Nhà đầu tư nên quan tâm điều gì giai đoạn quý IV/2023 – 2024?

PV 09:10 | 03/11/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trải qua hơn 3/4 chặng đường năm 2023, hình ảnh gói gọn trong hành trình vừa qua là dòng chữ "kinh tế buồn" với cả người lao động, doanh chủ và giới đầu tư. Đứng trước viễn cảnh khó khăn bủa vây ngay từ đầu năm, Chính phủ đã rất quyết liệt trong việc đẩy nhanh và mạnh "chính sách nới lỏng" trên cả hai mặt trận tài khoá và tiền tệ. Tuy nhiên, chính sách luôn cần thời gian thẩm thấu và tốc độ nhanh hay chậm còn tuỳ vào bối cảnh trong và ngoài nước.

 

Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng là khu vực hiếm hoi duy trì được mức tăng trưởng dương từ đầu năm đến nay và là động lực chính gánh tăng trưởng cho nền kinh tế. Tuy nhiên, rõ ràng tốc độ tăng trưởng đã có sự giảm sút và vẫn tiếp tục trong xu hướng suy giảm. Tổng kết 9 tháng đầu năm, bán lẻ chỉ tăng trưởng khoảng 9,8% so với cùng kỳ, trong khi đó trung bình Việt Nam con số tăng trưởng bán lẻ thường duy trì là 12-13%.

Về xuất khẩu, những tháng đầu năm chứng kiến sự suy giảm kỷ lục. Tuy mức độ suy giảm đã chậm lại trong các tháng gần đây tại những thị trường lớn, nhưng đây vẫn là mức tăng trưởng rất yếu.

Khi nhu cầu tiêu dùng cả trong và ngoài nước khó khăn, hoạt động sản xuất cũng không thể tránh khỏi vòng xoáy suy giảm. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tính chung 9 tháng đầu năm chỉ tăng trưởng 0,3%, trong khi bình quân tăng trưởng công nghiệp Việt Nam luôn duy trì quanh mức tăng 9-10% mỗi năm. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) cũng luôn giữ nền ở mức dưới 50 trong gần một năm vừa qua, xác nhận một lần nữa khu vực sản xuất vẫn còn đang khó khăn và các chủ doanh nghiệp cũng đang rất thận trọng.

 

 

Trước bối cảnh khó khăn, Chính phủ đã đặt ưu tiên tập trung phục hồi tăng trưởng kinh tế trong nước bằng cách duy trì chính sách tiền tệ và tài khoá nới lỏng, mặc các nền kinh tế lớn vẫn đang theo hướng thắt chặt để kiểm soát lạm phát.

Kể từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã có 4 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành nhằm định hướng giảm mặt bằng lãi suất huy động và cho vay. Hiện tại chính sách này đang hiệu quả khi lãi suất huy động đã giảm mạnh và tiến về sát khu vực trước đợt tăng lãi suất vào năm 2022.

Lãi suất cho vay thẩm thấu chậm hơn nhưng cũng đang nằm trong xu hướng giảm, kỳ vọng quý IV trở đi lãi suất cho vay sẽ giảm mạnh hơn nữa khi chi phí vốn của ngân hàng giảm và áp lực nợ xấu bớt căng thẳng.

Song song với giảm lãi suất, Ngân hàng nhà nước cũng ban hành một loạt các chính sách mới đồng bộ khơi thông ba mắt xích còn lại của kinh tế Việt Nam: Nợ xấu ngân hàng, Thị trường trái phiếu và Thị trường bất động sản.

Nổi bật nhất là Thông tư 02/2023/TT-NHNN ban hành 23/04/2023 cho phép cơ cấu lại nợ, gia hạn thời gian trả nợ, không chuyển nhóm nợ. Chính sách này giúp giảm bớt áp lực ghi nhận nợ xấu lên bảng cân đối của ngân hàng và giúp tăng khả năng tiếp cận vốn cho người dân và doanh nghiệp.

Đối với thị trường trái phiếu, Nghị định 08/2023/NĐ-CP được thông qua ngày 05/03/2023 (sửa đổi và tạm ngưng hiệu lực một số điều trong Nghị định số 65/2022/NĐ-CP) và Thông tư 03/2023/TT-NHNN ban hành ngày 23/04/2023 (sửa đổi Thông tư 16/2021) nới lỏng một số điều kiện về cho vay và cho phép tổ chức tín dụng mua lại trái phiếu mà họ đã phát hành. Hai văn bản này đã góp phần lớn trong việc tháo gỡ khó khăn trong việc phục hồi và phát hành trái phiếu doanh nghiệp, giảm tải áp lực từ thị trường trái phiếu lên toàn bộ hệ thống.

