, núi tiền mặt giảm xuống còn 106,26 tỷ USD trong quý I/2022.