Nhiều cơ hội gián tiếp từ hội nhập CPTPP cho doanh nghiệp Việt
06:45 | 26/11/2019
Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Nhiều cam kết mở cửa thị trường trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã tác động đáng kể đến thị trường phân phối, thương mại điện tử, logistics Việt Nam. Tuy nhiên, cơ hội mở ra rất lớn, điều quan trọng là phải biết khai thác cơ hội cho hiệu quả.
Đây là nhận định được đưa ra tại Hội thảo Ngành Phân phối - Thương mại điện tử - Logistics Việt Nam trước cơ hội và thách thức từ Hiệp định CPTPP được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức trong khuôn khổ Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform) vào chiều ngày 25/11 tại Hà Nội.
Hiệp định CPTPP trong đó Việt Nam là thành viên đã có hiệu lực từ ngày 14/1/2019. Theo đánh giá của VCCI, đối với ngành phân phối, thương mại điện tử và logistics thì tác động trực tiếp của CPTPP về mở cửa thị trường là không đáng kể so với cam kết mở cửa trong Tổ chức Thương mại Thế giới - WTO.
Do đó, với CPTPP, tác động chính sách là không đáng kể, mà chỉ tạo ra sự ổn định hơn và có thể dự đoán trước. Tuy nhiên, tác động gián tiếp từ thực thi CPTPP sẽ tạo ra nhiều cơ hội phát triển cho doanh nghiệp trong hội nhập.
Thông tin cụ thể hơn tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập VCCI cho biết, ngành phân phối, đặc biệt là thị trường bán lẻ đang đứng trước nhiều cơ hội để phát triển nhờ các cam kết trong CPTPP nói riêng và hội nhập nói chung. Vì thế, cơ hội của ngành này là gia tăng quy mô thị trường nhờ tăng trưởng GDP và thu nhập của người dân. Theo Ngân hàng Thế giới, CPTPP sẽ giúp tăng GDP của Việt Nam thêm 1,1-3,5%. Ngoài ra, CPTPP còn giúp tăng nguồn cung hàng hóa cho ngành phân phối, bán lẻ từ các cam kết về thương mại hàng hóa.
Bên cạnh đó, CPTPP còn là cơ hội gia tăng hoạt động thương mại điện tử, đặc biệt là thương mại điện tử qua biên giới. Bởi các cam kết tại đây sẽ tạo ra khung khổ pháp lý an toàn, ổn định và có thể dự đoán được, làm tiền đề thúc đẩy thương mại điện tử.
Tuy nhiên, với ngành phân phối, thương mại điện tử, đại diện VCCI cho rằng, thách thức trong CPTPP là ở sức ép cạnh tranh từ các đối thủ mạnh. Vì thế, các doanh nghiệp ngành này cần tìm cách nâng cao sức cạnh tranh, cải thiện nguồn hàng, kiểm soát chất lượng hàng hóa, cũng như cơ quan quản lý phải có biện pháp hỗ trợ thúc đẩy phát triển các kênh phân phối, tạo đầu mối liên kết giữa nhà sản xuất – nhà phân phối – khách hàng…
Đồng thời, trong CPTPP, ngành chịu nhiều ảnh hưởng là logistics. Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, tiếp cận thị trường CPTPP không có nhiều thay đổi so với WTO, cho nên cạnh tranh không nhiều, do đó không ảnh hưởng đến các nhà logistics nội địa. Vì thế CPTPP mở ra cơ hội về hợp tác, đầu tư, gia tăng quy mô, hiệu quả kinh doanh cũng như giảm chi phí kinh doanh cho các doanh nghiệp logistics. Nhưng tác động khác của CPTPP làm tăng hoạt động xuất nhập khẩu nên tăng nguồn khách hàng lớn cho ngành logistics. Do đó, các doanh nghiệp ngành này phải xử lý các vấn đề liên quan đến vận chuyển hàng hóa, hải quan xuất nhập khẩu…
Do đó, bà Trang nhấn mạnh, doanh nghiệp Việt Nam không phải là nhóm duy nhất hưởng những lợi ích này nên phải có kế hoạch khắc phục những hạn chế, nâng cao năng lực cạnh tranh bằng việc cải thiện dịch vụ, ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường liên kết hợp tác…
Chia sẻ thêm về lĩnh vực phân phối đang được nhiều doanh nghiệp quan tâm, bà Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho hay: CPTPP sẽ có những tác động đến ngành phân phối, bán lẻ Việt Nam do mức độ mở cửa thị trường cao hơn, rộng hơn so với trong WTO. Dù vậy, trong hơn 10 năm qua, sau khi gia nhập WTO, các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam đã được tôi luyện, thử thách qua những thăng trầm, nên về cơ bản họ đã chuẩn bị tinh thần và chấp nhận mở cửa, cạnh tranh cao. Cam kết CPTPP cũng sẽ không làm thay đổi cục diện của thị trường, các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam hoàn toàn tự tin cạnh tranh trong môi trường này.
Tuy nhiên, bà Loan cho rằng, các nhà bán lẻ sẽ phải quan tâm nhiều hơn đến quyền lợi của người tiêu dùng, của khách hàng. Việc tìm kiếm các nguồn hàng tin cậy, truy xuất được nguồn gốc, đảm bảo an toàn thực phẩm, chất lượng cao, mẫu mã đa dạng, phong phú, giá cả hợp lý cho nhiều phân khúc thị trường sẽ là sự ưu tiên chú trọng hàng đầu. Về phía các nhà sản xuất hàng hóa Việt Nam, cần phải cố gắng nhiều hơn để chiếm lĩnh lòng tin của người tiêu dùng, từ đó sẽ nhận được sự quan tâm của các nhà bán lẻ, bởi thực thi CPTPP hàng hóa các nước sẽ vào Việt Nam nhiều hơn, tạo ra nguồn cung rất lớn, cạnh tranh công bằng với hàng hóa trong nước.
Mặc dù chúng ta đã sự chuẩn bị khá tốt về mặt nhận thức về hội nhập quốc tế, cạnh tranh, song không phải đại đa số các doanh nghiệp Việt Nam (bao gồm doanh nghiệp phân phối bán lẻ) đã hiểu rõ, trong đó có việc thực thi các cam kết trong CPTPP, thậm chí có nhiều doanh nghiệp còn hiểu lầm. Vì vậy, trong thời gian tới, Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam sẽ tích cực hơn phối hợp với các doanh nghiệp để tăng cường phổ biến thông tin về CPTPP, phố biến kiến thức về hội nhập quốc tế… để các doanh nghiệp biết, nắm rõ, làm chủ tình hình, chủ động tận dụng các cơ hội, sẵn sàng đối mặt với cuộc cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập CPTPP.