Nhiều Bộ, ngành tán thành mức thuế giá trị gia tăng 5% cho phân bón

07:11 | 30/10/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Phúc đáp công văn của Bộ Tài chính, Hội Nông dân Việt Nam, Bộ NN-PTNt nhất trí thuế suất giá trị gia tăng phân bón ở mức 5% theo dự thảo Tờ trình Bộ Tài chính trình Chính phủ và Quốc hội.

Các Bộ, ngành, Hội đều ủng hộ

 
Chia sẻ với báo chí, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Bùi Thị Thơm cho biết, thực hiện Công văn số 12375/BTC-CST ngày 8/10/2020 của Bộ Tài chính về việc lấy ý kiến vào đề nghị xây dựng Nghị quyết về chính sách thuế Giá trị gia tăng với mặt hàng phân bón.
 
Hội Nông dân Việt Nam nhất trí với nội dung Tờ trình về Dự án Nghị quyết về chính sách thuế giá trị gia tăng 5% để hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp sản xuất phân bón của Bộ Tài chính gửi Chính phủ và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về chính sách thuế giá trị gia tăng trong tình hình hiện nay.
 
Nhiều Bộ, ngành tán thành mức thuế giá trị gia tăng 5% cho phân bón - ảnh 1
Các Bộ, ngành, Hội được xin ý kiến đều nhất trí áp thuế suất GTGT 5% với phân bón
 
Cũng theo bà Thơm, việc đưa phân bón vào diện chịu thuế giá trị gia tăng với mức thuế suất 5% được thông qua giúp doanh nghiệp sản xuất phân bón được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào, giảm bớt khó khăn cho các đơn vị trong ngành sản xuất phân bón trong nước, từ đó, có thêm cơ hội cạnh tranh với phân bón nhập khẩu.
 
Tuy nhiên, vị này cho rằng, cần có các quy định, nguyên tắc để các doanh nghiệp sản xuất phân bón không tăng giá bán phân bón trên thị trường thông qua các giải pháp tăng cường quản trị, rà soát tiết giảm chi phí để giảm giá thành, hạ giá bán sản phẩm, chia sẻ lợi ích với người nông dân trên cơ sở các bên cùng có lợi, qua đó, tiếp tục góp phần bình ổn thị trường phân bón nội địa, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành, giảm lượng phân bón nhập khẩu từ nước ngoài vào thị trường trong nước.
 
Cùng với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Bộ NN-PTNT cũng thống nhất với các nội dung đề xuất sửa đổi quy định về thuế GTGT theo hướng 5% đối với phân bón tại dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về chính sách thuế GTGT để hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp sản xuất phân bón.
Bộ NN-PTNT chỉ đề nghị Bộ Tài chính sửa nội dung tại Điều 1 dự thảo Nghị quyết thành “Nghị quyết này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán và nhập khẩu mặt hàng phân bón” cho thống nhất với Luật Trồng trọt năm 2018.
 

Cú hích cho sản xuất phân bón

 
Về phía Bộ Tư pháp, sau khi Bộ Tài chính có công văn số 12771/BTC-CST gửi Bộ Tư pháp đề nghị thẩm định hồ sơ dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thuế suất thuế GTGT đối với phân bón, ngày 22/10/2020, Bộ Tư pháp đã có Báo cáo thẩm định số 221/BCTĐ-BTP về dự thảo Nghị quyết.
 
Nhiều Bộ, ngành tán thành mức thuế giá trị gia tăng 5% cho phân bón - ảnh 2
Phương án áp dụng thuế suất GTGT sẽ là cú hích cho ngành sản xuất phân bón trong nước
 
Tại Báo cáo thẩm định, Bộ Tư pháp về cơ bản đồng tình với dự thảo Nghị quyết Bộ Tài chính xây dựng, cụ thể: Bộ Tư pháp nhất trí về sự cần thiết ban hành Nghị quyết, tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của dự thảo với hệ thống pháp luật; tính khả thi của dự thảo Nghị quyết, tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên, sự cần thiết, tính hợp lý và chi phí tuân thủ các thủ tục hành chính trong dự thảo văn bản.
 
Bộ Tư pháp cũng nhất trí với với nội dung đề xuất chuyển mặt hàng phân bón từ đối tượng không chịu thuế GTGT sang đối tượng áp dụng mức thuế suất 5% để hỗ trợ ngành sản xuất phân bón trong nước.
 
Về hình thức văn bản, Bộ Tư pháp có ý kiến, do mặt hàng phân bón đã được quy định tại Luật Thuế GTGT nên khi thay đổi chính sách thuế GTGT đối với mặt hàng này cần cân nhắc sửa đổi, bổ sung Luật Thuế GTGT và đề nghị Bộ Tài chính giải trình rõ về việc ban hành dưới hình thức Nghị quyết.
 
Giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính xin cho biết, theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) quy trình xây dựng dự án Luật của Quốc hội gồm 2 bước:
 
Bước 1 - Đề nghị xây dựng dự án Luật của Quốc hội (cơ quan chủ trì chuẩn bị hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật của Quốc hội, tổ chức lấy ý kiến; tổng hợp ý kiến để trình Chính phủ trình Quốc hội đề nghị đưa vào chương trình xây dựng văn bản QPPL).
 
Bước 2 - Xây dựng dự án Luật của Quốc hội (sau khi dự án Luật được đưa vào chương trình xây dựng văn bản QPPL của Quốc hội), cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục thực hiện trình tự, thủ tục tương tự bước 1.
 
Việc trình Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế GTGT thì phải có tổng kết đánh giá và sửa đổi tổng thể các nội dung vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Thuế GTGT, nếu chỉ sửa một nội dung về thuế suất thuế GTGT đối với phân bón sẽ khó thuyết phục đại biểu Quốc hội để đăng ký vào Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội.
 
Qua nghiên cứu, Bộ Tài chính thấy rằng: Tại khoản 2 Điều 15 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định Quốc hội ban hành Nghị quyết để quy định: Vấn đề khác thuộc thẩm quyền của Quốc hội
 
Căn cứ vào quy định nêu trên, việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội để hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất phân bón là phù hợp với thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 15 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật nêu trên.
 
Đồng thời, việc trình Quốc hội ban hành Nghị quyết là phù hợp với chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu trình Chính phủ xem xét việc trình Quốc hội ban hành Nghị quyết để tháo gỡ vướng mắc về thuế suất thuế GTGT cho phân bón khi chưa sửa được Luật Thuế GTGT.
THU QUỲNH