Làn sóng bán tháo nhấn chìm phố Wall trong tháng 4 tồi tệ, niềm tin thị trường cần 'điểm tựa'

Nguyễn Thị Thùy Dung 16:16 | 30/04/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trong khi VN-Index trải qua những ngày biến động, ở bên kia bờ đại dương, phố Wall cũng đang chứng kiến sắc đỏ ngập tràn. Nasdaq Composite chốt phiên giao dịch 29/4 tụt mạnh 4,2%, kết thúc tháng giao dịch tồi tệ nhất kể từ tháng 10/2008 trong khi S&P 500 cũng ghi nhận tháng sụt giảm chưa từng có kể từ tháng 3/2020, thời điểm đại dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát ở Mỹ. Hàng nghìn tỷ USD đã bị thổi bay khỏi thị trường chứng khoán Mỹ.

Chỉ tính riêng phiên 29/4, Nasdaq Composite bay hơi 4,2% xuống 12.334,64 điểm do sức ghì từ hàng loạt cổ phiếu công nghệ. Đặc biệt, cổ phiếu Amazon tụt thẳng đứng 15% sau khi gã khổng lồ thương mại điện tử báo cáo kết quả kinh doanh thấp hơn kỳ vọng. 

Chỉ số S&P 500 cũng giảm khoảng 3,6% xuống 4.131,76 điểm trong phiên. Tương tự, Dow Jones mất 2,8%, tương đương 940 điểm, chốt phiên ở 32.978,52 điểm. 

Cả 3 chỉ số chính của phố Wall lao dốc trong tuần qua (Ảnh: Barrons)

Như vậy, kết thúc tháng 4, Nasdaq Composite mất 12%, S&P 500 mất hơn 7% và Dow Jones giảm gần 4%. Hiện Nasdaq Composite đang tụt khoảng 23% so với mức đỉnh kỷ lục; S&P 500 thấp hơn đỉnh 13% và Dow Jones thấp hơn đỉnh khoảng 10%.

Niềm tin suy yếu, không một tín hiệu sáng dẫn đường

Tờ CNN nhận định nguyên nhân dẫn đến tháng rực lửa của phố Wall là do tâm lý không chắc chắn của nhà đầu tư trong bối cảnh bất ổn địa chính trị toàn cầu, lạm phát lên mức cao nhất 4 thập kỷ trong khi tăng trưởng GDP quý I của Mỹ bất ngờ giảm tốc -1,4% và sự lao dốc của các cổ phiếu công nghệ khi Cục Dự trữ Liên bang (FED) phát tín hiệu thắt chặt tiền tệ mạnh tay.

Đầu tiên, việc các cổ phiếu đại công ty công nghệ trên phố Wall đi từ vị thế người chiến thắng đến kẻ chiến bại đã kéo lùi cả 3 chỉ số chính của chứng khoán Mỹ.

Nếu có ai đó được hưởng lợi lớn từ đại dịch COVID-19, thì đó là các đại công ty công nghệ sẽ cùng với nhóm y tế, chăm sóc sức khỏe nằm ở vị trí đầu tiên. 

Được thúc đẩy bởi môi trường lãi suất thấp và nhu cầu làm việc, học tập, giải trí online trong đại dịch, các công ty công nghệ từ Netflix cho đến Zoom đều báo cáo lợi nhuận tăng vọt trong nhiều tháng của năm 2020-2021. Điều đó góp phần thúc đẩy các chỉ số chính tăng cao, vì các công ty công nghệ thông tin chiếm phần lớn trong chỉ số Nasdaq Composite và khoảng 28% trong S&P 500.

Nhưng giờ đây, tình hình đã thay đổi. FED đang hướng tới lộ trình nâng lãi suất liên tục để kiểm soát lạm phát, và thế giới đang học cách sống chung với đại dịch. Công nhân viên, học sinh, sinh viên… quay trở lại văn phòng và trường học. Các dịch vụ vui chơi giải trí tại chỗ bùng nổ sau một thời gian bị nén lại. Các công ty công nghệ có nguy cơ không duy trì được mức tăng trưởng ấn tượng trong thời gian qua.

Tuần trước, Netflix báo cáo số người đăng ký giảm trong quý I, quý giảm đầu tiên sau nhiều năm. Giá cổ phiếu Netflix lập tức mất hơn 40% sau thông tin.

Các cổ phiếu đại công ty công nghệ khác cũng báo cáo kết quả kinh doanh quý I hoặc triển vọng các quý tiếp theo không đạt kỳ vọng, trừ một vài trường hợp cá biệt như Meta, công ty mẹ Facebook. Giá cổ phiếu Amazon giảm sâu sau khi công bố khoản lỗ hàng quý đầu tiên kể từ năm 2015 trong quý I. Giá cổ phiếu Apple cũng tụt mạnh do cảnh báo tình trạng phong tỏa nhiều thành phố ở Trung Quốc có nguy cơ ảnh hưởng nặng nề đến chuỗi cung ứng và doanh số bán hàng của hãng.

