Nhiều công ty Mỹ tồn kho hàng chục triệu khẩu trang N95 dù dịch bệnh vẫn đang hoành hành
Nhiều công ty tại Mỹ đang phải chứng kiến tình cảnh hơn chục triệu chiếc khẩu trang N95 nằm xếp kho vì không tìm được khách hàng mua do không thể cạnh tranh giá với khẩu trang do Trung Quốc sản xuất.
Tháng 4/2020, theo cuộc thăm dò của Premier - công ty cung cấp thiết bị cho 4.100 bệnh viện và hệ thống chăm sóc sức khỏe ở Mỹ, khẩu trang N95 lúc bấy giờ thiếu hụt lớn. Chớp lấy thời cơ, DemeTech, một công ty gia đình chuyên sản xuất chỉ khâu, đã nâng cấp dây chuyền để sản xuất khẩu trang N95.
Sau 9 tháng với hàng chục triệu USD đầu tư, khẩu trang N95 của DemeTech được chính phủ liên bang phê duyệt.
Khẩu trang N95 do Mỹ sản xuất đang phải xếp kho do không thể cạnh tranh giá bán với Trung Quốc. Ảnh: SCMP
Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) cũng đưa tin, DemeTech, một nhà sản xuất khẩu trang N95 tại thành phố Miami thuộc bang Florida của Mỹ, đã lao vào tăng ca sản xuất khi đại dịch COVID-19 xuất hiện kéo theo khiến tình trạng khan hiếm khẩu trang phòng dịch.
Tuy nhiên, điều trớ trêu là công ty lại không thể tìm đủ khách hàng. Theo đó, công ty này đang phải chứng kiến tình cảnh hơn 30 triệu chiếc khẩu trang N95 nằm xếp kho vì không tìm được khách hàng mua do không thể cạnh tranh giá với khẩu trang do Trung Quốc sản xuất. Đây cũng là tình trạng chung của hàng chục nhà sản xuất khẩu trang khác tại Mỹ.
“Không có sự kết nối thành công giữa các nhà sản xuất và những khách hàng có nhu cầu mua khẩu trang”, Phó Giám đốc công ty DemeTech, ông Luis Arguello nói.
Theo ông Arguello, có 2 nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng mặt hàng khẩu trang do các công ty Mỹ sản xuất phải nằm xếp kho.
Nguyên nhân đầu tiên là vì vấn đề giá cả. Các bệnh viện tại Mỹ quyết định mua những chiếc khẩu trang có giá rẻ hơn do Trung Quốc sản xuất. Một hộp 20 chiếc N95 của DemeTech có giá bán lẻ 75 USD, giá bán buôn chỉ bằng một nửa, thế nhưng vẫn đắt hơn sản phẩm của Trung Quốc.
Gần 20 công ty tại Mỹ đang phải vật lộn để bán khẩu trang N95. Ảnh minh họa: Reuters
New York Times cho biết, gần 20 công ty như DemeTech đang phải vật lộn để bán khẩu trang N95, bất chấp những lời cam kết của chính phủ - dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump và bây giờ là Tổng thống Joe Biden - về việc hỗ trợ các nhà sản xuất Mỹ.
"Thật không may là rất nhiều bệnh viện lại lựa chọn khẩu trang từ Trung Quốc. Sản phẩm của chúng tôi có giá thành cao hơn đáng kể vì sử dụng nguyên liệu và lao động tại Mỹ", ông Luis Arguello, cho biết.
Nguyên nhân thứ hai là việc các nền tảng công nghệ như: Google, Amazon, Facebook cấm quảng cáo và bán mặt hàng này để ngăn tình trạng tích trữ và dành khẩu trang cho nhân viên y tế, cũng khiến công ty gặp nhiều khó khăn trong việc bán lẻ trực tuyến.
"Hầu hết công ty kỹ thuật số nghĩ rằng họ đang làm tốt vì muốn dành sản phẩm cho bệnh viện và các bác sĩ, nhưng chúng tôi dư thừa công suất. Chúng tôi có rất nhiều khẩu trang trong kho, như tại đây có khoảng 30 triệu chiếc", ông Luis Arguello cho biết thêm.
"Chúng tôi có thể thuê thêm 3.000 lao động mới, tiếp tục sản xuất và giúp đỡ nền kinh tế, hoặc thông điệp của chúng tôi sẽ không được đón nhận và sẽ phải sa thải rất nhiều, thậm chí tất cả 1.500 nhân viên đang sản xuất khẩu trang", ông Luis Arguello chia sẻ.
Khẩu trang N95 vẫn là mặt hàng được đánh giá đạt “tiêu chuẩn vàng” trong công tác phòng chống dịch COVID-19. Ảnh minh họa: Northwell
Theo ước tính, nhu cầu về khẩu trang N95 tại Mỹ đã tăng 500% kể từ tháng 7/2020. Tuy nhiên các nhà sản xuất mới cũng đã có mặt trên thị trường và các bệnh viện trung bình đang có nguồn cung cấp đủ dùng trong 150 ngày. Do đó, việc tiêu thụ lượng khẩu trang tồn kho khổng lồ sẽ là bài toán không hề đơn giản với các doanh nghiệp như DemeTech.
Cho tới nay, khẩu trang N95 vẫn là mặt hàng được đánh giá đạt “tiêu chuẩn vàng” trong công tác phòng chống dịch COVID-19, bởi bộ lọc của khẩu trang có thể lọc tới 95% các loại bụi có trong không khí bao gồm bụi mịn.
Hải Yến