Sự bình tĩnh của phố Wall rạn vỡ khi FED chọn 'con đường đau khổ'

Nguyễn Thị Thùy Dung 10:36 | 23/04/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Dow Jones mất gần 1.000 điểm trong một phiên giao dịch, mà nguyên nhân trực tiếp là một phát ngôn của Chủ tịch FED Jerome Powell.

Dow Jones bay gần 1.000 điểm trong một phiên
"tắm máu" của phố Wall: Vì đâu nên nỗi?

Lực bán tháo mạnh mẽ đưa Dow Jones sụt mạnh 981,36 điểm, tương đương 2,8%, chốt phiên ở 33.811,40 điểm. Đây là phiên giao dịch giảm sâu nhất của Dow Jones kể từ phiên 28/10/2020 đến nay.

Dow Jones vừa trải qua phiên giao dịch tệ nhất trong gần 2 năm (Ảnh: CNBC)

Tương tự, S&P 500 lùi sâu 2,8% xuống mức 4.271,78 điểm trong ngày giao dịch tồi tệ nhất kể từ tháng 3. Nasdaq Composite cũng giảm 2,6% xuống 12.839,29 điểm.

Áp lực giảm đến từ đa số ngành. Ở mảng chăm sóc sức khỏe, cổ phiếu HCA Healthcare tụt sâu 21,8% và là cổ phiếu hoạt động kém nhất trong chỉ số S&P 500. Cổ phiếu Intuitive Surgical và Universal Health Services đều giảm mạnh 14,3% trong khi cổ phiếu DaVita mất gần 9,2% và DexCom mất 6,7%.

Các cổ phiếu tài chính như Goldman Sachs, Home Depot và Visa đóng góp lớn vào mức giảm toàn thị trường. Trong lĩnh vực viễn thông, cổ phiếu Verizon bốc hơi 5,6% khi công ty cho biết lượng thuê bao di động hàng tháng đã giảm mạnh 36.000 thuê bao trong quý đầu tiên.

Trong lĩnh vực bán lẻ, cổ phiếu của Gap giảm 18% sau khi công ty thông báo CEO nhãn hiệu Old Navy, bà Nancy Green sẽ rời khỏi vị trí lãnh đạo trong tuần này. Ngoài ra, Gap cũng hạ triển vọng tăng doanh thu trong năm tài chính 2022.

Kết thúc tuần, Dow Jones tụt 1,9%, tuần giảm thứ tư liên tiếp. Nasdaq Composite giảm 3,8%. Sự bình tĩnh của phố Wall dường như đang có dấu hiệu rạn vỡ.

Ông Brian Price, người đứng đầu bộ phận quản lý đầu tư từ Commonwealth Financial Network nhận định: “Đây là tuần thứ hai liên tiếp ta chứng kiến dòng vốn từ các quỹ tương hỗ chảy đi với lượng đáng kể, và những phiên giao dịch khó khăn như vậy có thể tác động đến tâm lý nhà đầu tư trong tương lai”.

Đào sâu nguyên nhân gây lực bán tháo, nhà kinh tế trưởng Jeanette Garretty tại Robertson Stephens Wealth Management cho rằng: “Tất cả bắt nguồn từ phát biểu của Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Jerome Powell (rằng mức tăng lãi suất 0,5% có thể sẽ được thông qua trong tháng 5)".

"Những dự báo thận trọng về triển vọng kinh doanh trong tương lai cùng với kết quả kinh doanh kỳ vừa qua đều cho thấy một tinh thần xuyên suốt: cuộc chiến chống lạm phát của FED sẽ gây ra những tác động tiêu cực", bà Jeanette Garretty nói thêm.

Tương tự, nhà phân tích chiến lược đầu tư Ross Mayfield tại Baird chia sẻ trên tờ CNBC rằng quan điểm “diều hâu” của FED trong cuộc chiến chống lạm phát là nguyên nhân chính gây biến động cho dòng vốn trên thị trường và tình trạng biến động có thể sẽ tiếp tục trong thời gian tới.