Nguyên nhân thứ hai khiến chứng khoán Mỹ tháng 4 chìm trong sắc đỏ là cuộc chiến chống lạm phát của FED đối diện nhiều thách thức.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tháng 3 tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2021, mức tăng cao nhất trong hơn 4 thập kỷ. Các nhà đầu tư không chỉ lo ngại về lạm phát, mà điều khiến họ quan ngại hơn là nguy cơ FED thất bại trong kiểm soát lạm phát dù có mạnh tay siết chính sách tiền tệ. 

Nhiệm vụ của FED là rất khó khăn, ngân hàng trung ương phải giảm tốc nền kinh tế ở tốc độ vừa đủ để hạ nhiệt lạm phát mà không đưa Mỹ vào suy thoái. Nhiều ý kiến cho rằng quan điểm diều hâu của FED có thể đẩy nền kinh tế vào suy thoái nếu cơ quan này liên tục tăng lãi suất và tìm cách thu hẹp bảng cân đối kế toán đã lên tới khoảng 9 nghìn tỷ USD.

Một nguyên nhân khác cũng góp phần gây ra đà bán tháo trên phố Wall là lo ngại về chính sách Zero-COVID ở Trung Quốc và chiến sự ở Ukraine. 

Khi Thượng Hải bước sang tuần phong tỏa thứ năm, hàng loạt nhà máy tại thành phố phải tạm ngừng hoạt động, các cảng biển cũng không thể duy trì công suất thông thường. Các nhà kinh tế dự báo điều này sẽ tác động làm trầm trọng thêm sự gián đoạn chuỗi cung ứng. 

Trong khi đó, chiến sự ở Ukraine đang gây ra vấn đề tương tự về chuỗi cung ứng nhiều mặt hàng năng lượng, nguyên vật liệu, thúc đẩy lạm phát toàn cầu tăng cao. Kể từ cuối tháng 2 đến nay, giá dầu Brent tiêu chuẩn liên tục giao dịch trên 100 USD/ thùng. Giá ngũ cốc và kim loại cũng tăng vọt do tác động của lệnh trừng phạt mà phương Tây áp đặt lên Nga.

Thực tế thời gian qua, các tập đoàn đa quốc gia niêm yết trên sàn New York đang liên tục đưa ra dự báo không quá tích cực về kết quả kinh doanh những quý tiếp theo, trong đó có cả những tên tuổi lớn như Apple, Netflix...

Các nhà phân tích Bank of America gần đây đã cắt giảm dự báo S&P 500 mục tiêu năm nay xuống còn 4.500 điểm từ mức 4.600 điểm đưa ra trong dự báo trước đó. Theo nhóm này, bình quân mức giảm từ đỉnh đến đáy của S&P 500 trong mỗi cuộc suy thoái là khoảng 32%, nghĩa là mức giảm khoảng 13% của S&P 500 hiện nay chỉ báo hơn 1/3 cơ hội nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái.

Nhà đầu tư có thể cần một nhịp nghỉ

Nhà phân tích chứng khoán kỳ cựu Jim Cramer của tờ CNBC nhận định chứng khoán Mỹ sẽ có một khởi đầu khó khăn vào tuần tới sau khi kết thúc tháng 4 ảm đạm. “Tôi hy vọng tuần tới sẽ ổn hơn, dù phải nói rằng tôi không kỳ vọng một phiên giao dịch tốt đẹp vào thứ Hai”.

Sau những đợt điều chỉnh ở thời điểm suy thoái, khủng hoảng hay FED thắt chặt chính sách tiền tệ, S&P 500 vẫn phục hồi mạnh mẽ (Ảnh: The Street)

Nhìn vào quá khứ thị trường chứng khoán có thể giúp nhà đầu tư lấy lại đôi chút lạc quan. Bởi trong lịch sử, sau những lần khủng hoảng như khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008, đại dịch COVID-19 năm 2020 hay lần FED thắt chặt định lượng năm 2018, dù thị trường có lao dốc một khoảng thời gian nhưng cuối cùng đã lấy lại đà tăng mạnh mẽ. Tính từ năm 1992 đến nay, S&P 500 đã tăng tới 870%.

“Khi chúng ta liên tục bị tác động bởi tin tức, đặc biệt là tin tức tiêu cực, chúng ta rất dễ quên đi bức tranh dài hạn. Điều đó thường xuyên xảy ra. Do đó, tôi sẽ tận dụng 2 ngày cuối tuần để thư giãn và có một cái nhìn khách quan về những gì mà bức tranh vĩ mô đang cho chúng ta thấy”, một bài viết trên SeekingAlpha cho hay.