Nhân viên cũ Gojek nghỉ việc mở công ty riêng, doanh thu tăng gấp 10 lần trong hai năm
Tại Indonesia, truyền thông nói nhiều về việc tăng cường áp dụng công nghệ trong bối cảnh đại dịch. Đặc biệt, một năm rưỡi qua, thị trường lao động nước này đang suy giảm nghiêm trọng, nhiều doanh nghiệp hoặc là phải giảm lương nhân viên hoặc là cắt giảm nhân sự.
Điều này vô tình đã tạo cơ hội cho Sampingan, một startup cung cấp nền tảng quản lý lực lượng lao động của Indonesia. CEO Wisnu Nugrahadi, đồng thời là cựu nhân viên Gojek, tiết lộ rằng hiện có khoảng 1 triệu người đang tìm việc trên nền tảng của mình, tức tăng gấp 3 lần so với thời điểm trước đại dịch.
Đáng chú ý, doanh thu của startup này đã tăng gấp 10 lần từ năm 2019 đến 2021. CEO Nugrahadi nói với Tech in Asia rằng: "Thú thật, từ góc độ tiếp thị, chúng tôi không phải tốn quá nhiều nguồn lực. Có lẽ bởi bản thân cái tên Sampingan đã được những người tìm kiếm việc làm biết đến nhiều rồi", ông nói.
Dữ liệu của App Annie cho thấy lượt tải xuống ứng dụng của Sampingan chậm lại trong năm 2019 song sau đó đã tăng nhanh vào giữa năm 2020. Điều này đủ giúp startup non trẻ thu hút thêm 5 triệu USD trong vòng gọi vốn Series A vào đầu năm nay, nâng tổng vốn đầu tư vào công ty lên 7,1 triệu USD.
Số hoá công việc truyền thống
Sampingan có nghĩa là "công việc phụ", được thành lập vào năm 2018 bởi Nugrahadi, Dimas Pramudya Putra và Margana Mohamad. Ban đầu nó nhằm mục đích giúp các công ty tuyển được nhân viên đã qua các bài kiểm tra, chủ yếu là người lao động chân tay. Nhưng sau đó nó đã mở rộng để cung cấp các dịch vụ khác, bao gồm cả nền tảng đầu cuối SaaS để quản lý doanh nghiệp và thương hiệu.
Nugrahadi và Putra đều là cựu nhân viên của Gojek. Nugrahadi là Giám đốc hoạt động trong khi Putra là Trưởng bộ phận phát triển sản phẩm. Ý tưởng ban đầu để xây dựng Sampingan xuất phát từ một vấn đề mà Nugrahadi gặp phải khi làm việc tại Gojek, đó là hệ thống quản lý nhân viên chạy hoàn toàn bằng "cơm".
Mô hình của Sampingan cũng khác so với các nền tảng tìm kiếm việc làm khác ở một số điểm. Đầu tiên, nó là một nền tảng đóng. Khách hàng cần đăng ký thông qua nhóm bán hàng của Sampingan, và làm như vậy với đại diện chính thức của công ty, thay vì chỉ thực hiện các thao tác trực tuyến thông thường.
Bản thân nền tảng Sampingan cũng tập trung vào doanh nghiệp. Khách hàng có thể thực hiện các quy trình tuyển dụng, theo dõi và quản lý nhân viên cũng như quản lý tiền lương. Tất cả đều có trên Sampingan.
"Những gì chúng tôi làm tại Sampingan thực sự là đơn giản hoá quy trình (tuyến dụng và quản lý lao động) bằng cách tự động hoá hầu hết các bước", vị Founder nói. Nhưng có lẽ sự khác biệt lớn nhất giữa Sampingan và các nền tảng khác là sự tập trung. Trong trường hợp của nhiều nền tảng, họ sẽ chỉ cung cấp việc làm văn phòng như nhập dữ liệu, thiết kế đồ hoạ,…
Trong khi với Sampingan, startup này tập trung vào nhóm người lao động như nhân viên kho hàng, nhân viên bán hàng, giao hàng và những việc tay chân tương tự. Công ty ban đầu tập trung vào những việc bán thời gian hoặc tự do, nhưng giờ đây nó đã mở rộng phạm vi tuyển dụng sang các công việc toàn thời gian.