Siết chính sách tiền tệ là chấp nhận
đi một con đường đau khổ

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ đã tăng vọt lên mức cao nhất trong 4 thập kỷ suốt vài tháng gần đây, nhưng FED chỉ vừa kết thúc hoàn toàn gói mua tài sản và nâng lãi suất cơ bản một lần, mức nâng 0,25% trong cuộc họp chính sách tiền tệ hồi giữa tháng 3. Dù FED đưa ra lộ trình nâng lãi suất 7 lần trong năm nay và mức nâng 0,5% ngay trong tháng 5 tới, lãi suất cơ bản tại Mỹ hiện vẫn đang ở 0,25-0,5%, mức thấp tiệm cận kỷ lục. Trong khi đó, bảng cân đối kế toán của ngân hàng trung ương đang phình to lên khoảng 9 nghìn tỷ USD, tức hơn gấp đôi mức trước đại dịch.

Lạm phát tại Mỹ liên tục tăng, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 đã lên mức cao nhất trong 41 năm
Nhưng FED chỉ vừa nâng lãi suất một đợt vào tháng 3 sau khoảng thời gian dài duy trì lãi suất tiệm cận 0% (Ảnh: FED St. Louis)

Ngay cả khi FED nỗ lực chuyển sang lập trường sang siết chính sách tiền tệ, cơ quan này dường như vẫn loay hoay trong cuộc chiến chống lạm phát kỷ lục. Đơn giản vì FED phải gánh trên vai nhiệm vụ kép: một mặt kiểm soát sự ổn định giá cả, một mặt thúc đẩy thị trường lao động và duy trì tăng trưởng kinh tế. Mà trên lý thuyết, để kiểm soát lạm phát, có thể phải hy sinh thị trường lao động và tăng trưởng kinh tế.

Giới chuyên gia đồng tình rằng siết chính sách tiền tệ chưa bao giờ là con đường dễ dàng. Bà Kathy Jones, chiến lược gia trưởng tại Charles Schwab bày tỏ sự hoài nghi về khả năng FED cùng lúc duy trì cả hai mục tiêu này: “Tăng lãi suất hàng loạt để kiềm chế lạm phát nhưng tăng trưởng GDP và tỷ lệ thất nghiệp vẫn ổn định? Thật khó tin”.

Cựu Bộ trưởng Lao động Mỹ Robert Reich lý giải: “Mục đích của biện pháp tăng lãi suất là để làm xẹp bớt bong bóng ra khỏi những ‘cánh buồm’ căng phồng đang dẫn dắt nền kinh tế. Theo đúng định nghĩa, nếu việc tăng lãi suất giúp kiểm soát lạm phát hiệu quả, thị trường lao động chắc chắn sẽ chịu tổn thất”.

Tương tự, giáo sư chính sách công và kinh tế tại Đại học Michigan, Justin Wolfers cũng cho hay: "Cơ chế điều hành chính sách tiền tệ để giải quyết lạm phát không gì khác là việc giảm tốc đà tăng trưởng kinh tế. Ta phải chấp nhận đó là một con đường đau khổ”.

 

“Những gì diễn ra ở đây không khác gì bài học cũ trong Kinh thánh: 'Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này và yêu chủ kia, hoặc sẽ trọng chủ này và khinh chủ kia'. Thời gian qua, FED đã tập trung nâng đỡ thị trường lao động mà lờ đi rủi ro lạm phát, giờ là lúc họ phải sửa sai. Phải chấp nhận những tác động tiêu cực”, Giáo sư danh dự kinh tế Burton A. Abrams từ Đại học Delaware nhận định.

Nguy cơ tăng trưởng giảm tốc và thị trường đón “gió ngược” là một trong những nguyên nhân đưa thị trường chứng khoán Mỹ đỏ sàn trong phiên giao dịch gần nhất. Và trong bối cảnh FED tiếp tục siết chính sách tiền tệ mạnh tay hơn trong khi áp lực lạm phát còn rất lớn, chứng khoán Mỹ còn một con đường gập ghềnh trước mắt.