Nhiều doanh nghiệp Việt nghĩ “chi phí bôi trơn, quà tặng là cách thể hiện kinh doanh”

07:52 | 15/08/2018 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - “Tham nhũng không phải lúc nào cũng là vấn đề được quan tâm bởi vì nhiều doanh nghiệp (DN) trong nước cho rằng, chi phí bôi trơn và quà tặng là cách thể hiện kinh doanh ở Việt Nam để đẩy nhanh quy trình, thủ tục dịch vụ công của cơ quan Nhà nước”, báo cáo khảo sát của Tổ chức Hướng tới Minh bạch (TT) nêu.

Sáng 14/8, Tổ chức Hướng tới Minh bạch công bố kết quả báo cáo khảo sát thực trạng đối phó với rủi ro kinh doanh của DN trong 3 khu công nghiệp cao (KCNC - tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng).

Năm 2017, Việt Nam đứng thứ 107/180 nước về chỉ số cảm nhận tham nhũng. Số liệu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2017 cho thấy, đối với chỉ số hành vi đạo đức của DN và tham nhũng, Việt Nam đứng thứ 81/137 nước, chi phí không chính thức và hối lộ đứng thứ 109.

Dù vậy, theo báo cáo kết quả khảo sát “Liêm chính kinh doanh trong các KCNC ở Việt Nam”, các DN hoạt động trong môi trường kinh doanh liêm chính có thể phòng tránh hoặc hạn chế tham gia vào các hành vi hối lộ.

Tất cả các DN được phỏng vấn đều công nhận môi trường kinh doanh liêm chính tại 3 KCNC cũng như nỗ lực của các ban quản lý trong việc đưa ra các sáng kiến và hành động nhằm đơn giản hóa các thủ tục hành chính, hỗ trợ các DN trước tình trạng tham nhũng.

Nhiều doanh nghiệp Việt nghĩ “chi phí bôi trơn, quà tặng là cách thể hiện kinh doanh” - ảnh 1
Toàn cảnh buổi công bố báo cáo khảo sát

Thực tiễn kinh doanh của nhiều DN cũng chỉ ra rằng, việc DN đặt giá trị liêm chính và đạo đức kinh doanh lên hàng đầu đã nhận được sự quan tâm và đánh giá cao của các bên liên quan như nhà đầu tư hay khách hàng.

Một số DN chia sẻ, sau khi họ từ chối đưa hối lộ, chính DN lại nhận được sự tôn trọng hơn của đối tác và các giao dịch lần sau trở nên suôn sẻ hơn. Ngoài ra, kinh doanh liêm chính còn giúp DN “giảm chi phí bôi trơn, tạo điều kiện để DN thâm nhập thị trường quốc tế”.

DN Việt đang tụt hậu trong giải quyết rủi ro tham nhũng

Điều đáng nói là “tham nhũng không phải lúc nào cũng là vấn đề được quan tâm bởi vì nhiều DN trong nước cho rằng, chi phí bôi trơn và quà tặng là cách thể hiện kinh doanh ở Việt Nam để đẩy nhanh quy trình, thủ tục dịch vụ công của cơ quan Nhà nước”, báo cáo nêu.

Phần lớn các DN chia sẻ rằng, họ sẽ không hối lộ trừ khi phải đối mặt với tình huống có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của họ.

“Với sự thay đổi nhanh chóng của môi trường kinh doanh và khung pháp lý của nhiều quốc gia trên thế thới, đã đến lúc tư duy kinh doanh ở Việt Nam cần thay đổi”, Tổ chức Hướng tới Minh bạch nhận định.

Cũng theo báo cáo khảo sát, sự khác biệt về quy mô và nguồn gốc sở hữu của DN ảnh hưởng đến cách thức giải quyết rủi ro tham nhũng.

Các DN có vốn đầu tư nước ngoài thường có chính sách tuân thủ và đạo đức kinh doanh chặt chẽ hơn vì phần lớn những chính sách này được xây dựng, triển khai và giám sát bởi công ty mẹ ở nước ngoài.

Trong khi đó, ngoại trừ một số tập đoàn lớn trong nước, các DN Việt Nam vẫn đang bị tụt hậu. Một số DN trong nước đang muốn mở rộng hoạt động kinh doanh hoặc tham gia vào thị trường toàn cầu nhưng thiếu nguồn lực và kỹ năng để xây dựng hệ thống quản lý và tuân thủ nội bộ.

Các DN còn lại thì vẫn chưa thấy được sự cần thiết phải áp dụng một hệ thống tuân thủ chặt chẽ trong công việc hàng ngày nhằm duy trì hoạt động kinh doanh.

Thông qua khảo sát cho thấy, mặc dù cho rằng tham nhũng là một vấn đề quan trọng nhưng chỉ 1/3 DN được hỏi lựa chọn rủi ro tham nhũng là một trong 3 rủi ro lớn nhất. Trong đó, rủi ro về pháp lý, kinh tế vĩ mô, hợp đồng, đứng hàng đầu trong danh sách các rủi ro được nhiều DN lựa chọn.

Không DN nào nói chi phí không chính thức không bao giờ hữu ích

50% DN tham gia khảo sát đồng ý với nhận định “công chức Nhà nước thường sử dụng việc giám sát tuân thủ pháp luật ở địa phương để đòi hỏi chi phí không chính thức từ các DN” nhưng chỉ 42% cho rằng sẽ được cung cấp dịch vụ công như mong muốn nếu chấp nhận chi trả khoản chi phí này.

Trong số các DN được hỏi về mức độ hữu ích của hối lộ, chi phí không chính thức, 6% cho rằng luôn luôn, 36% cho rằng thường xuyên, 29% thỉnh thoảng, 23% không biết, 6% hiếm khi và không DN nào cho rằng, các khoản chi phí không chính thức không bao giờ hữu ích.

Báo cáo đưa ra thông số, 39% DN được hỏi từng được yêu cầu chi tiền lót tay hoặc cung cấp các dạng lợi ích phi chính thức khác cho cán bộ Nhà nước, 13% DN không biết, còn lại là không được yêu cầu.

Trước yêu cầu đưa hối lộ của cán bộ Nhà nước, trước hết DN “cố gắng đáp ứng các yêu cầu của pháp luật để tránh các khoản chi không chính thức”. Song DN (có cả DN nước ngoài) thừa nhận, “hối lộ đã bám rễ trong hệ thống và họ không thể lờ đi được”. Do đó, DN sẽ phải “cân nhắc” chi trả các khoản chi không chính thức theo từng trường hợp cụ thể.

Các loại hình dịch vụ có thể phát sinh các khoản chi không chính thức là thông quan hàng hóa (35%), kiểm tra thuế/đánh giá (32%), Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất /Giấy phép thi công (13%), dịch vụ an ninh (phòng cháy chữa cháy, công an) (10%), Giấy phép kinh doanh/Giấy phép lao động (6%), các thủ tục/dịch vụ khác (13%).

Từ kết quả khảo sát, Tổ chức Hướng tới Minh bạch khuyến nghị các DN Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa để xây dựng hệ thống tuân thủ và kiểm soát nội bộ. Các ban quản lý cần tiếp tục triển khai các sáng kiến cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ DN thực hành kinh doanh liêm chính.

Với các cơ quan Nhà nước cần chuyển đổi từ nền “hành chính” sang “phục vụ”, thay đổi tư tưởng “vòi vĩnh” thông qua tăng cường minh bạch thủ tục hành chính, nhận thức của công chức, khuyến khích và hỗ trợ nhân rộng các sáng kiến liêm chính.

Theo Thanh tra