Các khách hàng của Sampingan luôn có nhu cầu dồi dào đối với nguồn lao động tay chân như vậy, điển hình có thể kể tên như công ty logistics Paxel và Shopee Xpress, hãng Bukalapak và ví điện tử LinkAja.
Ngược lại, số lượng người tìm việc trong những ngành nghề này cũng không thiếu, đặc biệt trước những tác động từ đại dịch. Tính đến tháng 4/2020, có tổng cộng 70 triệu người Indonesia làm việc trong những khu vực phi chính chức, một phân khúc việc làm chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi COVID-19.
Tất nhiên, có những doanh nghiệp hiện phục vụ nhu cầu này, tương tự Sampingan nhưng họ có xu hướng là các công ty nhỏ, chỉ cung cấp một trong hai dịch vụ, nơi cung cấp lao động thì không kèm nền tảng công nghệ và ngược lại.
"Tại Sampingan, chúng tôi cung cấp cả hai vì chúng tôi coi cả hai dịch vụ này là một gói, không thể hoạt động được nếu chỉ có cái này mà không có cái kia", vị CEO chia sẻ.
Tăng trưởng doanh thu gấp 10 lần
Cách tiếp cận toàn diện của Sampingan dường như gây được tiếng vang với khách hàng. Nugrahadi cho biết doanh thu đã tăng gấp 10 lần sau hai năm, nhưng từ chối tiết lộ số liệu chính xác.
Đến nay, startup này đã có hơn 150 khách hàng doanh nghiệp. Giám đốc điều hành cho rằng phần lớn doanh thu của Nugrahadi đến từ việc các doanh nghiệp ngày càng cởi mở hơn trong việc thử nghiệm các quy trình quản lý và tuyển dụng được số hoá.
"Trong nhiều thập kỷ, các doanh nghiệp hoạt động theo phương thức truyền thống. Nhưng đại dịch có rất nhiều hạn chế", ông giải thích. "Người lao động có thể mất cả ngày chỉ để di chuyển đến các điểm phỏng vấn và sàng lọc.
Nếu chúng ta nghĩ về điều đó, thì đó là một ngày mà đáng ra họ có thể dành thời gian để kiếm tiền. Có một khoản chi phí ở đó, và không chỉ từ phía công ty mà còn ở người tìm việc. Đó là những gì chúng tôi muốn giải quyết".
Tuy nhiên, không phải mọi thứ đều dễ dàng đối với Sampingan. Theo Altara Ventures, một quỹ đầu tư rót vốn vào Sampingan cho hay: "Indonesia đang phát triển nhanh chóng và kéo theo đó là sự kỳ vọng ngày càngg tăng từ người lao động và người sử dụng lao động để làm được nhiều việc hơn, nhanh hơn". Do đó có rất nhiều startup tham gia vào lĩnh này.
Trong khi đó, Sampingan chưa có lợi nhuận. Nugrahadi nói rằng công ty sẽ có lợi nhuận bằng cách thúc đẩy tự động hoá nhiều quy trình nội bộ hơn, một mảng hoạt động được cho là đang tiêu tốn phần lớn nguồn vốn huy động được từ các nhà đầu tư.
Công ty cũng đang hướng tới mục tiêu là khách hàng trong nhưng ngành khác như các công ty hậu cần, đại lý quảng cáo, và các công ty trong lĩnh vực ngoại tuyến đến trực tuyến.
Startup này cũng sẽ bổ sung các tính năng mới như quyền lợi bảo hiểm, khoản vay ứng trước tiền lương cũng như mạng lưới chuyên nghiệp cho người lao động tay chân. Indonesia vẫn sẽ là thị trường chính.