Nhận diện "cú hích" COVID-19 cho sự phát triển thương mại điện tử ở Việt Nam

16:59 | 24/08/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy xu hướng mua hàng thực phẩm trực tuyến của đông đảo người tiêu dùng trong thời điểm này. Có thể nói, trong thực tế hiện tại, đại dịch vừa có nguy cơ vừa mang đến những cơ hội.

Nếu như trước đây, người tiêu dùng luôn giữ thói quen đi chợ truyền thống thì hiện nay để đảm bảo an toàn giữa mùa dịch COVID-19, người tiêu dùng đã có thêm lựa chọn mới, đó là chuyển sang mua sắm thực phẩm tươi sống trực tuyến, từ các sàn thương mại điện tử như Lazada, Shopee đến các ứng dụng di động như ví điện tử, VinID…

Không chỉ người tiêu dùng mà các nhà bán hàng cũng nhanh chóng thích nghi với tình hình mới, triển khai cung cấp đa dạng các sản phẩm thực phẩm cùng với các hình thức thu hút người tiêu dùng như: Livestream (phát trực tiếp) bán hàng, giao hàng nhanh chóng…

Sau COVID-19, mảng bán hàng online tiếp tục được đơn vị đẩy mạnh và nhận được sự tin tưởng của người tiêu dùng.

Báo Chính phủ có đoạn, theo nghiên cứu gần đây nhất của Mastercard Impact Studies, đại dịch COVID-19 đã góp phần thúc đẩy nền kinh tế số tại khu vực Đông Nam Á thông qua đẩy nhanh quá trình ứng dụng các phương thức thương mại điện tử, giao hàng tận nhà, thanh toán số và không tiếp xúc.

Báo cáo chỉ ra rằng, một số xu hướng và thói quen được hình thành trong bối cảnh ứng phó với đại dịch có thể sẽ tiếp tục được duy trì trong thời gian dài.

Nhận diện cú hích COVID-19 cho sự phát triển thương mại điện tử ở Việt Nam - ảnh 1

Ảnh minh họa

Tin trên baoquocte.vn, theo Quyết định 645/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025. Đến năm 2025, Việt Nam đặt mục tiêu thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 50%, trong đó thanh toán thực hiện qua các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán chiếm 80%.

Bên cạnh đó, chiến lược đẩy mạnh số hóa được Chính phủ Việt Nam xem là mục tiêu quốc gia và dự án "Chuyển đổi số Quốc gia" đã được trình Chính phủ với nhiều kỳ vọng đến năm 2025, đặt tham vọng: chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia theo WEF thuộc TOP 40 (năm 2020 đạt TOP 50); 50% doanh nghiệp SME chuyển dịch sang nền tảng số (năm 2020 đạt 10%); công nghiệp số đạt ít nhất 25% GDP (năm 2020 đạt 15%); Phát triển ít nhất 80.000 doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.

Rõ ràng, thương mại điện tử đã bùng nổ tại nhiều quốc gia có nền kinh tế năng động như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… và trên thực tế, nền kinh tế của nhiều quốc gia trên toàn cầu cũng đã góp phần hình thành một ngành thương mại điện tử thay cho mô hình kinh doanh truyền thống, tưởng chừng sẽ khó thay đổi thói quen tiêu dùng.

Ngoài ra, báo cáo mới nhất của eMarketer - một hãng nghiên cứu đến từ Mỹ cũng cho thấy, Việt Nam là thị trường bùng nổ của smartphone (điện thoại thông minh) với 30% dân chúng sử dụng. Thời gian online trên thiết bị di động cũng chiếm tới 1/3 ngày của người tiêu dùng Việt Nam.

Trao đổi về xu hướng phát triển của thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam trong thời gian tới, Báo Công thương điện tử dẫn lời chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong: "Thương mại điện tử đã sớm du nhập, hiện đã phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu. Việt Nam có rất nhiều điều kiện để thương mại điện tử phát triển, như dân số trẻ, quan tâm tới Internet.

Ngoài ra, các dịch vụ đã có những thuận lợi nhất định, nhất là vấn đề giao hàng tận nơi, ưng ý thì mới chả tiền. Chưa kể dịch bệnh lây lan cũng là cơ hội, động lực để các doanh nghiệp tập trung phát triển mạnh thương mại điện tử".

Còn theo Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương: "Thị trường thương mại điện tử của Việt Nam rất tiềm năng. Việc sử dụng các thiết bị IT, đặc biệt là điện thoại thông minh, cộng với cơ sở hạ tầng về IT cho phép Việt Nam có một nền tảng khả tốt.

Trên thực tế, thương mại điện tử đã phát triển khá nhanh trong những năm qua. Việt Nam là một trong những nước phát triển thương mại điện tử nhanh nhất Đông Nam Á. Dịch COVID-19 tác động tiêu cực đến đa số lĩnh vực, tuy nhiên có thể xem nó là chất xúc tác, cú hích cho phát triển thương mại điện tử tại Việt Nam. Trong chỉ thị của Thủ tướng về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cũng lưu ý về việc thúc phát triển đẩy thương mại điện tử. Đây là xu thế của công cuộc chuyển đổi số".

Với sự phát triển của Internet, 4G và các thiết bị di động, đặc biệt là smartphone, cùng hàng ngàn thẻ ngân hàng phát hành mỗi ngày, thương mại điện tử Việt Nam đang đứng trước thời cơ bùng nổ. Điều đó đồng nghĩa với cơ hội cho các doanh nghiệp ngành thương mại điện tử đón làn sóng đầu tư từ các nhà đầu tư ngoại thông qua các hình thức M&A.

Để thương mại điện tử được phát triển một cách đồng bộ, hiệu quả ngoài việc chịu sự tác động bởi nhu cầu của thị trường, năng động về kinh doanh, theo các chuyên gia kinh tế, vai trò của Nhà nước là cực kỳ quan trọng trong công cuộc xây dựng cơ sở pháp lý, cộng với cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, vấn đề an ninh mạng và các biện pháp đảm bảo sự việc diễn ra tranh chấp cũng như giảm thiểu, ngăn chặn các vụ lừa đảo xảy ra trong thương mại điện tử.

Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội, các doanh nghiệp này cũng phải đối diện với nhiều thách thức khi họ phải chuyển đổi cơ chế hoạt động, cũng như lựa chọn hợp tác với các doanh nghiệp có thế mạnh về công nghệ truyền thông và hệ sinh thái, để nhanh chóng đưa các sản phẩm đến với người tiêu dùng.

Lệ Vỹ (T/h)