 

Về lĩnh vực bất động sản, Nghị quyết số 33/NQCP được ban hành đầu tháng 3/2023 đã tạo tiền đề cho nhiều chính sách hỗ trợ bất động sản khác được đẩy mạnh ngay trong quý 2 như: Công văn số 2308/NHNN-TD triển khai gói tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng (cho vay nhà ở xã hội với lãi suất thấp hơn mức lãi suất thị trường); Nghị định số 10/2023/NĐ-CP tháo gỡ các vấn đề pháp lý đối với các dự án; Thông tư 10/2023/TT-NHNN ban hành ngày 23/8/2023 về việc ngưng hiệu lực thi hành một số điều khoản của Thông tư 06/2023/TT-NHNN, giúp doanh nghiệp bất động sản bớt gánh nặng trong việc tiếp cận lại vốn vay. Tất cả những chính sách trên tuy chưa giải quyết triệt để nhưng cũng là đã là động lực rất lớn khơi thông khó khăn trước mắt về vốn và pháp lý cho các doanh nghiệp bất động sản trước khi thị trường và pháp lý có sự chuyển biến mạnh mẽ hơn.

 

Đầu tiên, áp lực từ tỷ giá và lạm phát tăng mạnh trở lại trong những tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024 sẽ làm giảm không gian hạ thêm lãi suất điều hành, NHNN có thể sẽ phải chuyển sang các công cụ tiếp theo để hỗ trợ nền kinh tế.

Tóm lại, trong giai đoạn tới chính sách tiền tệ có thể sẽ không thể thiên về hướng nới lỏng như 9 tháng đầu năm 2023 mà sẽ ở mức độ trung hoà, không thắt không nới.

Kinh tế khu vực Liên minh Châu Âu và Trung Quốc vẫn tiếp tục yếu đi, kinh tế Mỹ cũng đang thể hiện nhiều dấu hiệu rủi ro tiềm ẩn trong năm 2024, ẩn số khủng hoảng nhà đất Trung Quốc, giá cả tăng cao trong năm 2022-2023 hình thành tâm lý thắt chặt chi tiêu,.... bối cảnh này cho chúng ta nhìn thấy phần nào khu vực xuất khẩu sẽ khó kỳ vọng phục hồi mạnh mẽ trong năm 2024. Với một nền kinh tế phục thuộc nhiều vào xuất khẩu và FDI như Việt Nam thì đây sẽ tiếp tục là thách thức lớn với tăng trưởng kinh tế năm 2024.

Vấn đề địa chính trị được diễn biến phức tạp và khó dự báo cũng sẽ là điều nhà đầu tư cần đặc biệt chú ý. Tùy thuộc vào mức độ xung đột, càng căng thẳng cao càng tác động lớn đến giá hàng hoá và sự dịch chuyển dòng tiền đầu tư toàn cầu.

Với viễn cảnh lạm phát diễn biến phức tạp và tỷ giá rất nhạy với sự dịch chuyển vốn sẽ làm thị trường tài chính Việt Nam 2024 bị ảnh hưởng không nhỏ bởi hai yếu tố này.

 

Hầu hết các chính sách trong 9 tháng đầu năm chủ yếu là giải quyết vấn đề ngắn hạn của thị trường năm 2023, một số nghị định và chính sách hết hiệu lực vào cuối năm nay và một số văn bản dự kiến ban hành vào nửa cuối năm sau sẽ có những tác động không nhỏ đến thị trường tài chính và nền kinh tế.

Trong đó, các chính sách hỗ trợ cho thị trường trái phiếu (Nghị định 08/2023/ND-CP và Thông tư 03/2023/TT-NHNN) sẽ hết hiệu lực từ ngày 31/12/2023 và tái thực hiện Nghị định số 65/2022/NĐ-CP hay Thông tư 16/2021/TT-NHNN từ năm 2024.

Đối với hệ thống ngân hàng. Thông tư 08/2020/TT-NHNN yêu cầu các Ngân hàng giảm tỷ lệ dùng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn xuống mức 30% thay vì 34% như trước đã có hiệu lực từ ngày 1/10/2023. Quy định này hiệu lực cũng sẽ gây áp lực không nhỏ lên hệ thống ngân hàng.

Thông tư 02/2023/TT-NHNN nợ xấu sẽ trích lập ít nhất 50% trong năm 2023 và phần còn lại trích lập toàn bộ trong năm 2024. Đến hết ngày 30/06/2024 việc gia hạn thời gian trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng khó khăn cũng sẽ hết hiệu lực.

Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) dự kiến trình thảo luận tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV khai mạc ngày 23/10 nếu thông qua là ba văn bản quan trọng sẽ giúp các dự án chuyển động về mặt pháp lý, qua đó tạo tâm lý tích cực lên thị trường bất động sản trong thời gian tới.

Trần Ngọc Báu - Tổng Giám đốc CTCP Dữ liệu và Công nghệ tài chính WiGroup